.
Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9-7-1960 - 9-7-2015):

Tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch Quảng Bình

Thứ Năm, 09/07/2015, 10:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Bình.

Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình-Đà Nẵng-Quảng Nam.
Lễ ký kết hợp tác phát triển du lịch Quảng Bình-Đà Nẵng-Quảng Nam.

- Phóng viên (PV): Du lịch Quảng Bình đã trải qua một chặng đường dài hình thành và phát triển, xin đồng chí hãy cho biết những mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của ngành?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ: Khi đất nước còn tạm thời bị chia cắt hai miền và chiến tranh khốc liệt, ở Quảng Bình nhà khách Giao Tế đã ra đời đáp ứng yêu cầu phục vụ các đoàn khách của Đảng và Nhà nước, đây chính là tiền thân của du lịch Quảng Bình.

Từ sau năm 1975-1989, Quảng Bình cùng với Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, hoạt động du lịch ở Quảng Bình mới chỉ dừng lại ở các cơ sở dịch vụ, như: nhà khách Giao Tế, khách sạn Chuyên gia, khách sạn Đồng Hới, nhà nghỉ Nhật Lệ...

Từ năm 1989 -2000, thời kỳ Quảng Bình vừa mới tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên để tái lập lại địa giới cũ. Trong giai đoạn này, tỉnh đã đón 71 vạn lượt du khách, tăng bình quân hàng năm 55%, trong đó khách quốc tế 1 vạn lượt.

Từ năm 2000 đến 2012, giai đoạn mang tính chất bước ngoặt đối với quá trình phát triển của du lịch tỉnh với nhiều điểm nhấn quan trọng: Năm 2003, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, đặt nền móng đưa Quảng Bình vươn lên trở thành điểm đến quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam với sản phẩm du lịch hang động. Nhờ đó năm 2012, lần đầu tiên tỉnh đón trên 1 triệu lượt khách du lịch.

Từ năm 2013 đến nay, du lịch tỉnh phát triển “nhảy vọt” với nhiều mốc lịch sử quan trọng. Với việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trong nước và quốc tế cũng như hoạt động liên kết phát triển du lịch với nhiều địa phương trọng điểm; đưa vào khai thác nhiều tuyến điểm du lịch quan trọng đã khẳng định được vị thế của Quảng Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ tại Vũng Chùa, khách du lịch đến Quảng Bình càng tăng nhanh.

- PV: Với những tiềm năng lợi thế hiện có, xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật mà ngành du lịch tỉnh đạt được trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ: Có thể khẳng định rằng từ năm 2014, du lịch tỉnh đã có sự tăng trưởng vượt bậc, khẳng định được thương hiệu “Du lịch Quảng Bình” đối với thị trường trong nước và quốc tế . Tổng khách du lịch đến Quảng Bình trong năm 2014 gần 2,8 triệu lượt, tăng 102% so với năm 2013, trong đó khách quốc tế đạt gần 5 vạn lượt, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 3.400 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2015, đón gần 1,8 triệu lượt khách và dự kiến trong năm 2015 Quảng Bình đón khoảng 3,3 triệu lượt khách, với tổng doanh thu du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đến nay, toàn ngành có 268 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 60 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao; 25 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch cũng đã và đang tiến hành công nhận, cấp biển hiệu cho các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch đã không ngừng phát triển và đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch tỉnh phát triển nhanh, bền vững, là điểm đến an toàn - chất lượng - mến khách.

Trong thời gian qua, du lịch Quảng Bình được báo chí trong nước và quốc tế đánh giá cao, đặc biệt tờ The New York Times (Mỹ) bình chọn là điểm đến hấp dẫn xếp ở vị trí thứ 8/52 của thế giới và đứng thứ 1/12 điểm đến trong khu vực châu Á; Lonely Planet xuất bản cuốn sách hướng dẫn du lịch năm 2014 - một trong những cuốn sách được khách du lịch nước ngoài yêu thích đã dành 6 trang để ca ngợi về vẻ đẹp của Phong Nha-Kẻ Bàng và Quảng Bình.

Đặc biệt Sơn Đoòng được Tạp chí News của Úc xếp vào điểm đến “đẹp không thể tin nổi” trên trái đất; Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn  hang Sơn Đoòng là một trong Top 12 hang động kỳ vỹ nhất trên thế giới...

Quang cảnh lễ kỷ niệm 10 năm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003-2013). Ảnh: Hành Tiến
Quang cảnh lễ kỷ niệm 10 năm Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003-2013). Ảnh: Hành Tiến

- PV: Với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vậy du lịch Quảng Bình đã có những kế hoạch gì trong thời gian tới, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Văn Kỳ: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã định hướng: “đưa du lịch Quảng Bình từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Từ nhận thức này, tỉnh đã quan tâm xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch của địa phương.

Đồng thời, tỉnh đã ban hành các chương trình, chỉ thị về phát triển du lịch và có các chính sách kêu gọi, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch; thực hiện xã hội hoá đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch theo hướng đa dạng hoá loại hình và sản phẩm du lịch; khuyến khích phát triển các loại hình du lịch, phát triển dịch vụ cao cấp.

Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch như: Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch; hoàn thiện và tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư du lịch... để xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Bình.

Tăng cường bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch; nâng cao ý thức và hiệu quả sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ du lịch; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển du lịch; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bắc Trung bộ, các tỉnh nằm trên Con đường Di sản miền Trung, hành lang kinh tế Đông-Tây, các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan...

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch Quảng Bình theo hướng chuyên nghiệp và tổ chức dưới nhiều hình thức phù hợp, gắn kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp cùng tuyên truyền quảng bá thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và nước ngoài. Tham gia các lễ hội du lịch, các đoàn Famtrip. Phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Bình đến các thị trường du lịch trong nước và quốc tế...

- PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Mai (thực hiện)