.

Người "chấp cánh" cho ngành chăn nuôi

Thứ Ba, 24/11/2015, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần 20 năm gắn bó với nghề thụ tinh nhân tạo cho gia súc, trung bình mỗi năm, ông Hoàng Văn Dúy, thôn Cà (xã Hoà Trạch, huyện Bố Trạch) đã thụ tinh nhân tạo cho khoảng 1.500 con bò và hàng trăm con lợn, với tỷ lệ đậu thai đạt trên 90%. Nghề thụ tinh nhân tạo cho gia súc không những đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Dúy, mà còn góp phần rất tích cực trong việc cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, lợn trên địa bàn.

Vào đầu những năm 1996, khi Nhà nước, tỉnh đẩy mạnh triển khai chương trình cải tạo đàn bò cóc ở địa phương, ông Dúy là một trong những cán bộ thú y cơ sở của huyện Bố Trạch may mắn được giới thiệu đi đào tạo kỹ thuật thụ tinh nhân tạo gia súc để làm dẫn tinh viên trong ngành khuyến nông. Sẵn có lòng đam mê và nhờ được học lý thuyết, thực hành bài bản kỹ thuật công nghệ cao thụ tinh nhân tạo cho bò, heo, ông Dúy đã rất nhanh chóng thích nghi với công việc dẫn tinh viên.

Thế rồi, lần lượt những chú bê lai, lợn siêu nạc được ra đời ngay tại xã Hoà Trạch chính nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của ông Dúy. Không chỉ đảm nhận công việc thụ tinh nhân tạo cho bò, heo, ông Dúy còn kiêm luôn công tác điều trị thú y cho các hộ chăn nuôi gia súc...

Ông Dúy thực hiện thao tác dẫn tinh cho bò.
Ông Dúy thực hiện thao tác dẫn tinh cho bò.

Tiếng lành đồn xa, các hộ chăn nuôi bò, lợn ở những xã như: Hoà Trạch, Nam Trạch, Phú Định, thị trấn Nông trường Việt Trung, Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch, thậm chí vào đến thành phố Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thuỷ cũng tin tưởng mời ông Dúy đến phối giống cho đàn gia súc của mình. Và ông Dúy đã trở thành "khách quen" của hàng ngàn hộ chăn nuôi trong tỉnh từ nhiều năm nay.

Ông tâm sự: "“Nếu không ham nghề và thiếu cẩn trọng thì những sai sót như không phát hiện cột chuồng bò mục gãy, dây cột bò lỏng lẻo thì bị bò đá vào người là điều khó tránh khỏi. Đó cũng chính là nguyên do dẫn tới tỷ lệ thụ thai thấp. Tiếp đến, khi gặp trường hợp bò đẻ khó, xử lý không tốt, sẽ dẫn tới thiệt hại về tài sản rất lớn đối với người nuôi...

Nói chung, áp lực và hiểm nguy luôn rình rập với người làm nghề thụ tinh nhân tạo”. Rồi ông Dúy kể tiếp: "Có thời điểm xảy ra tranh chấp địa bàn thụ tinh giữa các thú y cơ sở với nhau, tui buộc phải "co" về hoạt động quanh mấy xã gồm Hoà Trạch, Tây Trạch, Phú Định. Nhưng rồi do các hộ chăn nuôi đấu tranh gay gắt để yêu cầu được sử dụng dịch vụ dẫn tinh tùy theo ý muốn của họ, tui mới có cơ hội mở rộng địa bàn hoạt động trở lại.

Hiện nay, bình quân mỗi ngày tui thụ tinh nhân tạo cho khoảng 10 con bò và heo. Nói chung, đã gắn bó với nghề dẫn tinh viên thì dù có đêm hôm, gà gáy, trưa chiều, mưa nắng gì, hễ bò, lợn đến kỳ động dục là phải đến kịp thời. Nếu không, hiệu quả công việc sẽ không cao và các hộ chăn nuôi cũng mất đi lòng tin đối với mình...".  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, suốt 20 năm gắn bó nghề thụ tinh nhân tạo cho gia súc, ông Dúy đã trở thành "kiện tướng" dẫn tinh viên ở huyện Bố Trạch với thành tích mỗi năm thụ tinh nhân tạo thành công cho khoảng 1.500 con bò và hàng trăm con lợn (chủ yếu là bò lai sind và lợn siêu nạc). Danh hiệu “kiện tướng” dẫn tinh viên của ông Dúy không phải do một cơ quan chức năng phong tặng, mà chính những người chăn nuôi ở Bố Trạch trìu mến, kính trọng gọi anh như thế để ghi nhận công lao của ông đối với ngành chăn nuôi ở đây.

Bên cạnh việc giúp người chăn nuôi dần thay đổi quan niệm và cách thức chăn nuôi tự phát, tự thụ tinh cho bò, lợn không bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, ông Dúy còn là người rất nhiệt tình tư vấn, giúp đỡ các hộ chăn nuôi mỗi khi gia súc của họ bị bệnh. Ông còn là người rất tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chăn trong vùng mở rộng diện tích trồng cỏ VA06 để phát triển đàn bò, nâng cao thu nhập từ việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, hiệu quả...

Văn Minh