.

Thực hiện Nghị định 67 ở thị xã Ba Đồn: Tiếp cận vốn, còn nhiều nỗi lo

Thứ Ba, 03/11/2015, 08:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, việc triển khai đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ (viết tắt là Nghị định 67) ở thị xã Ba Đồn đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều ngư dân đã tiếp cận được nguồn vốn vay, tiến hành đóng mới và đã hạ thủy tàu để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn nhiều vướng mắc cần có sự tháo gỡ kịp thời để ngư dân yên tâm tham gia đóng mới tàu, đặc biệt là tàu vỏ thép...

Kế hoạch thực hiện Nghị định 67 giai đoạn năm 2014-2016 của thị xã Ba Đồn là đóng mới nâng cấp 33 chiếc tàu cá (4 tàu vỏ thép, 17 tàu vỏ gỗ, 12 tàu nâng cấp). Vì vậy, nhằm triển khai hiệu quả việc đóng mới, nâng cấp tàu thuyền theo Nghị định 67 của Chính phủ, ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67, Sở NN và PTNT, thị xã Ba Đồn cũng đã có văn bản chỉ đạo, thông báo rộng rãi đến các địa phương, hộ ngư dân về chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67.

Các địa phương đã tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh về các chính sách của Nghị định 67 như: chính sách tín dụng đóng mới tàu khai thác, tàu dịch vụ, nâng cấp tàu cá khai thác hải sản xa bờ; chính sách bảo hiểm, chính sách ưu đãi thuế; chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo thuyền viên vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới... đến tận các hộ ngư dân.

Cùng với đó, thị xã giao phòng chuyên môn cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn các xã, phường và các hộ ngư dân để làm hồ sơ và lập danh sách các hộ ngư dân có đủ điều kiện tham gia Nghị định 67 theo thứ tự ưu tiên. Nhờ vậy, đến nay thị xã Ba Đồn đã được UBND tỉnh phê duyệt 13 hồ sơ đóng mới tàu (1 tàu dịch vụ vỏ thép và 12 tàu khai thác vỏ gỗ). Trong đó, có 3 tàu khai thác vỏ gỗ đã khởi công đóng và tiến hành hạ thủy của các hộ ngư dân gồm: các ông Phạm Toán, Mai Hải ở xã Quảng Lộc và ông Hoàng Quý xã Quảng Văn.

Theo ông Nguyễn Thanh Đôn, Chủ tịch UBND phường Quảng Phúc - là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu trên địa bàn thị xã Ba Đồn cho biết, Nghị định 67 vừa mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho ngư dân vừa góp phần giúp ngư dân có mặt tại vùng biển xa của Tổ quốc.

Một cơ sở đóng tàu đủ điều kiện tham gia Nghị định 67 ở thị xã Ba Đồn.
Một cơ sở đóng tàu đủ điều kiện tham gia Nghị định 67 ở thị xã Ba Đồn.

Vì vậy, từ cuối năm 2014 đến nay, ngư dân phường Quảng Phúc đã đăng ký đóng mới 48 tàu cá, trong đó có 1 tàu vỏ thép, 1 tàu dịch vụ; có 92 tàu vay vốn để nâng cấp tàu, máy; nâng cấp 2 cơ sở đủ điều kiện tham gia đóng mới tàu là Công ty TNHH MTV Trần Tịnh và Công ty Huệ Thế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 67 tại các địa phương trên địa bàn thị xã Ba Đồn. Theo một số ngư dân ở thị xã cho hay, nếu lắp máy cũ, chi phí một tàu cá đến khi hạ thủy khoảng trên 1 tỷ đồng. Nếu lắp máy mới 100% để được vay theo Nghị định 67, chi phí đầu tư sẽ tăng lên gấp đôi.

Do vậy, nhiều ngư dân trăn trở về việc lắp máy cũ để giảm mức đầu tư, thay vì đăng ký vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67. Đồng thời, các ngư dân cũng đã kiến nghị, đối với việc đóng tàu vỏ gỗ, các ngân hàng thương mại nên xem xét cho phép giải ngân hợp đồng (với ngư dân) để mua những trang thiết bị khai thác vì hiện nay quy trình của ngân hàng là giải ngân toàn bộ vốn vay cho cơ sở đóng tàu. Mặt khác, các thiết bị ngư lưới cụ của chủ tàu nếu còn có giá trị và đủ điều kiện để đánh bắt thì nên tính trong nguồn vồn đối ứng của các hộ gia đình.

Một số ngư dân cũng băn khoăn, lo lắng đó là giá trị đóng mới tàu quá lớn, nhất là tàu vỏ thép dẫn đến nhiều chủ tàu đắn đo khả năng hoàn trả trước khi vay ngân hàng. Chưa kể trên địa bàn hiện không có cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu vỏ thép. Ngư dân Nguyễn Văn Tuất, chủ tàu 709CV, ở phường Quảng Phúc chia sẻ, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đóng tàu vỏ thép, vì vậy ngư dân khi đóng tàu vỏ thép thì nhu cầu sửa chữa lại không đáp ứng được.

Cùng với đó, ngư dân ở các xã, phường trên địa bàn thị xã cũng đã trao đổi và bày tỏ mong muốn, để ngư dân tiếp tục mạnh dạn đầu tư tham gia đóng mới tàu vỏ thép thì cần có cơ chế trong việc hỗ trợ lãi suất đối với các chủ tàu đã đóng mới tàu vỏ gỗ để ngư dân giải quyết dứt điểm được nợ cũ; tạo điều kiện về khâu thu mua và chế biến nhằm giải quyết tốt đầu ra cho ngư dân; cải tạo, nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền và luồng lạch bị bồi lấp để tàu lớn ra vào...

Thực tế cho thấy, hiện đội ngũ cán bộ trực tiếp hướng dẫn thực hiện các chính sách theo Nghị định 67 từ cấp thị xã đến cấp xã, phường còn ít, mỏng nên công tác tuyên truyền nghị định chưa thực sự sâu rộng và thấu đáo, dẫn đến rất nhiều ngư dân lo ngại vấp phải những vướng mắc trong thực hiện các bước thủ tục, chính sách, nhất là đối với tàu vỏ thép.

Bởi lẽ, trong quá trình thực hiện đóng mới tàu, khi chủ tàu xem xét điều chỉnh công suất, thiết kế mẫu cho phù hợp với tập phương thức bắt thì mỗi lần thay đổi lại phải điều chỉnh thiết kế, dẫn đến vướng mắc trong các thủ tục... Trong khi đó, các ngân hàng còn lúng túng trong khâu thẩm định phương án sản xuất, khả năng tài chính và tính hiệu quả của dự án...

Theo ông Nguyễn Chí Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn, nhằm tháo gỡ những vướng mắc này, thị xã Ba Đồn tiếp tục tuyên truyền mạnh các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, để người dân hiểu rõ hơn và dễ tiếp cận với nguồn vốn chính sách của Nhà nước.

Bên cạnh đó, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo và tích cực kiểm tra các hộ ngư dân đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đóng mới tàu; phối hợp với các ngân hàng cho vay sớm hoàn thiện các thủ tục để giải ngân vốn cho ngư dân, đồng thời đẩy nhanh việc thẩm định phương án sản xuất để các hộ ngư dân sớm tiếp cận nguồn vốn.

Hy vọng với hướng tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Nghị định 67, nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước sẽ sớm đến được với nhiều ngư dân trên địa bàn thị xã Ba Đồn, giúp họ nâng cao năng lực đánh bắt, hiện đại hóa nghề cá và làm giàu trên vùng biển quê hương.

N.L