.

Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại ở Quảng Tiên

Thứ Bảy, 25/07/2015, 16:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương nên đến nay xã Quảng Tiên đã trở thành địa phương điển hình trong phát triển kinh tế trang trại của thị xã Ba Đồn. Không những đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân, việc hình thành các mô hình trang trại còn được xem là nhân tố quyết định thúc đẩy phát triển sản xuất và chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

Quảng Tiên có nền nông nghiệp chủ yếu là độc canh cây lúa. Do địa bàn nằm cuối nguồn nước Rào Nan, nước tưới thường đến chậm làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các loại cây trồng, dẫn đến tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản còn nhỏ lẻ và chưa theo chuỗi giá trị, sản phẩm của bà con nông dân làm ra thường bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế chưa cao, tỷ trọng chăn nuôi chiếm tỷ lệ còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.

Xác định được tình hình thực tế của địa phương, chính quyền xã Quảng Tiên đã có những định hướng đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp, tập trung chỉ đạo bà con nông dân tăng cường học hỏi để áp dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mở rộng ngành nghề trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về đất đai và nguồn lực tại chỗ để phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Theo đó, phát triển kinh tế theo mô hình trang trại được xã xác định là mục tiêu trọng tâm.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng tại trang trại của ông Phạm Văn Lập, xã Quảng Tiên.
Mô hình chăn nuôi lợn rừng tại trang trại của ông Phạm Văn Lập, xã Quảng Tiên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên cho biết thêm: Trên cơ sở định hướng về phát triển mô hình kinh tế trang trại, xã đã tăng cường công tác vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân chuyển đổi những diện tích đất trồng cây kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế trang trại và gia trại. Đối với những trang trại, gia trại chăn nuôi hiện có, xã vận động các hộ dân đầu tư nguồn giống nhằm nâng cao chất lượng, số lượng đàn gia súc, gia cầm; đồng thời đầu tư nuôi những vật nuôi có giá trị kinh tế cao như lợn rừng và tiến tới xây dựng thương hiệu "gà đồi" của địa phương.

Đến nay, toàn xã đã có 5 trang trại đạt tiêu chí và khoảng 30 gia trại với mô hình phát triển chăn nuôi và nuôi trồng tổng hợp, tăng 4 trang trại và 12 gia trại so với năm 2013. Phần lớn các trang trại đều đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp: trâu, bò, gà, lợn rừng, dê và trồng tiêu, bạch đàn, cỏ nuôi bò với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Điển hình là trang trại của ông Phạm Văn Lập, thôn Tiên Phong, có mức thu nhập bình quân từ 500 đến 700 triệu đồng/năm; các trang trại tổng hợp của ông Đoàn Ngọc Lĩnh, ông Nguyễn Thái Hùng, ông Phạm Văn Khoa, ông Phạm Bá Lương có mức thu nhập bình quân từ 200 - 350 triệu đồng/năm. Về gia trại, các hộ dân chủ yếu chăn nuôi gà, vịt với mức thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/năm.

Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã đang phát triển ổn định với tỷ lệ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. Đàn trâu và bò hiện có 720 con, đàn lợn 1.950 con, đàn dê trên 400 con và đàn gia cầm trên 18.500 con. Đến nay, số hộ dân được tập huấn và áp dụng có hiệu quả quy trình nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao và trồng các loại giống mới hàng năm chiếm 87% tổng số hộ dân trên địa bàn xã.

Xã Quảng Tiên đang phấn đấu đến năm 2020 có thêm 2 đến 3 trang trại đạt tiêu chí, nâng tỷ lệ con giống mới và chất lượng đưa vào sản xuất đạt 70%, duy trì tổng đàn trâu và bò đạt 1.800-2.000 con, đàn lợn 6.000 - 6.500 con, đàn dê 1.000-1.200 con, đàn gia cầm 50.000-54.000 con. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, xã tiếp tục vận động nhân dân mạnh dạn chọn các loại giống tốt, có chất lượng cao vào chăn nuôi như: bò brahman và charolais, bò lai sind, lợn siêu nạc và gà ri lai thả đồi... để tăng số lượng và chất lượng tổng đàn.

Cùng với việc hỗ trợ bà con nông dân trong công tác phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm bảo đảm theo mùa, chú trọng nguồn thức ăn vào mùa đông, xã sẽ động viên nhân dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển các gia trại và trang trại chăn nuôi với số lượng lớn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và chăn nuôi hàng hóa trên địa bàn, hỗ trợ cho kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển một cách bền vững.

P.V