.
Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020:

Xây dựng thành phố du lịch

Thứ Hai, 19/10/2015, 14:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng Hới là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh. Thành phố nằm trên đường giao thông Bắc-Nam, có đường sắt, đường Hồ Chí Minh, sân bay, bến cảng, bờ biển dài, có sông Nhật Lệ hiền hòa chảy giữa trung tâm. Đồng Hới cách Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 50km về phía tây, cách khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Vũng Chùa-Đảo Yến, cảng biển Hòn La 60km về phía bắc, cách khu du lịch suối Bang, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp 50km về phía nam…

Có thể đánh giá một cách tổng quan rằng Đồng Hới hội đủ những điều kiện thuận lợi, nơi tụ hội sông, biển, núi rừng với nhiều danh lam thắng cảnh, hệ thống di tích lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch.

>> Bố Trạch: Phấn đấu xứng danh quê hương di sản

>> Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững

>> Lệ Thủy: Quyết tâm trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020

Đồng chí Hoàng Văn Tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết: “Định hướng phát triển du lịch được cụ thể hóa rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIX: Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Chú trọng phát triển mạnh sản xuất công nghiệp và dịch vụ du lịch, phấn đấu đưa thành phố Đồng Hới thành đô thị loại II.

Thành phố du lịch trẻ duyên dáng bên bờ Nhật Lệ.
Thành phố du lịch trẻ duyên dáng bên bờ Nhật Lệ.

Xây dựng thành phố Đồng Hới có ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp phát triển mạnh, là thành phố biển giàu đẹp, văn minh theo hướng hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của khu vực Bắc Trung bộ”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định cụ thể hơn: “Xây dựng thành phố Đồng Hới giàu đẹp, văn minh, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của tỉnh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch”.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố đến năm 2020, Đồng Hới quy hoạch và xây dựng các khu du lịch nội thành, khu du lịch phía tây, đông bắc thành phố; quy hoạch chi tiết các điểm du lịch bãi biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh. Tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị. Xây dựng Quảng trường biển Bảo Ninh, Công viên Nhật Lệ, Công viên quảng trường biển. Mở rộng cơ sở hạ tầng các bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú.

Trong xây dựng, chỉnh trang đô thị, từ năm 2011 đến nay, thành phố đầu tư mới 36 tuyến điện chiếu sáng trong khu dân cư với tổng chiều dài hơn 21km; xây dựng vỉa hè trên 26 tuyến đường chính trung tâm thành phố, diện tích 70.000m2. Trồng mới và thay thế hơn 5.500 cây xanh, nâng tổng số cây xanh toàn thành phố lên khoảng gần 20.000 cây; diện tích cây xanh đô thị đạt 12,5m2/người. Hệ thống khách sạn, nhà hàng ngày càng phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của du khách, bước đầu hình thành một số khu du lịch, khu nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Hiện tại thành phố có trên 155 cơ sở lưu trú với hơn 3.100 phòng nghỉ và trên 6.000 giường. Trong đó có 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao; 2 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao; 3 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp bãi biển Nhật Lệ vào danh sách Top 10 thắng cảnh du lịch biển hấp dẫn nhất Việt Nam. UBND tỉnh quyết định công nhận bãi biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh là điểm du lịch cấp tỉnh.

Du lịch và văn hóa luôn có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Phát triển du lịch luôn đi đôi với bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hoá. Thành phố đã chú trọng đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn như: thành Đồng Hới, tượng đài Mẹ Suốt, Chứng tích chiến tranh tháp chuông nhà thờ Tam Tòa, những điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Quảng Bình, di tích cách mạng chiến khu Thuận Đức, trận địa pháo lão dân quân Đức Ninh, trận địa pháo binh Quang Phú, cửa biển Nhật Lệ...

Khôi phục, phát triển các lễ hội truyền thống, tạo được điểm nhấn, ấn tượng mạnh cho nhân dân địa phương và du khách: Lễ hội cầu ngư (Hải Thành, Bảo Ninh), Múa bông, chèo cạn (Bảo Ninh), Lễ hội rằm tháng giêng (Hải Đình), Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ. Đặc biệt, Tuần Văn hóa- Du lịch Đồng Hới tổ chức hàng năm ngày càng quy mô, chuyên nghiệp đã và đang trở thành một hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc trưng “riêng có” của thành phố Đồng Hới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống; quảng bá giới thiệu tiềm năng thế mạnh về du lịch Đồng Hới, thu hút du khách, xúc tiến phát triển du lịch.

Với những giải pháp trọng tâm được triển khai, tích cực, du lịch Đồng Hới có những chuyển biến nhanh chóng. Lượng khách du lịch đến Đồng Hới và doanh thu tăng đều qua từng năm. Giai đoạn 2011-2015, lượng khách du lịch đến Đồng Hới tăng bình quân 17,5%. Năm 2014 đạt 876.498 lượt người, trong đó khách trong nước 839.498 lượt người, khách quốc tế 37.000 lượt người. Thời gian khách quốc tế lưu trú là 1,19 ngày; khách trong nước là 1,18 ngày.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Đình Dinh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới đã nhấn mạnh đến 6 nhóm giải pháp cơ bản để Đồng Hới nhanh chóng trở thành một thành phố du lịch trẻ, năng động, an toàn, thân thiện, đó là: Phát triển nhanh các ngành thương mại- dịch vụ theo hướng hiện đại, đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại; khuyến khích đầu tư các trung tâm thương mại, siêu thị; nâng cấp và phát triển mạng lưới chợ.

Đẩy mạnh công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng các khu du lịch sinh thái, điểm du lịch, khu vui chơi, giải trí. Trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, các điểm du lịch tâm linh để phát triển đa dạng hoạt động du lịch.

Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Đồng Hới thu hút hàng nghìn người dân và du khách cùng tham gia.
Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Đồng Hới thu hút hàng nghìn người dân và du khách cùng tham gia.

Tập trung khai thác hiệu quả các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, tắm biển; du lịch văn hóa lễ hội, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, mua sắm, ẩm thực. Khôi phục, phát triển, nâng cao chất lượng và quy mô tổ chức các lễ hội truyền thống, xây dựng Tuần Văn hóa- Du lịch Đồng Hới hàng năm trở thành lễ hội cấp tỉnh, tạo nét đẹp văn hóa riêng để thu hút khách du lịch. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá và xúc tiến du lịch. Xây dựng các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa Đồng Hới. Phát triển các làng nghề chế biến hải sản truyền thống, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, chú trọng công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch.

Khai thác, phát triển thị trường du lịch, đưa thương hiệu du lịch Đồng Hới thâm nhập vào các thị trường trong nước và khu vực; liên kết hợp tác về hoạt động du lịch với các địa phương, các công ty lữ hành; mở rộng kết nối du lịch Đồng Hới với du lịch trong và ngoài tỉnh, các tour du lịch quốc tế. Chủ động tham gia vào những tổ chức, hiệp hội du lịch để có nhiều cơ hội nhằm quảng bá, mở rộng và phát triển thị trường du lịch.

Thành phố chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý; lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ; có năng lực quản lý, điều hành kinh doanh.

Tăng cường công tác an ninh, trật tự đô thị và công tác quản lý các hoạt động vui chơi, giải trí đặc biệt là ở các bãi tắm biển. Bảo đảm an toàn cho du khách, tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện để phát triển du lịch bền vững.

Với định hướng chiến lược đúng đắn và giải pháp triển khai tích cực, cụ thể, tin chắc Đồng Hới sẽ nhanh chóng trở thành thành phố du lịch-điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế...

Thanh Long