.

Tăng cường phòng, chống bệnh khô vằn hại lúa hè-thu

Thứ Ba, 18/08/2015, 13:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời điểm 10-8, lúa hè-thu ở các địa phương đang giai đoạn trổ bông với. Trong những ngày vừa qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sâu, bệnh hại phát sinh trên cây lúa, đặc biệt là bệnh khô vằn lây lan rất nhanh.

 

Diện tích lúa hè-thu bị bệnh khô vằn có chiều hướng lan rộng.
Diện tích lúa hè-thu bị bệnh khô vằn có chiều hướng lan rộng.

Theo kết quả điều tra của Chi cục Bảo vệ thực vật, bệnh khô vằn đang có chiều hướng gia tăng về diện tích và tỷ lệ hại. Tính đến ngày 10-8-2015, diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn toàn tỉnh ước khoảng 215ha.

Một số địa phương có diện tích nhiễm bệnh khô vằn cao là, huyện Quảng Ninh 105ha, Quảng Trạch 55ha, Tuyên Hóa 40ha... Tỷ lệ bệnh phổ biến 7-10%, nơi cao từ 15-20%. Bệnh thường xuất hiện phổ biến trên những chân ruộng gieo dày, bón nhiều đạm và gây hại nặng vào giai đoạn lúa trổ chín, do đó sẽ làm giảm năng suất, sản lượng lúa.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh khô vằn gây ra, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo  Phòng Nông nghiệp các địa phương cần khẩn trương thông báo tình hình bệnh hại và hướng dẫn biện pháp phòng trừ trên các phương tiện thông tin đại chúng; kịp thời chỉ đạo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm bệnh khô vằn hại lúa để chủ động phòng trừ có hiệu quả.

Biện pháp phòng chống bệnh khô vằn là sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu như: Validacin 5SC, Anvil 5SC, Cavil 5SC để phòng trừ; nên phun thuốc trực tiếp vào vết bệnh và phải bảo đảm đúng các loại thuốc, nồng độ và liều lượng theo hướng dẫn của cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật trên địa bàn.

Đồng thời với việc phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo các địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp diệt chuột. Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích có chuột hại toàn tỉnh tính đến ngày 10-8, khoảng 370ha. Chuột phát sinh gây hại ở hầu hết các địa phương, tập trung ở Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh... đặc biệt gây hại nặng ở các diện tích lúa hè - thu đang trong giai đoạn làm đồng, trổ bông.

Vừa qua một số địa phương có chỉ đạo việc diệt chuột, nông dân đã tích cực triển khai diệt chuột bằng nhiều biện pháp nên đã hạn chế chuột gây hại. Tuy nhiên, một số địa phương triển khai diệt chuột chưa thường xuyên, chưa phối hợp đồng bộ các biện pháp (chú trọng biện pháp sử dụng thuốc, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật chưa đúng với hướng dẫn của cơ quan chuyên môn).

Để diệt chuột hiệu quả, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân sử dụng biện pháp diệt chuột thủ công là hữu hiệu nhất như: đào bắt, dùng chó săn bắt, phá hang ổ chuột, dùng hàng rào nilon bao vây và đào hố bẫy chuột. Các địa phương cần ra quân đồng loạt tổ chức diệt chuột thường xuyên liên tục mới có hiệu quả. Sử dụng các loại thuốc sinh học, hoá học như: Biorat, Rat K 2%D... để làm bả diệt chuột, tuyệt đối không dùng điện để diệt chuột, có thể gây nguy hiểm chết người.

P.V