.

Phát triển sinh kế vùng đệm di sản

Thứ Tư, 04/11/2015, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Vùng đệm VQG Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) có tổng diện tích tự nhiên là 220.950,77ha, với 13 xã nằm về phía tây-bắc thuộc 3 huyện Minh Hóa, Bố Trạch và Quảng Ninh. Đời sống người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Để giảm áp lực đối với tài nguyên trong VQG PN-KB, tạo việc làm ổn định cho người dân, thời gian qua Dự án GIZ (thuộc Dự án Khu vực PN-KB) đã phối hợp với Sở NN&PTNT, các địa phương có liên quan thực hiện một số mô hình sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học, phù hợp với nhiều đối tượng như: trồng nấm, nuôi ong lấy mật, nuôi gà, mây tre đan, mô hình nông-lâm kết hợp.

Trong một lần đi công tác, tình cờ gặp anh Phạm Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa), chúng tôi đã hỏi thăm về tình hình đời sống của bà con trong xã. Anh Bắc phấn khởi chia sẻ: “Đời sống bà con Trọng Hóa giờ khá hơn rồi.

Từ ngày có các mô hình sinh kế mới của Dự án GIZ hỗ trợ phát triển về nuôi bò, lợn, gà, đặc biệt là mô hình mây tre đan, bà con đã có thu nhập ổn định”. Không khỏi tò mò về những gì anh Bắc nói, chúng tôi quyết định tìm về Trọng Hóa để tận mắt chứng kiến những đổi thay ấy.

Dọc theo con đường 12A huyền thoại, chúng tôi đến xã Trọng Hóa vào lúc mặt trời đứng bóng. Có lẽ nếu ở nhà, giờ này chúng tôi đã nghỉ trưa nhưng đến Trọng Hóa lại thấy một hình ảnh thật khác, nhiều hộ dân vẫn đang miệt mài ngồi chẻ tre, đan lát; hỏi thăm mới biết họ đang làm gấp cho đủ các sản phẩm chuyển về bán ở Đồng Hới.

Trò chuyện với anh Hồ Xăng, bản La Trọng 2, chúng tôi được biết anh tham gia mô hình từ năm 2013, nhờ các sản phẩm đan lát gia đình anh thu nhập được khoảng 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống dần ổn định hơn so với trước kia.

Nghề mây tre đan mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Hồ Xăng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa).
Nghề mây tre đan mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Hồ Xăng (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa).

Hay ở bản La Trọng 1, gia đình ông Hồ Xay cũng có cuộc sống khá hơn từ khi tham gia mô hình mây tre đan, ông Hồ Xay cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ sống dựa vào những thứ kiếm được trên rừng là chủ yếu, thu nhập rất ít và bấp bênh nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Giờ tôi đã bước sang tuổi 70, lại đau ốm luôn nên không thể làm được việc nặng, may nhờ có nghề mây tre đan mà tôi có thể kiếm ra tiền, một tháng cũng thu được trên một triệu đồng, tôi vui lắm”.

Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật và bảo đảm về khâu bao tiêu sản phẩm của Dự án GIZ, gia đình anh Hồ Xăng, Hồ Xay và nhiều gia đình khác ở Trọng Hóa và một số xã khác như Trường Sơn, Thượng Trạch đã có một nguồn sinh kế mới, ổn định hơn nhờ mây, tre đan. Trung bình mỗi hộ sản xuất được khoảng 25-30 sản phẩm/tháng, thu được từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Trao đổi với chúng tôi về các mô hình sinh kế thực hiện ở các xã vùng đệm, ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Sở NN&PTNT cho biết: Nhằm hỗ trợ các mô hình sinh kế ngắn hạn bảo đảm sinh kế bền vững cho cộng đồng trong vùng đệm, thời gian qua Dự án GIZ và Sở NN&PTNT đã phối hợp triển khaitất cả 5 sản phẩm sinh kế thân thiện với đa dạng sinh học tại khu vực các xã vùng đệm.

Cụ thể, mô hình trồng nấm ăn (nấm sò) và nấm dược liệu (linh chi) đã được triển khai tại 3 xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch với sự tham gia của 18 hộ gia đình, từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 4 năm 2015. Mô hình nông lâm kết hợp giữa chăn nuôi bò sinh sản, trồng cỏ cho gia súc và trồng tre lấy măng; hỗ trợ 25 hộ gia đình ở 11 xã vùng đệm (trừ xã Phú Định và Hưng Trạch), kể từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 10 năm 2015. Mô hình nuôi gà có 60 hộ gia đình ở 12 xã tham gia chăn nuôi gà giống và gà thịt; mô hình nuôi ong có 42 hộ gia đình ở 5 xã được hỗ trợ đến tháng10 năm 2015.

Mô hình mây tre đan với hơn 120 hộ gia đình được hỗ trợ tập huấn để hình thành các nhóm sản xuất các sản phẩm lưu niệm ở 3 xã Trường Sơn, Trọng Hóa, Thượng Trạch. Theo nhận định của ông Hiệp thì các mô hình này đang được triển khai khá hiệu quả, có khả năng mở rộng phát triển, dù đang trong giai đoạn vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm nhưng nhiều hộ gia đình đã có thu nhập khá.

Ngược lên xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Sơn Trạch, Xuân Trạch của huyện Bố Trạch, chúng tôi đến thăm các hộ gia đình thực hiện mô hình nông-lâm kết hợp. Được biết, tại đây có 9 hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình nông-lâm kết hợp.

Từ khi thực hiện mô hình đến nay, các hộ gia đình đã trồng được 2.700m2 cỏ VA06, bảo đảm đủ thức ăn cho đàn bò; trồng được 750 cây tre lấy măng, tỷ lệ sống đạt trên 75%; đặc biệt trọng lượng bò khi giao cho bà con là 110kg, sau 5 tháng đã tăng lên 200kg, trong đó có 3 con trưởng thành, 1 con mang thai.

Chị Y Buốt (xã Thượng Trạch) chia sẻ: “Nhờ có mô hình nông-lâm kết hợp, gia đình tôi đã có thêm một con bò để phát triển kinh tế, có cỏ VA06 chủ động được nguồn thức ăn cho bò, nhiều người dân trong bản cũng đến xin giống cỏ này về trồng”.

Không chỉ đầu tư chăm sóc bò, các hộ dân tại 4 xã trên cũng đang đầu tư phát triển đàn gà. Đặc biệt, những hộ dân ở 2 xã Tân, Thượng Trạch bắt đầu biết làm chuồng cho bò, gà, nhờ đó việc phát triển chăn nuôi cũng có kết quả khả quan hơn. Điển hình như hộ gia đình chị Y Đan (xã Tân Trạch), với 50 con gà được hỗ trợ ban đầu, gia đình đã phát triển lên gần 200 con, bán với giá 200-300 nghìn đồng/con, nhờ thế gia đình chị đã không còn vào rừng khai thác lâm sản.

Chị Y Đan cho biết: “Các cán bộ Sở NN&PTNT và Dự án GIZ đã hỗ trợ cho gia đình tôi 50 con gà, 150kg thức ăn, thuốc tiêm phòng dịch thú y; hướng dẫn cho tôi kỹ thuật nuôi gà, cách làm chuồng... Nhờ đó, tôi biết cách nuôi gà tốt hơn, gà đẻ được nhiều trứng hơn, bán trứng, bán gà lấy tiền mua thứ khác chứ không cần phải vào rừng nữa...”. Gia đình anh Nguyễn Văn Chí (xã Xuân Trạch) lại đầu tư phát triển gà giống. Với 65 gà con nuôi từ tháng 4-2015, đến nay đàn gà của anh Chí đang phát triển tốt với cân nặng trung bình 1,5kg/con và đã cho ấp thành công 2 lứa gà con.

Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả đạt được, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, Điều phối viên Dự án GIZ cho biết: Địa bàn thực hiện dự án của chúng tôi nằm ở những vùng khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do vậy ban đầu gặp khá nhiều trở ngại trong việc giúp người dân tiếp cận với các mô hình sinh kế.

Tuy nhiên với sự cố gắng và nỗ lực của các cán bộ dự án cùng các đối tác, chúng tôi đã triển khai thực hiện được các mô hình ở phạm vi 11 xã vùng đệm và bước đầu đạt kết quả tốt. Nhiều mô hình đã giúp bà con có thu nhập khá như mô hình nấm thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng; mô hình mây tre đan 2,5-3 triệu đồng/người/tháng; mô hình ong lấy mật 1,5-2 triệu đồng/người/tháng...

Đặc biệt, Dự án đã phối hợp với các doanh nghiệp như: Công ty TNHH sinh thái miền Tây Quảng Bình, Công ty TNHH xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Vạn Xuân để bảo đảm khâu tiêu bao sản phẩm cho người dân...

Lê Mai