.

Khởi sắc Văn Hóa

Thứ Ba, 18/08/2015, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm về phía hạ du của huyện Tuyên Hóa, giáp với huyện Quảng Trạch, xã Văn Hóa là địa phương có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị lũ lụt về mùa mưa, mùa hè thì nước sông nhiễm mặn gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn xã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên.

Trước đây, nhắc đến làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, người ta thường nhắc đến truyền thống hiếu học. Được mệnh danh là “Đệ nhất bát danh hương” trong tám ngôi làng nổi tiếng văn vật của Quảng Bình: Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim. Xưa người dân Văn Hóa lấy đạo học làm đầu với quan niệm “Một nong vàng không bằng một sàng chữ” và xem đây như là “bảo bối” để vượt lên thoát đói nghèo, chống lại khắc nghiệt của thiên nhiên. Nay, Văn Hóa không chỉ nổi tiếng về truyền thống hiếu học, mà còn được xem là một trong những địa phương đi đầu, năng động trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới ở huyện Tuyên Hóa.

Về Văn Hóa hôm nay, nhiều người con xa quê không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự đổi thay đến khó ngờ. Quê nghèo lam lũ xưa kia giờ đã bừng sáng lên như một bức tranh đa sắc màu. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đời sống của nhân dân đang thay đổi từng ngày. Điểm nhấn của Văn Hóa trong những năm qua là tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, từ đó tạo bước đột phá mới trong phát triển kinh tế.

Diện mạo nông thôn xã Văn Hóa ngày càng khởi sắc.
Diện mạo nông thôn xã Văn Hóa ngày càng khởi sắc.

Đến nay, hệ thống giao thông đi lại trên địa bàn được đầu tư và cơ bản hoàn thiện, các trục đường nội thôn, nội đồng đã được bê tông hóa, không còn tình trạng lầy lội, mưa bùn nắng bụi như trước đây nữa. Hệ thống cơ sở trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc đã được xây dựng cao tầng và kiên cố hóa đồng bộ, tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn của xã; tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm qua trên 80 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, nhiều dự án lớn đầu tư trên địa bàn xã đã làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là dự án cầu, đường về xã Văn Hóa và dự án Nhà máy xi măng Văn Hóa hoàn thành và đi vào hoạt động không chỉ làm thay đổi diện mạo quê hương mà còn góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Hạnh, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa cho biết: Nếu như trước đây, nền kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thì hiện nay tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã vượt lên chiếm ưu thế với 58% trong cơ cấu kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH đã khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để đầu tư  mở rộng, phát triển sản xuất.

Đến nay, toàn xã có 3 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, thu hút, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn tăng bình quân 5%/năm, đạt 9 tỷ đồng năm 2014. Hoạt động thương mại-dịch vụ có sự chuyển biến tích cực. Chợ Văn Hóa duy trì hoạt động có hiệu quả, hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức kinh doanh bán lẻ hàng hóa trên địa bàn năm 2014 đạt 13 tỷ đồng.

Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 23%, từ 707 triệu đồng năm 2010 tăng lên 1,9 tỷ đồng năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người đạt 17,5 triệu đồng năm 2014, dự ước năm 2015 đạt 20 triệu đồng, vượt 33% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cấp ủy, chính quyền xã Văn Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng và giá trị ngày càng tăng; tổng diện tích gieo trồng hàng năm gần 300 ha, sản lượng lương thực năm 2014 đạt 991,6 tấn.

Nhiều loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương được người dân đưa vào sản xuất đại trà như: lúa X23, P6; ngô PC388, lạc L14... tỷ lệ sử dụng các loại giống mới chiếm trên 95%. Chăn nuôi của xã tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Văn Hóa là xã dẫn đầu toàn huyện trong việc sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn. Hiện nay tổng đàn gia súc trên địa bàn xã đạt 1.550 con, tỷ lệ bò lai sind trên 70%, lợn ngoại trên 90%. Tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhiều hộ gia đình đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được Đảng bộ, chính quyền xã Văn Hóa quan tâm đúng mức. Chất lượng giáo dục, y tế không ngừng được nâng cao, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn xã có 2 khu dân cư văn hóa, 2 đơn vị văn hóa và 655 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 61% so với tổng số hộ trong toàn xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18%.

Về Văn Hóa hôm nay, đi trên từng đường làng ngõ xóm đâu đâu cũng cảm nhận được sự đổi thay một cách rõ nét. Nhà cửa khang trang, đường quê sạch đẹp, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Có được kết quả đó là nhờ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Văn Tư