.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định

Thứ Sáu, 25/09/2015, 08:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Sản xuất công nghiệp, thương mại trong 9 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp cùng các giải pháp tháo gỡ khó khăn của tỉnh nên sản xuất từng bước đi vào ổn định, có tăng trưởng khá và cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2015, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính chung 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ (mục tiêu kế hoạch tăng 8,5%).

Trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 3,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,7%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, tăng 5,1%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,7%. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 9 tháng đầu năm đạt 7.056 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ (mục tiêu kế hoạch tăng 10%); trong đó kinh tế nhà nước 508 tỷ đồng, tăng 8,1%; kinh tế ngoài nhà nước 6.544 tỷ đồng, tăng 9,8%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 3,6 tỷ đồng, tăng 5,9%.

Các ngành, lĩnh vực sản xuất và sản phẩm công nghiệp mà tỉnh có lợi thế tiếp tục duy trì sản xuất ổn định và tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, cụ thể: xi măng sản xuất đạt 1.180 ngàn tấn, tăng 10,8%; clinker thành phẩm đạt 2.009 ngàn tấn, tăng 19,8%; gạch xây bằng đất sét nung đạt 165.428 nghìn viên, tăng 8,7%; tinh bột sắn đạt 8.032 tấn, tăng 6,8%; bia đóng chai đạt 14.462 nghìn lít, tăng 1,7%; điện thương phẩm đạt 541 triệu Kwh, tăng 5,0%; nước máy 5.645 nghìn m3, tăng 5,3%. 

Riêng sản xuất trang phục, với việc đưa vào hoạt động dây chuyền II của Xí nghiệp may Hà Quảng và Công ty TNHH S&D tại huyện Quảng Ninh sản xuất đạt 7.016 ngàn áo sơ mi, tăng 48,4% so với cùng kỳ...

Trên địa bàn thành phố Đồng Hới, các đơn vị sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng ước đạt 2.050 tỷ đồng, đạt 75,8% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tiêu dùng ước 4.927 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản ước 379 tỷ đồng.

Huyện Lệ Thủy là địa phương không có lợi thế để phát triển sản xuất công nghiệp, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển các ngành khai thác vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm đồ uống, cơ khí, mộc dân dụng làm tăng giá trị sản xuất... Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt gần 160 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ. UBND huyện cũng đã tích cực chỉ đạo, có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp duy trì và phát triển.

Sản phẩm clinker Sông Gianh được thị trường tiêu thụ mạnh.
Sản phẩm clinker Sông Gianh được thị trường tiêu thụ mạnh.

Theo thống kê, toàn huyện hiện có 9.230 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, thu hút hơn 18.160 lao động; trong đó có 3.406 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút gần 7.000 lao động. Huyện cũng đã tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng tại các khu công nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Huyện Quảng Trạch xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nên thời gian qua đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, doanh nghiệp, các cấp, các ngành để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch 1, xúc tiến triển khai Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch 2, dự án Khu ngoại quan và đường ống dẫn dầu qua nước bạn Lào; khai thác tối đa lợi thế trong hành lang kinh tế Đông-Tây, nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ra Cảng Hòn La và vùng kinh tế trọng điểm Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích đầu tư phát triển CN-TTCN, huyện tiếp tục xây dựng và phát triển các cụm, điểm TTCN tại các xã: Quảng Trường, Quảng Phú, Quảng Hưng, Quảng Xuân...

Nét nổi bật trong 9 tháng đầu năm nay là có nhiều doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập ổn định cho người lao động. Nhờ vậy, một số sản phẩm của ngành vẫn giữ mức tăng trưởng cao và tiêu thụ tốt trên thị trường như: Bia Hà Nội-Quảng Bình, xi măng, titan, gỗ xuất khẩu, gạch ceramic, gỗ chế biến và dăm gỗ, phân vi sinh....

Đặc biệt, trong bối cảnh lĩnh vực vật liệu xi măng có nhiều biến động và tăng sự cạnh tranh, nhưng Công ty TNHH MTV xi măng Sông Gianh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao và xây dựng được thương hiệu xi măng Sông Gianh, được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Điều đáng mừng là sản phẩm xi măng Sông Gianh đang được thị trường tiêu thụ mạnh.

Trên địa bàn miền Trung, xi măng Sông Gianh chiếm đến 26%, địa bàn Quảng Bình chiếm trên 90% thị phần. Thương hiệu xi măng Sông Gianh đã góp phần làm bền vững các công trình xây dựng có quy mô lớn của đất nước như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Thủy điện Sơn La, Dự án cảng Chân Mây, thủy điện Đăkrơsa, thủy điện ĐăkMi, thủy điện Hương Điền, Bình Điền, A Vương..

Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công thương đặt ra trong trong quý IV là, tiếp tục tập trung chỉ đạo, thực hiện tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, triển khai và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn.

Đến nay, có 15 dự án đào tạo nghề và phát triển sản xuất được xét hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công Quốc gia và địa phương; trong đó nguồn vốn khuyến công Quốc gia hỗ trợ 245 triệu đồng cho đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật dây chuyền gỗ ván ép thanh tại Khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và nguồn vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 840 triệu đồng cho 14 dự án đào tạo nghề và phát triển sản xuất.

Có nhiều dự án đã triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, một số dự án đã tiến hành xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động như dự án Nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh và hàng nội thất cao cấp của Công ty sản xuất đồ gỗ Hòa Bình; dự án phát triển hệ thống Logicstic Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo; dự án may xuất khẩu của Công ty TNHH S & D, Dự án Trung tâm thương mại-siêu thị Coopmart.

Theo đó, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã quyết định lựa chọn đầu tư dự án Nhà máy May Quảng Bình tại Khu công nghiệp Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy. Dự án có diện tích 4,9ha với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, quy mô 60 chuyền may với sản lượng ước đạt 12 triệu sản phẩm/năm, doanh thu bình quân đạt 800 tỷ đồng/năm, dự kiến nộp ngân sách Nhà nước khoảng 4 tỷ đồng/năm.

Sau khi dự án hoàn thành việc xây lắp sẽ tiến hành công tác tuyển dụng và thu hút, giải quyết việc làm cho khoảng 2.240 lao động tại địa phương. Dự án Nhà máy May Quảng Bình được phân kỳ đầu tư gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ đầu tư 20 chuyền may và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động trong quý I-2016 và hoàn tất 60 chuyền may trong quý I-2017.

Mới đây UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương đồng ý để Tổng công ty May 10 đầu tư xây dựng 2 nhà máy may trên địa bàn. Cụ thể, Nhà máy may tại Khu công nghiệp thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh) và Nhà máy may tại phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn). Quy mô của 2 nhà máy này thu hút khoảng 3-4 ngàn lao động. Theo kế hoạch đến năm 2020, Tổng công ty May 10 sẽ mở rộng quy mô các nhà máy trên thành nhà máy dệt kim, dệt thoi, may... thu hút khoảng 10.000 lao động địa phương, đưa Quảng Bình trở thành trung tâm dệt may của khu vực...

Có thể nói, sản xuất công nghiệp thời gian qua gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đơn vị công nghiệp trong tỉnh đã có giải pháp hợp lý duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định.

Tr.T