.

"Đạt chuẩn" và "giữ chuẩn" nông thôn mới

Thứ Sáu, 18/09/2015, 14:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo số liệu từ Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tỉnh, tính đến hết tháng 6-2015, toàn tỉnh ta đã có 12 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM và con số này dự kiến sẽ tăng thêm 16 xã đến hết năm 2015. Thực tế cho thấy, XDNTM đã góp phần làm thay đổi diện mạo cho nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên, việc thực hiện thành công 19 tiêu chí thực chất chỉ mới là bước khởi đầu của quá trình phát triển. Bởi đạt chuẩn NTM không phải là việc đơn giản, nhưng duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt mới thực sự là một “bài toán” nan giải.

“Đạt khó, giữ càng khó gấp bội!”

Đó chính là nhận xét của không ít lãnh đạo các xã NTM ở tỉnh ta khi đề cập đến việc giữ vững và nâng cao chất lượng một số tiêu chí NTM sau khi đã “cán đích” toàn lộ trình. Trong 19 tiêu chí XDNTM, một số tiêu chí về cơ sở vật chất như giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ... nếu được Nhà nước hỗ trợ vốn cộng với sự nỗ lực huy động từ sức dân thì việc hoàn thành về cơ bản sẽ không mấy khó khăn và khi đã “chạm đích” thì việc phát huy hiệu quả cũng hết sức thuận lợi.

Lương Ninh, xã đầu tiên của huyện Quảng Ninh hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới  Ảnh: P.V
Lương Ninh, xã đầu tiên của huyện Quảng Ninh hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: P.V

Song bên cạnh đó cũng có những tiêu chí “mềm” đang khiến không ít lãnh đạo các địa phương phải đau đầu vì để giữ vững và phát huy hiệu quả sau khi đã vất vả hoàn thành thực sự “hóc búa”, bởi khoảng cách giữa đạt và không đạt các tiêu chí này vốn mong manh, thiếu bền vững.

Trước hết phải kể đến tiêu chí số 19-an ninh trật tự. Theo lãnh đạo nhiều địa phương thì việc hoàn thành tiêu chí này không quá khó khăn nhưng để giữ vững thì mới thực sự nan giải. Cuối tháng 9 năm 2013, Lương Ninh là xã đầu tiên của huyện Quảng Ninh hoàn thành lộ trình XDNTM và an ninh trật tự là một trong những tiêu chí xã đạt sớm.

Để có được kết quả đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia đóng góp sức người, sức của XDNTM; đưa ra các biện pháp cụ thể, phù hợp với địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền địa phương còn tích cực chú trọng công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn thông qua nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực như: thực hiện tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội; phát huy hiệu quả tổ tự quản, tổ hòa giải trong thôn, xóm; hàng năm tổ chức thi đua giữa các xóm, ký cam kết về công tác giữ vững an ninh trật tự đến từng gia đình...".

Tuy nhiên, khách quan đánh giá thì để duy trì được tiêu chí an ninh trật tự là cả một vấn đề lớn. Bởi lẽ chỉ cần năm nào trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hay vụ gây rối trật tự xã hội... là xem như trong năm đó xã đã không duy trì được mức đạt chuẩn tiêu chí này”, ông Lê Thế Triển, Chủ tịch UBND xã Lương Ninh cho biết.

Bên cạnh đó, một tiêu chí nữa mà nhiều địa phương tỉnh ta đang gặp không ít khó khăn để giữ chuẩn đó là tiêu chí môi trường. Theo lãnh đạo các địa phương, đây cũng là một tiêu chí khá “nhạy cảm” vì kết quả của nó phụ thuộc nhiều vào ý thức của người dân.

Môi trường là một trong những tiêu chí “mềm” gây khó khăn cho việc giữ chuẩn của không ít địa phương.
Môi trường là một trong những tiêu chí “mềm” gây khó khăn cho việc giữ chuẩn của không ít địa phương.

Có thể thấy sau gần 2 năm “cán đích”, diện mạo nông thôn Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn) ngày càng “thay da đổi thịt”. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt vấn đề môi trường của xã đã có những cải thiện rõ rệt. Để đạt chuẩn tiêu chí môi trường, xã phải có từ 75% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có ít nhất 50% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường; đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh-sạch-đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường; rác thải, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định...

Tuy nhiên, vấn đề thu gom và xử lý rác thải, chất thải không phải dễ dàng thực hiện. Hiện tại, Quảng Hòa vẫn chưa có địa điểm tập kết rác thải tập trung mà phải tự xử lý tại địa phương nên không tránh khỏi những bất cập và về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến độ chuẩn tiêu chí môi trường của xã.

Không chỉ gặp vướng mắc ở tiêu chí an ninh trật tự, môi trường mà một số tiêu chí khác như văn hóa, thu nhập... cũng khiến không ít địa phương “thấp thỏm” khi giữ chuẩn. “Các tiêu chí này luôn thay đổi, phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân và các yếu tố khách quan nên việc có giữ chuẩn được hay không nhiều khi không thể nói trước được. Như tiêu chí văn hóa, nếu trên 30% số xóm có trường hợp sinh con thứ 3 thì hiển nhiên tiêu chí này không đạt. Mà vấn đề này cốt yếu vẫn là ý thức của người dân và không phải lúc nào chính quyền địa phương cũng kiểm soát được”, ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú (TP. Đồng Hới) tâm sự.

Còn với tiêu chí thu nhập, thực tế từ các xã thực hiện Chương trình NTM cho thấy, không phải địa phương nào cũng tìm được hướng đi phù hợp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là với các xã thuần nông, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm hơn 50%. Một phần cũng do nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư cho việc chuyển giao tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn rất ít, tổng mức đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với nhu cầu thực tiễn. Do vậy việc nâng cao mức thu nhập đối với những địa phương này trở nên vô cùng khó khăn.

Thấp thỏm đường đến đích

Đối với các địa phương đã hoàn thành 19 tiêu chí trên lộ trình XDNTM, việc giữ vững và phát triển các tiêu chí không phải là việc dễ dàng. Còn với các xã đang nỗ lực để “cán đích” hết các tiêu chí NTM, việc này lại càng gian nan hơn bởi lẽ khi đang chật vật để hoàn thành nốt các tiêu chí còn lại thì không ít xã lại “gánh” thêm nỗi lo tiêu chí này chưa hoàn thành thì tiêu chí khác lại “rớt” mất. Đơn cử như trường hợp của xã Hưng Trạch (Bố Trạch).

Tỷ lệ sinh con thứ 3 cao khiến một số địa phương chật vật trong việc cố gắng đạt và giữ chuẩn tiêu chí văn hóa.
Tỷ lệ sinh con thứ 3 cao khiến một số địa phương chật vật trong việc cố gắng đạt và giữ chuẩn tiêu chí văn hóa.

Sau 4 năm triển khai thực hiện, xã đã đạt 9/19 tiêu chí gồm quy hoạch, điện, an ninh trật tự, chợ, nhà ở dân cư, môi trường, hộ nghèo, bưu điện, y tế. “Theo dự kiến, đến hết năm 2020, Hưng Trạch chỉ có thể đạt thêm nhiều nhất là 6 tiêu chí nữa; 4 tiêu chí còn lại là giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và trường học được xem là những “cửa ải” rất khó vượt qua của xã. Lộ trình để về đích NTM của xã chúng tôi được xác định vẫn còn xa và điều đáng lo ngại là trên lộ trình ấy Hưng Trạch còn phải gánh thêm nỗi lo tiêu chí này chưa kịp đạt thì tiêu chí khác đã “rớt”, nhất là đối với tiêu chí an ninh trật tự.

Mặc dù chính quyền xã luôn nỗ lực bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn, nhưng với những biến động của tình hình hiện nay thì không ai dám chắc rằng cho đến khi chạm đích các tiêu chí còn lại thì tiêu chí này không bị rơi rụng mất”, ông Lê Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch tâm sự.

Đây không chỉ là nỗi lo của riêng Hưng Trạch mà là nỗi lo chung của rất nhiều địa phương. Rõ ràng “cán đích” NTM là mong ước không của riêng địa phương nào. Tuy nhiên, về đích mà vẫn giữ được sức mới là điều quan trọng và điều này đòi hỏi phải có hướng đi, cách làm đúng, nhất là phải duy trì được các tiêu chí “động”.

Do đó, thiết nghĩ, để giữ được các tiêu chí và nâng cao hơn tính bền vững, rất cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Muốn tháo gỡ khó khăn đã nêu, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ở địa phương phải thường xuyên bám sát cơ sở, gần dân để hiểu hoàn cảnh từng gia đình thì mới có cách tuyên truyền hiệu quả, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, các địa phương cần củng cố, xây dựng và nhân rộng các mô hình hay về an ninh trật tự; thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư và đề ra những hình thức khen thưởng phù hợp, kịp thời đối với những cá nhân, tập thể làm tốt trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội cũng cần quyết liệt vào cuộc, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, bảo vệ môi trường sống, hướng đến cuộc sống lành mạnh, văn minh vùng nông thôn...

Đào Vân