.

Bố Trạch: Hiệu quả tái cơ cấu cây trồng

Thứ Ba, 06/10/2015, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Huyện Bố Trạch là một trong những địa phương đi đầu thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó hiệu quả rõ rệt nhất là chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình ngô, đậu xanh, dưa hấu, mô hình kết hợp lúa-cá và trồng rau...

Nhìn nhận một cách khách quan, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bố Trạch những năm qua còn bộc lộ nhiều hạn chế như: quy mô sản xuất nhỏ, diện tích manh mún, chất lượng sản phẩm thấp, chủ yếu xuất thô, ít có sản phẩm qua chế biến, chưa có thương hiệu, năng suất lao động và thu nhập từ nông nghiệp không cao so với các ngành khác. Đặc biệt là tình trạng nông dân bỏ ruộng, ao, chuồng có xu hướng gia tăng.

Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020", bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Mới đây chúng tôi có dịp về xã Vạn Trạch là một trong những địa phương đi đầu trong việc tái cơ cấu nông nghiệp ở Bố Trạch. Trong vụ đông-xuân 2014 - 2015, toàn xã đã chuyển đổi được 15ha đất trồng lúa sang các mô hình khác, trong đó chủ yếu là mô hình trồng ngô với hơn 10ha.

Theo đánh giá của bà con nông dân, kết quả đem lại rất khả quan. Bởi trên 2 thửa ruộng nằm cạnh nhau, trong khi cây ngô phát triển tốt và thu hoạch năng suất cao, thì cây lúa thường xuyên thiếu nước cũng như bị sâu bệnh phá hoại, năng suất và giá trị kinh tế thấp.

Trồng rau vụ đông ở Đồng Trạch.
Trồng rau vụ đông ở Đồng Trạch.

Về Đại Trạch, là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất huyện, với hơn 1.000ha, trong đó có gần 500ha trồng lúa. Mặc dù có diện tích trồng lúa lớn nhất nhưng tình trạng người dân bỏ ruộng cũng khá nhiều, đặc biệt là vụ hè-thu. Bên cạnh đẩy mạnh dồn điền đổi thửa lần 2 thì UBND xã Đại Trạch cũng đã cho phép chuyển một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác nhau. Với chính sách này, đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia đấu thầu để phát triển trang trại. Nhờ vậy, vụ đông - xuân 2014-2015, diện tích bỏ hoang đã giảm xuống đáng kể.

Ông Phan Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết: Chủ trương của xã là chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác. Ở xã Đại Trạch bà con chọn cây dưa hấu để trồng trên đất lúa. Năm 2014 dưa hấu đạt năng suất rất cao và thu được trên 100 triệu đồng/ha, vụ đông-xuân 2014-2015, toàn xã Đại Trạch đã chuyển đổi được 6,5ha, trong đó có 5ha dưa hấu, đạt giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Về Vạn Trạch lần này chúng tôi được nghe câu chuyện nuôi cá trên đất lúa của nông dân Huỳnh Văn Minh, ở thôn Dinh Lệ rất hiệu quả. Ao cá với diện tích 2 sào của gia đình ông Huỳnh Văn Minh cách đây 5 năm là đất trồng lúa. Từ khi có chủ trương của UBND xã Vạn Trạch về việc chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình khác, ông Minh đã mạnh dạn đầu tư vay vốn chuyển gần 2 sào đất trồng lúa sang đào ao thả cá. So sánh về lợi nhuận thì việc đào ao thả cá cao gấp khoảng 10 lần so với trồng lúa. Bởi trên cùng một đơn vị diện tích, mỗi năm ông Minh thả nuôi khoảng 1 vạn con cá các loại, làm chuồng nuôi thêm 20 con lợn thịt.

Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm gia đình ông lãi ròng 30 - 40 triệu đồng. Trong khi đó, việc trồng lúa lại phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết do vùng đất này thường xuyên thiếu nước và nhiễm phèn. Bởi vậy nên năm 2013, ông Minh đã chuyển đổi thêm 5 sào ruộng sang đào ao thả cá.

Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, vụ hè-thu này huyện Bố Trạch đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây trồng khác như trồng ngô, dưa hấu và kiên (kê), mô hình cá-lúa. Huyện đã triển khai ở 2 xã Vạn Trạch và Đại Trạch, với tổng diện tích gần 30ha, trong đó xã Vạn Trạch gần 18 ha và xã Đại Trạch trên 10ha. Đây là 2 xã có diện tích đất trồng lúa lớn của huyện Bố Trạch nhưng một số diện tích do địa hình thấp trũng, khi mưa lũ dễ ngập úng hoặc diện tích ở vùng đất cao thường xuyên thiếu nước, sản xuất lúa hai vụ không ăn chắc nên kém hiệu quả.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bố Trạch, để công tác chuyển đổi có hiệu quả huyện đã có chính sách hỗ trợ các hộ tham gia thực hiện 4 triệu đồng/ha. Tổng số diện tích mà Bố Trạch chuyển đổi trong vụ hè - thu này được 150 ha đất lúa kém hiệu quả sang một số cây trồng khác mang lại hiệu quả hơn cây lúa...

Nhờ chuyển đổi đất hợp lý nên vụ hè-thu năm nay, Bố Trạch có diện tích gieo trồng đạt 4.794,1 ha, bằng 100,08% so với cùng kỳ, trong tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm cả năm là 18.092 ha, đạt 103,4% so với kế hoạch. Mặc dù đầu vụ bị ảnh hưởng bởi các đợt nắng nóng kéo dài nhưng giữa vụ có mưa thường xuyên nên lúa phát triển tốt, năng suất tương đương so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng vụ hè-thu của huyện ước đạt 13.935 tấn, đưa tổng sản lượng lương thực cả năm của huyện đạt 50.047 tấn, bằng 101,3% so với cùng kỳ, đạt 109,4% kế hoạch. Bên cạnh đó, năng suất các loại cây lấy bột đều đạt khá, diện tích cây rau, đậu các loại tăng so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trong các vụ tới chủ trương của huyện sẽ không tăng diện tích cây lúa, mà vận động bà con nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị chuột phá hoại, không chủ động được nguồn nước tưới sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt đối với vụ hè - thu, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây nông nghiệp khác như: ngô, đậu xanh, dưa hấu, mô hình kết hợp lúa-cá và trồng rau...

Theo đó, khuyến khích bà con chuyển đổi thực hiện mô hình trồng cây họ đậu xen sắn theo hướng phát triển bền vững; chỉ đạo, tổ chức thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và các nhà máy chế biến.

P.V