.

Hướng phát triển bền vững cho cao su tiểu điền

Thứ Bảy, 24/10/2015, 09:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn 60 năm kể từ khi được đưa về trồng trên vùng đất Quảng Bình, cây cao su đã khẳng định được tính hiệu quả và giá trị kinh tế nổi bật. Tuy nhiên, trước thực tế giá mủ cao su giảm và chưa có dấu hiệu phục hồi như hiện nay, người nông dân cần có định hướng phù hợp để cây cao su tiểu điền có thể phát triển bền vững.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, cây cao su được phân bố rộng ở vùng đồi núi thuộc 7 huyện, thành phố. Năm 2006, sau khi Dự án Đa dạng hóa nông nghiệp kết thúc, tổng diện tích cao su của dự án trồng toàn tỉnh là 1.700 ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Bố Trạch. Khi các diện tích này đi vào khai thác cũng là khoảng thời gian giá cao su tăng đột biến. Thu nhập từ cây cao su đã đưa lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo; thậm chí trong một khoảng thời gian khá dài, loại cây này được ví là “vàng trắng” bởi nhờ nó nhiều hộ gia đình đã làm giàu nhanh chóng.

Tuy nhiên, có một thực tế là nếu đánh giá ở tính bền vững thì việc phát triển cao su tiểu điền ở tỉnh ta chưa tuân thủ đầy đủ theo quy trình kỹ thuật; một số diện tích trồng không theo quy hoạch và trồng trên những vùng đất chưa phù hợp. Kèm theo đó là mức đầu tư thấp, giống không rõ nguồn gốc nên vườn cây sinh trưởng và phát triển kém, hiệu quả kinh tế không cao và dễ bị thiệt hại lớn khi gặp thời tiết bất thường.

Năm 2013, dưới ảnh hưởng của cơn bão số 10, đã có 12.174/18.220 ha cao su trên địa bàn tỉnh ta bị thiệt hại nặng nề, nhẹ thì nghiêng ngã, nặng thì bật gốc hoặc gãy ngang thân. Sau những thiệt hại do bão gây ra, kèm theo đó là giá mủ cao su tiếp tục giảm xuống còn 1/3 so với thời điểm giá cao và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khiến người nông dân cực kỳ khốn đốn. Không ít hộ trồng cao su đã bỏ vườn không chăm sóc, chất lượng vườn cây vì thế đang có xu hướng giảm dần.

c
Trồng cao su kết hợp xen canh sắn góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, giá cao su chắc chắn sẽ phục hồi trong thời gian tới theo quy luật biến động lên xuống của thị trường. Vấn đề đặt ra hiện nay chính là việc xem xét để định hướng phát triển cao su tiểu điền trong những năm tiếp theo trên cơ sở giảm thiểu tác động xấu do giá cao su giảm nhằm bảo đảm đầu tư cho cây cao su có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tại hội nghị sản xuất cao su năm 2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kết luận: “Chủ trương lâu dài của bộ là kiên trì phát triển ngành cao su bền vững; thực hiện tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, không chạy theo diện tích, tập trung nâng cao hiệu quả trên cơ sở tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm từ gỗ và cao su”.

Ở tỉnh ta, tại hội nghị đánh giá thực trạng phát triển cao su thời gian vừa qua và định hướng phát triển trong năm 2016 và những năm tiếp theo, ý kiến thảo luận của các đại biểu đã chỉ rõ: mặc dù trên địa bàn tỉnh ta, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai dịch bệnh thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho phát triển nông nghiệp nói chung trong đó có cây cao su nói riêng.

Tuy nhiên, cây cao su đã khẳng định được giá trị kinh tế và đưa lại giá trị lợi nhuận cao cho người trồng cao su, đặc biệt là trên vùng gò đồi. Do đó, định hướng phát triển cây cao su thời gian tới là phải tuân theo quy hoạch và kế hoạch cụ thể để bảo đảm phát triển bền vững, ổn định theo quy hoạch của UBND tỉnh đã phê duyệt.

Trước mắt cần ưu tiên trồng tái canh trên diện tích bị thiệt hại do bão và chuyển đổi những vùng đất có điều kiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đối với cây cao su. Những vùng đất không phù hợp hoặc không thuận lợi cho việc trồng cao su cần có kế hoạch chuyển sang những loại cây khác phù hợp hơn để thay thế. Khai thác tốt tiềm năng đất đai, phát triển trồng xen với các loại cây trồng hợp lý, có hiệu quả nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích trong thời kỳ cao su kiến thiết cơ bản, nâng cao thu nhập, giải quyết khó khăn trước mắt cho người trồng cao su.

c
Chế biến mủ cao su.

Năm 2016, dự kiến diện tích trồng mới của cả tỉnh là 600-700 ha, trong đó cao su tiểu điền khoảng 200-300 ha; kế hoạch phát triển cao su giai đoạn 2017-2020 khoảng 1.600 ha. Theo đó, các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất đối với cây cao su là: tiếp tục đầu tư chăm sóc vườn cây cao su hiện có theo đúng quy trình trên cơ sở tính toán lại các định mức về chi phí đầu tư, nhân công phù hợp để tránh lãng phí đầu tư, giảm giá thành sản xuất nhưng phải bảo đảm vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng mủ sau này.

Trong giai đoạn giá mủ thấp như hiện nay, nên duy trì chế độ khai thác ở mức vừa phải nhằm bảo đảm cho cây sinh trưởng và phát triển tốt. Làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh và kịp thời có biện pháp điều trị hiệu quả, không để lây lan làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của vườn cây.

Riêng đối với diện tích trồng mới, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá lại các diện tích nằm trong quy hoạch trồng cao su để điều chỉnh lại cho phù hợp. Cần ưu tiên phát triển trên những diện tích có điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng để trồng cao su. Đất có khả năng trồng xen canh tốt để phát triển cây trồng xen có hiệu quả, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Những vùng san gió và thấp trũng không đủ điều kiện trồng cao su nên chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như sắn nguyên liệu, lạc, dưa hấu...

Tuy nhiên, để làm được những điều đó, người trồng cao su vẫn rất cần những hỗ trợ về vốn cùng các chính sách khoanh nợ, giãn thời gian trả nợ từ phía các ngân hàng thương mại để tiếp tục duy trì những vườn cây hiện có trong giai đoạn khó khăn về thiên tai và giá mủ giảm như hiện nay.

Thanh Hải