.

Vì sao dự án đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới chậm tiến độ đề ra?

Thứ Năm, 19/11/2015, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới thuộc danh mục các dự án lưới điện cấp bách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án hoàn thành sẽ truyền tải công suất các nhà máy điện tại Trung tâm điện lực Vũng Áng, tăng cường công suất phụ tải, nâng cao chất lượng điện áp, bảo đảm cung cấp điện an toàn cho tỉnh Quảng Bình và các vùng phụ cận, đặt biệt là Khu kinh tế Hòn La, Khu công nghiệp Hòn La 2 và Khu công nghiệp xi măng tập trung Tiến-Châu-Văn Hoá. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành và đóng điện trong tháng 11-2015. Tuy nhiên, do còn gặp khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên hiện tại công trình bị chậm tiến độ đề ra.

Công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới được xây dựng trên cơ sở tận dụng lại hành lang lưới điện đường dây 220kV Vinh-Đồng Hới, xây dựng từ năm 1987. Công trình có chiều dài 84,6 km, gồm 234 vị trí móng đi qua huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình).

Riêng đoạn tuyến công trình đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình dài 64,5 km, gồm 175 vị trí cột; trong đó đi qua huyện Quảng Trạch 53 vị trí, thị xã Ba Đồn 29 vị trí, huyện Bố Trạch 77 vị trí và thành phố Đồng Hới 16 vị trí. Theo báo cáo của đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, đến nay đã có 173/175 vị trí móng tại các địa phương được tổ chức kiểm đếm, 141/175 vị trí được các hộ dân bàn giao mặt bằng, 142/175 vị trí đã thi công đào đúc móng xong và 29 vị trí còn lại chưa thi công.

Trong số 29 vị trí chưa thi công có 21 vị trí trùng tim móng, hành lang của đường dây 220kV Vinh-Đồng Hới hiện hữu phải cắt điện tháo dỡ cột, dây mới triển khai thi công và 8 vị trí còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng tại huyện Quảng Trạch (5 vị trí) và thị xã Ba Đồn (3 vị trí).

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới, chúng tôi đã thực hiện chuyến đi thực tế về huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Tại huyện Quảng Trạch, 5 vị trí còn vướng mắc chưa bàn giao giải phóng mặt bằng gồm: vị trí 56 (xã Quảng Đông) và vị trí 71,72,79,80 (xã Quảng Phú).

Theo đó, vị trí 56 nằm trên đỉnh đèo Ngang, liên quan đến hộ ông Nguyễn Thiện Thuật, có cây trồng trên đất thuộc Lâm trường Quảng Trạch quản lý. Mặc dù ông Thuật đã tạm ứng tiền bồi thường cây và cho đơn vị thi công công trình đào móng nhưng lại không cho đúc móng mà yêu cầu đền bù đất với lý do diện tích này gia đình đã sử dụng lâu năm nhưng không có cơ quan nào có ý kiến.

Ảnh 5 : Một trong những vị trí móng thuộc công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới đã thi công đào đúc xong, đoạn qua địa bàn thành phố Đồng Hới.
Một trong những vị trí móng thuộc công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới đã thi công đào đúc xong, đoạn qua địa bàn thành phố Đồng Hới.

Để giải quyết vấn đề này, UBND xã Quảng Đông đã mời ông Thuật, Lâm trường Quảng Trạch và các bên liên quan lên làm việc, tổ chức vận động và giải thích nhưng ông Thuật vẫn không đồng thuận. Vị trí 71 và 72 nằm trong diện tích đất UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH Anh Trang xây dựng Nhà máy luyện gang và sản xuất phôi thép.

Hiện tại, doanh nghiệp này chưa chi trả hết tiền bồi thường cho các hộ dân theo phương án bồi thường được phê duyệt nên các hộ dân chưa cho thi công. Nguyên nhân dẫn đến vướng mắc tại vị trí 79 và 80 là do các hộ dân đề nghị Nhà nước thu hồi và có phương án bồi thường diện tích đất lúa nhỏ lẻ, khó canh tác còn lại và sau khi thi công móng cột sẽ bị nhiễm mặn không thể trồng lúa.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Quảng Trạch đã thành lập tổ công tác kiểm tra thực địa và hiện đang hoàn thành thủ tục để trình phê duyệt phương án bồi thường. Trong thời gian chờ phê duyệt phương án bồi thường, huyện Quảng Trạch đã vận động các hộ dân nhận tiền tạm ứng theo giá dự thảo và cho thi công nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận, yêu cầu phải bồi thường 120 triệu đồng/sào.

3 vị trí còn vướng mắc tại thị xã Ba Đồn gồm: vị trí 114 (phường Quảng Long) và vị trí 124,125 (phường Quảng Thọ). Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết vị trí 114 do tranh chấp đất trong gia đình nên hộ dân chưa ký hồ sơ kiểm đếm. UBND thị xã và UBND phường Quảng Long đã tổ chức nhiều cuộc họp và tuyên truyền, vận động nhưng các thành viên trong gia đình vẫn chưa đồng thuận.

Vị trí 124 vướng mắc do liên quan đến 2 hộ dân. Đó là hộ ông Thạch đề nghị có quyết định thu hồi đất vĩnh viễn và có quyết định phê duyệt phương án bồi thường để gia đình xem xét trước khi thi công. Hộ ông Thọ không thống nhất cho thi công vì vị trí móng cách nhà hơn 3m, khi triển khai thi công sẽ ảnh hưởng đến nhà và đề nghị hỗ trợ tiền đường giao thông ảnh hưởng trong quá trình thi công. Nhằm giải quyết vướng mắc này, UBND phường Quảng Thọ và Trung tâm Phát triển quỹ đất, các bên liên quan đã làm công tác tư tưởng, vận động, giải thích và có cam kết thi công an toàn nhưng gia đình vẫn không đồng ý.

Vướng mắc tại vị trí 125 là do hộ ông Nguyễn Văn Cừ đề nghị có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường và nhận tiền mới bàn giao mặt bằng cho thi công.

Không chỉ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong quá trình thực hiện thi công công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới (lắp dựng cột, kéo rải căng dây) sẽ gây mất liên kết lưới điện 220kV Bắc-Trung (do tận dụng lại hành lang tuyến của đường dây 220kV Vinh-Đồng Hới, đây là đường dây huyết mạch kết nối lưới truyền tải điện 220kV giữa miền Bắc với miền Trung duy nhất hiện nay) nên công trình phải được hoàn thành trước mùa khô năm 2016.

Hiện tại, đơn vị chủ đầu tư đã xây dựng phương án huy động mọi nguồn lực để thi công đồng loạt trên toàn tuyến, với mục tiêu hoàn thành công trình trong vòng 70 ngày đêm (bắt đầu từ ngày 21-11-2015 và kết thúc trước ngày 29-1-2016). Đây là thời điểm tốt nhất có thể chấp nhận mất liên kết lưới điện 220kV Bắc-Trung để thi công công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới do có thể tận dụng nguồn nước đang có của các hồ thuỷ điện khu vực miền Trung.

Theo kế hoạch này, đường dây 220kV Vinh-Đồng Hới sẽ được cô lập bắt đầu từ 6 giờ ngày 21-11-2015 để tháo dỡ, thu hồi và bàn giao lại hành lang tuyến nhằm thực hiện thi công công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi công được thông suốt trong thời gian cắt điện, đơn vị chủ đầu tư đang đề nghị UBND tỉnh chấp thuận cho phép gián đoạn cung cấp điện khu vực Hòn La, Nhà máy xi măng Sông Gianh và Nhà máy xi măng Văn Hoá trong 8 giờ ngày chủ nhật 21-11-2015; cho phép sa thải bớt phụ tải khu vực Hòn La trong thời gian cắt điện thi công kéo dây giao chéo và chuyển đấu nối Trạm biến áp 110kV Hòn La và Trạm biến áp 220kV Ba Đồn từ ngày 14-1-2016 đến ngày 17-1-2016.

Dự án đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, trước hết các địa phương phải đẩy nhanh công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công. Vẫn biết việc thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng phần lớn do phải vận dụng nhiều chính sách và liên quan trực tiếp đến từng hộ dân nên thường tạo ra sự bất cập trong các đơn giá đền bù.

Và như đã nói ở trên, thực tế công trình đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới là cải tạo, nâng cấp (1 mạch thành 2 mạch) từ đường dây 220kV Vinh-Đồng Hới hiện hữu nên việc bồi thường chỉ thực hiện cho các hư hại về cây trồng trong quá trình thi công.

Do vậy, nhân dân địa phương nơi công trình đi qua cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng của dự án để ủng hộ và tự nguyện chấp hành công tác giải phóng mặt bằng. Đối với những trường hợp hộ dân vẫn cố tình không chịu bàn giao mặt bằng thì chính quyền địa phương cần lên phương án cưỡng chế và bảo vệ thi công theo quy định của pháp luật.

Hiền Chi