.

Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm mạnh

Thứ Năm, 29/10/2015, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình hình xuất khẩu năm nay ở tỉnh ta hết sức khó khăn, kim  ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm, nhất là cao su và gỗ. Trong  9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 78,1 triệu USD, bằng 78,2% so cùng kỳ, đạt 52% KH. Nếu tình hình thị trường xuất khẩu vẫn ảm đạm và giá cả không cải thiện như thời gian qua, thì chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đặt ra là 150 triệu USD khó có thể đạt được.

Sở dĩ xuất khẩu ở tỉnh ta không đạt kế hoạch nguyên nhân chủ yếu là do giá xuất khẩu những mặt hàng chủ yếu như: cao su, nhựa thông, gỗ, dăm gỗ 9 tháng đầu năm 2015 liên tục giảm so với năm 2014. Mặc dù sản lượng mủ cao su xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2015 đạt 24.488 tấn, tăng 17,1% , nhưng giá trị kim ngạch chỉ có 45,52 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều đáng nói là, sản phẩm cao su của ta chỉ xuất được qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc, nên chịu nhiều rủi ro và thường xuyên bị ép giá. Từ cuối năm 2011 giá cao su xuất sang thị trường Trung Quốc liên tục giảm mạnh.

Đặc biệt trong 2 năm qua do ảnh hưởng của tình hình căng thẳng trên biển Đông nên tất cả các loại hàng hoá xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhất là qua đường tiểu ngạch thường xuyên chịu tác động bất lợi về giá và thủ tục giao dịch. Giá cao su giao ở cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh trong những tháng đầu năm nay bình quân chỉ có 165 USD/tấn, bằng 74% so với năm 2014, là mức thấp nhất kể từ 5 năm qua.

Sản phẩm colophan của Công ty LCN Long Đại chuẩn bị xuất khẩu.
Sản phẩm colophan của Công ty LCN Long Đại chuẩn bị xuất khẩu.

Mặt hàng xuất khẩu có số lượng khá lớn là dăm gỗ khô và nhựa thông cũng bị rớt giá. Giá các sản phẩm xuất khẩu khác như: quặng ti tan, phân vi sinh... cũng nằm trong tình trạng sụt giảm so với trước. Cụ thể, nhựa thông xuất khẩu đạt 1.195 tấn (0,55 triệu USD), chỉ bằng 33,1% về lượng và bằng 52% về trị giá; dăm gỗ đạt 151.182 tấn (19 triệu USD), bằng 87,7% về lượng và bằng 80,6% về trị giá; thủy hải sản đạt 265,4 tấn (1,9 triệu USD), bằng 83,1% về lượng và 96% về trị giá.

Một yếu tố bất lợi đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh là thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc, xuất theo đường tiểu ngạch (chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, với 66,5 triệu USD).

Trong lúc thị trường này và phương thức xuất theo đường tiểu ngạch luôn chịu nhiều yếu tố rủi ro so với các thị trường khác. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh luôn bị động về nguồn hàng xuất khẩu. Hiện tại sản phẩm xuất khẩu sản xuất tại địa phương chỉ chiếm 30%, số còn lại phải nhập từ thị trường Lào (đối với gỗ) và các tỉnh phía nam (cao su, hồ tiêu).

Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 85,7 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Tất cả đều là nhập khẩu trực tiếp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước và chủ yếu là tư liệu sản xuất. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là gỗ chiếm tỷ trọng lớn và là hàng tạm nhập tái xuất, còn lại một số mặt hàng giá trị nhỏ phục vụ cho sản xuất tân dược, trâu bò, xăng dầu, gốm sứ...

Một nguyên nhân nữa làm cho xuất khẩu khó khăn là nguồn vốn khó tiếp cận. Các doanh nghiệp huy động vốn cho đầu tư, sản xuất gặp nhiều khó khăn, hạn mức tín dụng cho vay của ngân hàng thấp, hầu hết các doanh nghiệp trong tỉnh đều có nguồn vốn chủ sở hữu thấp, phụ thuộc nhiều vào vốn vay của ngân hàng.

Cơ cấu và chủng loại hàng hóa xuất khẩu còn đơn điệu, thiếu sản phẩm có chất lượng cao, thương hiệu mạnh; chủ yếu sản phẩm xuất khẩu thô, lệ thuộc nhiều vào cung cầu và biến động của giá cả thị trường trong nước và trên thế giới, chưa chủ động được nguồn hàng xuất khẩu, hiệu quả và tính bền vững còn thấp.

Một tín hiệu đáng mừng đối với hoạt động xuất khẩu nước ta là đầu tháng 10-2015, nước ta đã ký kết thành công Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu phục hồi trở lại đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo các ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Trọng tâm là mở rộng sản xuất sản phẩm xuất khẩu có tính đặc thù của địa phương, phấn đấu trong thời gian tới có một số sản phẩm của tỉnh xuất được vào thị trường trong khối tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tỉnh cần tập trung chỉ đạo thực hiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu và kích cầu thị trường trong nước như: điều chỉnh lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường; nghiên cứu cơ chế khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay vốn xuất khẩu với lãi suất ưu đãi thông qua việc giảm lãi suất tái cấp vốn, hỗ trợ lãi suất và các hình thức hỗ trợ khác, xem xét áp dụng các chính sách miễn giảm thuế. Ưu tiên các mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu và các sản phẩm gỗ, cao su, quặng ti tan... được vay vốn ưu đãi để xuất khẩu.

P.V