.

Phòng vệ thương mại trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng

Thứ Tư, 14/10/2015, 16:42 [GMT+7]
Đùi gà Mỹ được bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg tại Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)
Đùi gà Mỹ được bán với giá chỉ 20.000 đồng/kg tại Việt Nam. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)

“Ở đâu có cạnh tranh, ở đó có nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Thương mại càng phát triển, càng có những chiến lược kinh doanh càng tinh vi hơn.”

Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không khỏi quan ngại khi nhấn mạnh về những mặt trái của kinh tế thị trường, tại Hội thảo “Điều gì cản trở doanh nghiệp Việt Nam sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để tự bảo vệ trước hàng hóa nước ngoài.”

Với những cam kết hội nhập, cánh cửa vào thị trường Việt Nam đã, đang và sẽ được mở ra ngày càng rộng cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu. Theo đó, những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại thị trường Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Trên thị trường, không ít hàng hóa nhập khẩu đã được bán với giá thấp kỷ lục, thậm chí được cho là "giá hủy diệt.” Như vụ việc gần đây nhất là Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ vừa có đơn đề nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đùi gà đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ.

Những hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh từ hàng hóa nước ngoài sẽ đe dọa đến năng lực cạnh tranh đồng thời gây những thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp Việt Nam và trong lâu dài có thể ảnh hưởng tới triển vọng phát triển của các ngành sản xuất trong nền kinh tế.

“Kinh doanh càng khó khăn thì càng có xu hướng cạnh tranh không lành mạnh, hàng hóa mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất cũng thuộc nhóm bị kiện Phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới,” bà Trang cho biết.

Để tránh được điều này, các nước khác trên thế giới từ lâu đã sử dụng đến các công cụ phòng vệ thương mại (như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…) để bảo vệ các doanh nghiệp của họ trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên ở Việt Nam các công cụ này dường như vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Trong một nghiên cứu từ VCCI cho thấy, trên 15% doanh nghiệp được hỏi không biết đến công cụ phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài, 63,1% cho biết đã nghe nói nhưng không hiểu sâu và chỉ có gần 1,9% doanh nghiệp trả lời họ đã tìm hiểu tương đối kỹ hoặc đã là những bên liên quan.

Lý giải về sự “thờ ơ” trên của doanh nghiệp trong nước, bà Trang cho biết là do có tới hơn một nửa (56,7%) doanh nghiệp cho rằng họ không biết (không có thông tin) để có thể cảm nhận về tình hình hàng hóa nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh về giá ở Việt Nam. Tương tự câu hỏi cảm nhận về tình hình hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt, đột biến vào Việt Nam cũng có đến 45,7% doanh nghiệp trả lời là không biết và 14,4% cho rằng họ hoàn toàn không có cảm nhận về vấn đề này.

Trước những vẫn đề nổi cộm trên, các đại biểu tham gia Hội thảo nhìn chung mong muốn, các hiệp hội ngành hàng nâng cao năng lực trở thành “kênh thông tin” đồng thời là nơi tư vấn chuyên môn về phòng vệ thương mại cho các thành viên. Bên cạnh đó để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin chính đáng của khối doanh nghiệp, Nhà nước cần mở rộng phạm vi thông tin đồng thời có những chính sách hỗ trợ thích đáng, về nguyên tắc với tất cả thông tin liên quan đến hàng hóa nhập khẩu, như nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, số lượng, giá trị, mã phân loại hàng hóa-HS…

Thêm vào đó, các đại biểu cũng kiến nghị về việc cần thiết phải hoàn thiện cơ sở pháp lý trong hoạt động khởi kiện Phòng vệ thương mại, như các quy định về trình tự-thủ tục kiện, quy định về điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại…

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)