.

Hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi công Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh

Thứ Tư, 01/07/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình (QBSC) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 26-11-2011 với mục tiêu cung cấp và xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời cho các thôn, bản và đơn vị dịch vụ công điện lưới quốc gia không đến được. Mặc dù còn gặp một số khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án thời gian qua, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm hoàn thành các công việc theo hiệp định đã ký, đến nay dự án đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị để triển khai khởi công xây dựng và dự kiến đến quý 4-2016 sẽ hoàn thành 100% khối lượng hợp đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng và quản lý vận hành công trình cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời nhằm bảo đảm tính bền vững của dự án.
Chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng và quản lý vận hành công trình cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời nhằm bảo đảm tính bền vững của dự án.

Dự án QBSC có tổng mức đầu tư 13,783 triệu USD, trong đó vốn vay từ Quỹ Hợp tác Phát triển kinh tế (EDCF) 12 triệu USD để đầu tư hạng mục xây lắp, mua sắm thiết bị, dịch vụ tư vấn quốc tế và nguồn vốn đối ứng là 1,783 triệu USD sử dụng để chi trả các khoản thuế VAT, thuế nhập khẩu thiết bị, chi phí quản lý dự án và dịch vụ tư vấn trong nước.

Theo kế hoạch đấu thầu đã được UBND tỉnh phê duyệt, dự án QBSC gồm 7 gói thầu; trong đó gói thầu số 7 (xây lắp và thiết bị) là gói thầu lớn nhất, chiếm toàn bộ khối lượng thực hiện dự án và gói thầu số 2 (dịch vụ tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán, hỗ trợ đấu thầu, giám sát xây dựng và đào tạo, hướng dẫn vận hành hệ thống) sử dụng nguồn vốn vay EDCF, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh giữa các nhà thầu Hàn Quốc. Các gói thầu còn lại sử dụng nguồn vốn đối ứng, lựa chọn nhà thầu trong nước để thực hiện.

Sau khi dự án được phê duyệt, tháng 8-2012, Ban QLDA đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn là Liên danh nhà thầu Dohwa, Kunhwa và Kyunghwa (Hàn Quốc) để thực hiện gói thầu số 2, thời gian thực hiện 36 tháng. Hiện nay nhà thầu đã thực hiện hoàn thành công tác tư vấn khảo sát thiết kế, lập dự toán và hỗ trợ đấu thầu, bắt đầu triển khai giai đoạn giám sát xây dựng và đào tạo, hướng dẫn vận hành hệ thống.

Đối với gói thầu số 7 (xây dựng mới hệ thống cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời cho 1.294 hộ gia đình và 78 đơn vị dịch vụ công, với tổng số 320 điểm cấp điện độc lập và 81 điểm cấp điện tập trung...), Ban QLDA đã ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu là KT Corporation (Hàn Quốc) vào đầu năm 2015, thời gian thực hiện 24 tháng. Hợp đồng đã được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc phê duyệt thông qua và có hiệu lực từ ngày 30-1-2015.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, thời gian qua, Ban QLDA đã  phối hợp với các địa phương, đơn vị nhà thầu tổ chức giải phóng mặt bằng và đã hoàn thành bàn giao thực địa vào cuối tháng 4-2015 để tiến tới thi công xây dựng dự án. Nhà thầu xây dựng KT Corporation cũng đã triển khai ký hợp đồng với 2 nhà thầu phụ địa phương và cử đoàn công tác đến Quảng Bình để chuẩn bị các thủ tục xin giấy phép hoạt động xây dựng, lập văn phòng điều hành dự án và tập trung vật tư, thiết bị để thi công lắp đặt công trình.

Các gói thầu còn lại sử dụng nguồn vốn đối ứng được thực hiện đồng thời, song song với tiến độ chung của dự án theo các quy định hiện hành của Nhà nước và nhà tài trợ. Đến nay, dự án đã giải ngân được 2,061 triệu USD (từ vốn vay EDCF); trong đó giải ngân cho gói thầu số 2 là 603.250 USD  và tạm ứng cho gói thầu số 7 là 1,457 triệu USD. Về nguồn vốn đối ứng 1,783 triệu USD, đã giải ngân 11,5 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của dự án bị chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, ông Võ Quang Minh, Trưởng ban QLDA cho biết: Do phạm vi dự án thực hiện phân tán trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa dọc theo vùng biên giới Việt-Lào, có địa hình phức tạp, các đơn vị thực hiện dự án là tư vấn nước ngoài (Hàn Quốc) nên gặp khó khăn trong công tác tiếp cận hiện trường, sự bất đồng về ngôn ngữ, công tác phiên dịch, biên dịch tài liệu mất nhiều thời gian.

Tập trung vật tư, thiết bị để chuẩn bị cho việc thi công lắp đặt hệ thống cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời.
Tập trung vật tư, thiết bị để chuẩn bị cho việc thi công lắp đặt hệ thống cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời.

Theo đó, công tác khảo sát, thiết kế và lập dự toán dự án cũng gặp nhiều khó khăn, thời gian thực hiện kéo dài hơn 8 tháng so với kế hoạch đề ra. Riêng đối với gói thầu số 7, nguyên nhân bị chậm gần 1 năm so với kế hoạch là do không lựa chọn được đơn vị trúng thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện dự án nên phải tổ chức đấu thầu lại lần 2.

Cho đến thời điểm này, mọi công việc của dự án đang được tiếp tục triển khai thuận lợi theo hiệp định đã ký. Đối với thi công xây dựng phần hệ thống điện năng lượng mặt trời, Ban QLDA phấn đấu cuối năm 2015 sẽ hoàn thành đóng điện đưa vào sử dụng 30% khối lượng công trình và đến quý 4-2016 sẽ hoàn thành 100% khối lượng công trình. Vào cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, Ban QLDA sẽ triển khai tổ chức tập huấn cho cán bộ và người dân hưởng lợi cách sử dụng và quản lý vận hành công trình hệ thống năng lượng mặt trời đạt hiệu quả.

Do có một số vấn đề nảy sinh và biến động so với số liệu khảo sát ban đầu vào đầu năm 2012 nên để tiếp tục triển khai thực hiện dự án một cách thuận lợi, đạt chất lượng và tiến độ theo hợp đồng đã ký, UBND tỉnh, nhà tài trợ và các ngành liên quan cần tạo điều kiện cho phép điều chỉnh quy mô xây dựng dự án phù hợp với thực tế hiện nay.

Đặc biệt, để bảo đảm thời gian thực hiện dự án và công tác giải ngân nguồn vốn vay cho gói thầu số 7 theo hợp đồng đã ký, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và các bộ, ngành liên quan nên xem xét gia hạn thời gian hiệu lực của hiệp định vay vốn đến hết ngày 31-12-2017 để có cở sở thực hiện do dự án bị chậm trễ so với tiến độ ban đầu.

Bên cạnh mục tiêu cung cấp điện năng ổn định cho các hộ gia đình và đơn vị dịch vụ công như: UBND xã, đồn biên phòng, trường học, trạm xá, trạm kiểm lâm tại vùng núi và rẻo cao dọc trên 170 km biên giới Việt-Lào, dự án nhằm nâng cao đời sống kinh tế, xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh biên giới quốc gia, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực vào môi trường trong vùng sinh thái Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng.

P.V