.

Nông dân Quảng Thạch tích cực chống hạn

Thứ Tư, 15/07/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch) là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt nắng hạn kéo dài thời gian qua. Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu nước. Trước tình trạng này, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp chống hạn hiệu quả, góp phần duy trì sự sinh trưởng của cây trồng và ổn định đời sống người dân.

Chúng tôi về Quảng Thạch vào những ngày nắng nóng đầu tháng 7-2015. Trong khi một số địa phương lân cận đã được giảm bớt chút oi nồng bởi một vài trận mưa thì nơi đây vẫn gồng mình chịu hạn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay từ đầu tháng 5-2015, nắng nóng đã đạt đỉnh điểm, hầu hết giếng của các hộ dân đều khô cạn, cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, xã, các thôn đã triển khai nhiều cuộc họp để bàn các giải pháp. Cùng với việc cập nhật, báo cáo tình hình lên huyện, xã đã hướng dẫn người dân áp dụng nhiều giải pháp chống hạn trong đó có việc khoan và đào giếng.

Hiện tại toàn xã có 14 giếng đào, mỗi giếng sâu khoảng 7m và 25 giếng khoan. Để hoàn thành được các công trình này, xã đã đứng ra hợp đồng với đơn vị thi công gấp rút triển khai trong thời gian ngắn đề bảo đảm chống hạn kịp thời. Bên cạnh đó, địa phương đã vận động một hộ dân trong xã sắm xe ô tô và bồn nước 10m3 để tham gia vận chuyển nước sinh hoạt, tạo thuận lợi cho người dân trong vùng.

Người dân Quảng Thạch làm đất trồng ngô trên diện tích đất lúa thiếu nước.
Người dân Quảng Thạch làm đất trồng ngô trên diện tích đất lúa thiếu nước.

Có mặt tại thôn 3, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người dân đang chở nước. Anh Phan Xuân Thủy, trưởng thôn 3 cho biết, vườn của anh hiện có trên 1.000 gốc tiêu. Bước vào mùa nắng hạn năm nay, một số gốc tiêu bắt đầu có tình trạng vàng lá và héo rũ. May có nguồn nước từ giếng đào nên vườn tiêu của gia đình anh đã được cứu kịp thời. Không chỉ có gia đình anh mà hầu hết người dân thôn 3 đều sử dụng nước ở đây, nhờ đó, sản xuất và đời sống phần nào ổn định, hạn chế được những thiệt hại do nạn hạn hán gây ra. Hệ thống giếng đào không chỉ cung cấp nước cho việc tưới tiêu mà nhiều hộ dân còn sử dụng để sinh hoạt bằng cách lọc lại qua bể lọc.

Tương tự như hệ thống giếng đào, 25 giếng khoan trên địa bàn toàn xã đã cứu nguy cho hàng chục nghìn gốc tiêu cùng nhiều loại cây khác và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. “Chống hạn là không thể chần chừ nên dù số kinh phí để đào 14 giếng và khoan 25 giếng là khá lớn, chúng tôi cũng phải đứng ra “mắc nợ” đơn vị thi công để kịp thời hỗ trợ nhân dân!”, ông Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã chia sẻ.

Bên cạnh việc bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, vụ hè-thu năm nay, trước tình trạng hạn hán, xã Quảng Thạch đã tiến hành chuyển đổi 60 ha đất lúa thiếu nước sang trồng ngô và đậu xanh. Nằm trong kế hoạch chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày của huyện Quảng Trạch, số giống ngô được huyện hỗ trợ hoàn toàn đã tạo không khí phấn khởi cho người dân địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Công Thương (thôn 8) cho biết: Gia đình anh có 5 sào lúa. Vụ hè – thu năm nay, xác định việc tiếp tục trồng lúa sẽ gặp nhiều khó khăn do tình trạng hạn hán, anh đã rất băn khoăn. May mắn địa phương có hướng chuyển đổi sang trồng ngô đã mang lại hy vọng mới cho gia đình. Dù là năm đầu tiên thực hiện chuyển đổi, nhưng với kinh nghiệm của nhiều hộ dân trong xã từng trồng ngô, anh và mọi người rất tin tưởng vào hướng đi này bởi cây ngô có khả năng chống chịu hạn tốt hơn cây lúa. Việc các hộ dân, trong đó có gia đình anh được hỗ trợ giống ngô cũng tạo nhiều thuận lợi trong vụ sản xuất này.

Cùng với gia đình anh Thương, trên cánh đồng rộng mà các hộ dân thôn 8 đã từng sản xuất lúa, hàng trăm người dân đang tích cực cày bừa, làm đất trong không khí phấn khởi. Nguyễn Thị Hoài, hiện là sinh viên Trường đại học Luật-Đại học Huế cho biết: Gia đình em có 3 sào đất lúa. Được sự hỗ trợ của huyện và xã, năm nay số diện tích nói trên cũng được chuyển sang trồng ngô. Tranh thủ dịp nghỉ hè, em tham gia làm đất với bố mẹ. Hy vọng vụ mùa này cây ngô sẽ phát triển hiệu quả, mở ra một hướng đi mới cho người dân quê em vào những mùa nắng hạn!

Dự báo thời gian tới thời tiết sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Việc các địa phương, trong đó có Quảng Thạch, đã kịp thời có những giải pháp chống hạn hữu hiệu là tín hiệu vui, đồng thời là hướng đi mà các địa phương đang gặp hạn hán có thể nghiên cứu áp dụng. Tin tưởng rằng, việc tích cực chung tay chống hạn của chính quyền và người dân sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao hiệu quả vụ hè-thu năm nay và trong tương lai.

Ngọc Mai