.

Quảng Ninh: Tích cực triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2015-2016

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo đánh giá của UBND huyện Quảng Ninh, năm 2015, mặc dù thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn phức tạp..., tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của bà con nông dân nên sản xuất nông nghiệp vẫn đạt được kết quả khá toàn diện. Hiện huyện Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân tích cực triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2015-2016 với quyết tâm có được một vụ mùa bội thu.

Ông Nguyễn Ngọc Thụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết:  Năm 2015, huyện Quảng Ninh có tổng diện tích gieo trồng các cây trồng chính 11.140 ha, đạt 103,58% KH; trong đó cây lúa 8.947 ha, đạt 109,11% KH; tổng sản lượng lương thực đạt 50.490 tấn, bằng 103% KH, trong đó: lúa 49.229 tấn, ngô 1.261 tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng đáng kể, trong đó đàn trâu có 4.173 con, đàn bò 5.985 con, đàn lợn 29.650 con và đàn gia cầm 317.100 con.

Đặc biệt, huyện có đàn bò lai chiếm trên 60% tổng đàn, đàn lợn có máu ngoại chiếm trên 95% tổng đàn; các giống gia cầm được sử dụng nhiều như gà Lượng Huệ, gà Minh Dư, gà CP, vịt Supbơ... cho hiệu quả kinh tế cao. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện được 3.630 tấn; trong đó đánh bắt 2.000 tấn, nuôi trồng 1.630 tấn.

Theo kế hoạch, vụ đông-xuân 2015-2016, huyện Quảng Ninh có diện tích gieo cấy 5.200 ha lúa, phấn đấu đạt năng suất 58 tạ/ha, sản lượng 30.160 tấn; ngô 360 ha, năng suất 36 tạ/ha, sản lượng 1.296 tấn; khoai lang 250 ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng 2.000 tấn...

Nông dân xã Lương Ninh đang triển khai cày vỡ, chuẩn bị vào vụ đông-xuân 2015-2016.
Nông dân xã Lương Ninh đang triển khai cày vỡ, chuẩn bị vào vụ đông-xuân 2015-2016.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; đầu tư mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản (nuôi mặn lợ 130 ha, ao hồ 320 ha, nuôi cá 670 ha), nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân.

Trong vụ đông-xuân 2015-2016, huyện Quảng Ninh sớm xác định có những yếu tố gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, đó là: sự biến đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, tình hình hoạt động mạnh, kéo dài của El Nino gây khô hạn; tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng dịch bệnh mới xuất hiện và gây hại khó kiểm soát; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn...

Trước tình hình trên, để bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi, huyện Quảng Ninh đã có kế hoạch tập trung đưa các giống có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu, kháng sâu, bệnh vào sản xuất phù hợp với từng chân đất; tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 65%.

Mặt khác, huyện tiếp tục thực hiện đề án cải tạo bộ giống lúa theo hướng giảm dần diện tích giống lúa dài ngày, đưa các giống trung và ngắn ngày có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do thời tiết mưa rét đầu vụ gây ra ở các vùng thấp trũng của các xã, như: Gia Ninh, Tân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Võ Ninh...; chỉ đạo cơ cấu giống chặt chẽ theo vùng, trong đó cơ cấu 3-4 giống/vụ, tránh tình trạng phân tán, manh mún, nhằm tạo điều kiện cho đầu tư thâm canh, hạn chế khả năng lây lan của các loại sâu bệnh và dịch hại trên đồng ruộng.

Bên cạnh đó, chính quyền các cấp, các ngành chức năng của huyện đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân áp dụng sản xuất theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI, chỉ gieo 3 đến 5 kg/sào cho vụ đông- xuân; khuyến khích đầu tư thâm canh, mở rộng vùng đầu tư thâm canh toàn huyện đạt 5.800 ha, tập trung ở các xã: An Ninh, Vạn Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh, Hàm Ninh và Gia Ninh...

Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã chủ động, xây dựng kế hoạch chống hạn từ đầu vụ, như: phối hợp các trạm thủy nông Quảng Ninh, Mỹ Trung điều tiết nước hợp lý để bà con nông dân gieo trồng và chăm sóc lúa; kiểm tra tình hình, nhu cầu của các địa phương về sửa chữa, gia cố và đầu tư xây dựng các hạng mục công trình; động viên bà con tưới tiết kiệm ngay từ đầu và khai thác thêm nguồn nước tưới tại chỗ ở các ao, hồ... để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất đến cuối vụ; tăng cường công tác dự báo phát hiện và chủ động xây dựng phương án phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, thường xuyên diệt chuột, diệt cây mai dương...

Cùng với đó, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các chân đất một vụ và hai vụ bấp bênh ở vùng ruộng cạn của các xã Vĩnh Ninh, Tân Ninh, Hiền Ninh, Hàm Ninh, Vạn Ninh... sang trồng ngô, dưa hấu, mướp đắng, đậu xanh nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao hơn; khai thác các diện tích đất hoang hoá đưa vào trồng sắn nguyên liệu và các loại cây ngắn ngày khác như: lạc, vừng, đậu các loại...

Cũng trong vụ sản xuất này, huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa ở một số xã còn lại để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất lương thực, vùng thâm canh lúa chất lượng cao, cánh đồng mẫu lớn; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, ưu tiên các cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định; tăng cường đầu tư thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; gắn sản xuất với chế biến, tạo thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nông sản ở địa phương.

“Với chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp nhịp nhàng của các ban, ngành và hưởng ứng tích cực của bà con nông dân, tin chắc rằng vụ đông-xuân 2015-2016 huyện Quảng Ninh sẽ được mùa toàn diện”-ông Nguyễn Ngọc Thụ chia sẻ.

Hương Trà