.

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững

Thứ Sáu, 17/07/2015, 08:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là một trong những mục tiêu kinh tế quan trọng của huyện Tuyên Hóa trong giai đoạn 2015-2020, nhằm góp phần giảm nghèo và phát triển bền vững.

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa phát triển tương đối ổn định, năng suất cây trồng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm ngày càng được nâng lên. Sản xuất nông nghiệp cơ bản đã đáp ứng nguồn lương thực tại chỗ, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện.

Trên địa bàn huyện bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như: cao su, ngô, lạc, rừng trồng nguyên liệu; chăn nuôi dần phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung.

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hoá chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương, chất lượng sản phẩm còn thấp, chủ yếu xuất thô và chưa qua chế biến, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất chưa mạnh, bà con nông dân chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng đất đai và nguồn tài nguyên nên đại đa số người dân vẫn còn nghèo, chất lượng cuộc sống thấp.

Tăng cường đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: C.T.V
Tăng cường đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: C.T.V

Nhằm khắc phục những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua, huyện Tuyên Hoá đã xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, mục tiêu của đề án là duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua việc tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước đáp ứng tốt hơn như cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, huyện sẽ động viên bà con nông dân tập trung thâm canh các cây trồng tiềm năng, nâng cao chất lượng và số lượng đàn bò, tạo sức cạnh trạnh từ các sản phẩm có lợi thế như: ngô, lạc, đậu xanh, bò lai, gà địa phương, mật ong... Áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Vì vậy, huyện sẽ có chính sách mời gọi các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức theo hướng nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, đổi mới phương tiện để nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Năm 2015, huyện phấn đấu đưa giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng 5,4%, giai đoạn 2016-2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5-7%/năm và đến năm 2020 tỷ trọng nông-lâm-thuỷ sản chiếm trên 27% cơ cấu kinh tế của huyện.

Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương sử dụng linh hoạt diện tích đất canh tác, cơ cấu diện tích lúa hợp lý và bảo đảm sản lượng lương thực ổn định từ 18.000 đến 18.500 tấn vào năm 2020; đồng thời tập trung tăng năng suất một số cây trồng có lợi thế để phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của từng vùng.

Theo đó, cây ngô được phát triển theo 3 hướng: thương phẩm, thực phẩm và thân lá để làm thức ăn cho gia súc. Cây lạc chủ yếu tập trung ở các xã: Đức Hóa, Thạch Hóa, Đồng Hóa và Phong Hóa. Cùng với việc tập trung nâng cao năng suất loại cây trồng này, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương chuyển những diện tích lúa không chủ động được nguồn nước và đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng lạc với khoảng 50 ha; đồng thời tiếp tục động viên bà con nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình canh tác mới, đưa các loại giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt vào sản xuất như: L23, SVL1; khuyến khích phát triển cơ sở thu mua, bóc vỏ lạc, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm từ lạc.

Chăn nuôi được thúc đẩy phát triển bằng nhiều hình thức phù hợp như: từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng chăn trại, gia trại và đẩy mạnh phát triển chất lượng; phát triển chăn nuôi nông hộ đối với những xã có điều kiện thuận lợi để chăn nuôi trâu, bò đàn; khuyến khích áp dụng công nghệ, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.

Bò là vật nuôi lợi thế của huyện Tuyên Hóa. Để phát triển chăn nuôi nuôi bò về cả chất lượng và số lượng, huyện tiếp tục hỗ trợ để cải tại đàn bò tại các xã có tỷ lệ bò lai thấp như: Cao Quảng, Thanh Hóa, Lâm Hóa, Thanh Thạch, Hương Hóa và Kim Hóa; đưa các giống bò chuyên thịt năng suất cao vào chăn nuôi, xây dựng mô hình trồng cỏ nuôi bò thịt thâm canh và hình thành làng chuyên chăn nuôi bò lai tại các xã Nam Hóa, Sơn Hóa...

Theo đó, huyện tập trung chuyển đổi trên 290 ha diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cỏ, kết hợp sử dụng các loại phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn cho trâu, bò. Riêng đối với chăn nuôi gia cầm, huyện sẽ chuyển đối mạnh cơ cấu giống gà theo hướng giảm dần giống công nghiệp, tăng nhanh giống gà địa phương như: gà cỏ, gà ri vàng rơm. Cùng với việc phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm theo hình thức thả vườn tại vùng đồi các xã: Nam Hóa, Sơn Hóa, Lê Hóa, Kim Hóa, Cao Quảng và Thuận Hóa, huyện sẽ khuyến khích người dân gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và từng bước hình thành thương hiệu "Gà đồi Tuyên Hóa". 

Hy vọng, với quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo và điều hành của UBND huyện, sự nỗ lực cố gắng và chủ động đổi mới cách làm, cách nghĩ của bà con nông dân, Tuyên Hóa sẽ thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về kinh tế, đưa quê hương ngày càng phát triển.

Lê Nam Giang, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy,
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuyên Hóa