.

Hầu hết cây trồng đưa vào chuyển đổi đều đem lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ Sáu, 16/10/2015, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 15-10, Sở Nông nghiệp-PTNT chức hội nghị nhằm tiến hành rà soát, đánh giá kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và các mô hình khuyến nông, khuyến ngư để từ đó tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa năng suất thấp, kém hiệu quả của năm 2016 và những năm tiếp theo; khuyến khích nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư có hiệu quả.

Các đại biểu tham dự hội nghị rà soát, đánh giá kết quả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và các mô hình khuyến nông, khuyến ngư.
Toàn cảnh hội nghị.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp-PTNT, bám sát Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt; Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT ngày 8-11-2013 của Bộ Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, tỉnh ta đã khẩn trương ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cùng với đó, hàng năm tỉnh đều có chính sách hỗ trợ công tác chuyển đổi với trị giá 4 triệu đồng/ha.

Một số địa phương như Lệ Thuỷ còn đưa ra cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; Quảng Ninh là 3 triệu đồng/ha... Chính nhờ có các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, vụ hè thu năm 2013, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 379ha trên chân ruộng cao; năm 2014 tăng lên 420ha; năm 2015 với 813ha.

Tương tự, đối với chân ruộng thấp trũng, diện tích chuyển đổi sang mô hình lúa-cá toàn tỉnh đến năm 2015 là 1.814ha (trong đó Lệ Thuỷ 1.060ha; Quảng Ninh 550ha; TP Đồng Hới 125ha; Bố Trạch 60ha; Quảng Trạch 19ha...).

Thời gian qua, hầu hết những cây trồng được các địa phương đưa vào chuyển đổi đều đem lại hiệu quả kinh tế rất khả quan, cao hơn trồng lúa từ 1,1 đến 8,7 lần. Các giống cây trồng đưa vào chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao gồm: mướp đắng, dưa hấu, khoai lang, ngô, rau màu các loại...

Bên cạnh việc chú trọng chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thử nghiệm, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình khuyến nông, khuyến ngư rất hiệu quả.

Cụ thể, từ năm 2011-2015, toàn tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm, làm mô hình trình diễn..., kết quả, đã xác định được 16 mô hình giống lúa, 6 giống ngô, 2 giống sắn, 1 giống thanh long ruột đỏ và nhiều giống cây trồng khác để đưa vào sản xuất. Ngoài ra, các địa phương cũng mạnh dạn đưa các giống vật nuôi mới vào thử nghiệm như gà sao, gà mía, gà ri thả vườn, ngan lai vịt, bò Brahman...

Đặc biệt, đối với lĩnh vực thuỷ sản, nhiều địa phương đã thử nghiệm thành công 7 mô hình về nuôi cá lăng chấm, cá bống bớp, cá đối mục, cá chim vây vàng, cá dìa, cá rô đầu vuông và cá sấu.

Trên cơ sở tổng hợp từ thực tế và lắng nghe ý kiến góp ý của các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn..., đồng chí Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT nhấn mạnh, thực tế đã cho thấy, hầu hết các mô hình, đối tượng cây trồng được chuyển đổi đều đưa lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa, khai thác tốt ưu thế của đối tượng chuyển đổi trên các chân đất không thuận lợi cho sản xuất lúa. Do đó, việc chuyển đổi trên đất lúa là một chủ trương đúng đắn, cần phải được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.

Để làm tốt nhiệm vụ này, đề nghị các địa phương cần khẩn trương rà soát lại nhu cầu về nguồn nước tưới tiêu cho các chân ruộng 2 vụ lúa để xây dựng kế hoạch chuyển đổi hợp lý đối với những diện tích không chủ động trong công tác tưới tiêu; việc chuyển đổi cần bám sát quy hoạch và đề án phát triển sản xuất của địa phương; các phòng, ban chức năng của Sở cần theo dõi chặt chẽ để xây dựng kế hoạch, đề xuất, hỗ trợ thích hợp đối với những diện tích lúa đưa vào chuyển đổi; quan tâm đến lịch thời vụ; tích cực hướng dẫn về kỹ thuật canh tác; phải tính tới độ ăn chắc khi tiến hành chuyển đổi...

Văn Minh