.

Phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp: Hướng đi mới nhiều triển vọng

Thứ Tư, 15/07/2015, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng, tỉnh ta sở hữu nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản như nước mắm, ruốc, cá khô, khoai gieo, rượu... Hầu hết các sản phẩm này đều có xuất xứ từ những vùng đất lợi thế về du lịch như Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh. Do đó, để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp hiện đang được các cấp, ngành quan tâm hướng đến.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Tỉnh ta hiện có trên 14.691 cơ sở ngành nghề nông thôn, bao gồm 24 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng 46.500 lao động. Các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn chủ yếu sản xuất các mặt hàng truyền thống có thể cạnh tranh trên thị trường như rượu, mây tre đan, chiếu cói, nón lá, nước mắm, mộc mỹ nghệ...

Làng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) đã được Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin đưa vào các tour du lịch của Công ty.
Làng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) đã được Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin đưa vào các tour du lịch của Công ty.

Đặc biệt, tỉnh ta có đặc sản khoai gieo là món ăn chỉ có riêng ở Quảng Bình. Hải Ninh, một xã nghèo ven biển thuộc huyện Quảng Ninh, có 100% đất tự nhiên là cát; mùa mưa lũ lụt, mùa nắng cháy da. Nhưng người dân nơi đây đã biết biến khó khăn thành lợi thế, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương với đặc sản mang thương hiệu “Khoai gieo Hải Ninh”. Khoai gieo ăn có cảm giác, hương vị khác biệt; nó như thử sự kiên nhẫn của con người phải chịu khó nhai. Càng nhai, càng cảm nhận được trọn vẹn vị ngọt, bùi của sản phẩm.

Với nét riêng ấn tượng đặc biệt đó, những lát khoai gieo bình dị đất Quảng Bình đã khoác lên bộ áo mới, sánh vai cùng những mặt hàng khác chu du khắp thiên hạ, có mặt ở nhiều chợ, siêu thị trong, ngoài tỉnh và được chọn tham gia rất nhiều hội chợ thương mại, nông sản trong, ngoài nước.

Không chỉ ấn tượng với đặc sản khoai gieo, nếu ai từng đến Quảng Bình và thưởng thức các món ăn hải sản, bánh lọc, bánh khoái, bánh bèo; hay đi tham quan một số làng nghề có thương hiệu lâu năm như: thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy) sản xuất rượu; làng Mai Hồng, xã Đồng Trạch (huyện Bố Trạch) với nghề rèn đúc; thôn Thọ Đơn, xã Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) với nghề đan lát; làng Hạ Thôn, xã Quảng Tân (thị xã Ba Đồn) với nghề làm nón lá..., ắt hẳn sẽ có những kỷ niệm khó quên đối với mảnh đất này.

Ngoài những lợi thế về tiềm năng của các làng nghề, sự thuận lợi về vị trí, khoảng cách của các làng nghề với các khu du lịch cũng tạo điều kiện tốt cho việc gắn kết sự phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp. Ví dụ như, huyện Bố Trạch, nơi được nhiều du khách biết đến với hệ thống hang động kỳ vĩ, tuyệt đẹp của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, lại có đặc sản nước mắm Nhân Trạch, Đức Trạch; các loại hải sản tươi ngon của vùng biển Lý Hòa, Trung Trạch, Thanh Trạch... 

Đây chính là lợi thế để các công ty lữ hành du lịch trong tỉnh kết nối tour, tuyến tham quan, vừa giới thiệu được với du khách về những thắng cảnh đẹp, vừa quảng bá những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của địa phương, giúp cho hành trình tham quan thêm phần phong phú, hấp dẫn. Hay ở thành phố Đồng Hới, trung tâm của cả tỉnh, có làng chài Bảo Ninh, chợ hải sản Nhật Lệ..., được ghi nhận là những điểm đến thường xuyên, quen thuộc của du khách khi đến Đồng Hới nói riêng và đến Quảng Bình nói chung.

Lộ trình phát triển bền vững

Một thực tế cho thấy, hiện nay, làng nghề trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông; làng nghề chưa được đầu tư chiều sâu cho cách làm du lịch; người làng nghề chưa nhận thức được giá trị của du lịch đem lại..., cho nên, sự đầu tư của làng nghề gắn với phát triển du lịch chưa có, sản phẩm làng nghề còn đơn điệu và kém hấp dẫn du khách.

Sản phẩm nón lá Quảng Bình.
Sản phẩm nón lá Quảng Bình.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1484/QĐ-UBND ngày 10-6-2014 của UBND tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động xây dựng, quảng bá các sản phẩm ngành nông nghiệp phục vụ du lịch của địa phương và phối hợp chuyển đổi các làng nghề có điều kiện thành điểm du lịch. Cụ thể, trong năm 2014, sở đã phối hợp với đoàn làm phim “Chương trình khám phá Việt Nam” cùng Robert Danhi giới thiệu về các điểm du lịch, các làng nghề, ẩm thực đặc sắc của tỉnh ra nước ngoài; phối hợp với các kênh thông tin truyền thông trong nước làm phim, chuyên mục giới thiệu du lịch Quảng Bình.

Năm 2015, sở phối hợp với đoàn làm phim “S Việt Nam” xây dựng 4 tập phim giới thiệu về du lịch Quảng Bình. Các chương trình đã làm nổi bật được hình ảnh của các làng nghề, đặc sản của nông nghiệp Quảng Bình, tạo được sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng giới thiệu hình ảnh của nông nghiệp Quảng Bình, các đặc sản, làng nghề..., trong các ấn phẩm du lịch, các bài giới thiệu tại hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch, hội chợ du lịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thái Lan, Nga. Từ đó, quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho du lịch ra thị trường trong nước cũng như quốc tế; đồng thời mở ra nhiều cơ hội đề làng nghề thu hút đầu tư, mở rộng sản xuất các sản phẩm phục vụ cho khách du lịch và chuyển đổi thành các điểm tham quan du lịch...

Để tạo sự gắn kết hiệu quả và bền vững giữa phát triển du lịch với các sản phẩm nông nghiệp, các công ty lữ hành du lịch cũng cần liên kết hướng dẫn, hỗ trợ một số làng nghề, HTX, trang trại cách thức tổ chức để có thể đón tiếp du khách tại chỗ. Giúp họ giới thiệu quảng bá các làng nghề cho du khách tiềm năng và hình thành điểm đến, sao cho du khách có thể trải nghiệm một cách vui thích, phù hợp với nét sinh sống của người bản địa, đồng thời giúp trưng bày sản phẩm của làng nghề đến tận tay du khách. Nếu việc này được triển khai tốt thì hệ số lưu trú của du khách không dừng lại 1 ngày mà sẽ lâu hơn.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý du lịch cần tạo điều kiện, hành lang pháp lý thông thoáng để thúc đẩy công ty du lịch và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác trong địa phương. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp về nghiệp vụ, thông tin và cơ hội giao lưu quảng bá với bên ngoài; thường xuyên đối thoại giữa quản lý nhà nước với các công ty lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định rõ các sản phẩm đặc sản thế mạnh của nông nghiệp tỉnh nhà để có hướng đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu...

Với chủ trương của tỉnh, phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho lĩnh vực du lịch nói chung, các làng nghề truyền thống nói riêng thì việc gắn kết làng nghề với du lịch; xây dựng tour du lịch làng nghề, để quảng bá là một tất yếu. Đồng thời các công ty lữ hành cũng cần chú trọng hơn khi đưa thêm vào tour du lịch của mình những chương trình tham quan làng nghề... Nếu sự kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành du lịch với làng nghề thực hiện được thì sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau sẽ là đòn bẩy không chỉ giúp cho làng nghề phát triển bền vững mà du lịch lữ hành cũng sẽ có những khởi sắc.

Lê Mai-Nguyễn Hậu