.

Du lịch cộng đồng dưới góc nhìn liên kết!

Thứ Bảy, 25/07/2015, 16:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu cách đây một vài năm, khái niệm “du lịch cộng đồng” với các thuật ngữ như “homestay”, “farmstay” còn rất lạ lẫm với bà con vùng di sản như Sơn Trạch, Hưng Trạch, Tân Hóa…, thì nay hình thức làm du lịch này đã bắt đầu trở nên quen thuộc, khẳng định thế mạnh của mình trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Điều đáng mừng là không chỉ có các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn bỏ vốn vào du lịch cộng đồng, không ít người dân cũng đã mạnh dạn thử nghiệm và bước đầu mang đến những thành công nhất định. Tuy nhiên, về lâu về dài, để đủ sức bơi trong biển lớn, tính liên kết vẫn đóng vai trò then chốt trong phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh ta.

Đến Hồ Khanh’s Homestay vào đúng ngày anh đang tất bật xây dựng lại khu nhà gỗ ba gian ngay sát bờ sông Son. Homestay này được gia đình anh đưa vào sử dụng vào cuối tháng 8 năm 2013 sau một thời gian dài tự mày mò, nghiên cứu và tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm. Ban đầu homestay chỉ có một ngôi nhà gỗ nhỏ 3 gian nằm sát bờ sông Son, một khu vệ sinh khép kín và quán cà phê.

Các homestay, farmstay là nơi dừng chân hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế khi đến Quảng Bình.
Các homestay, farmstay là nơi dừng chân hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế khi đến Quảng Bình.

Sau hơn 2 năm, cảm thấy căn nhà này chưa thực sự phù hợp, khi không có nhà vệ sinh khép kín, anh quyết định xây thêm 3 ngôi nhà bungalow khác với nhà vệ sinh riêng biệt, hiện đại. Bên cạnh đó, anh xây thêm một tầng trệt làm quán cà phê và đưa căn nhà gỗ 3 gian lên tầng trên, mỗi gian anh mạnh dạn đầu tư thêm một nhà vệ sinh khép kín.

Hồ Khanh chia sẻ, lúc mới làm, gia đình anh chưa có kinh nghiệm, thiếu sự tư vấn chuyên nghiệp, nên xây dựng homestay chưa phù hợp và nay lại tốn thêm khoản đầu tư lại này. Khó khăn lớn nhất của anh chính là vấn đề vốn, mỗi ngôi nhà bungalow đã mất khoảng 350 triệu đồng, lại thêm kinh phí xây từng trệt, kinh phí xây nhà gỗ 3 gian vẫn chưa trả hết…

Bên cạnh nguồn vốn gia đình dành dụm, anh cũng phải vay từ bạn bè, người thân hơn 750 triệu đồng, trong khi, vẫn cần thêm 200 triệu đồng để hoàn thành nốt các công trình. Anh tâm sự, để giải quyết vấn đề vốn, trước khi làm homestay, anh cũng vận động những hộ gia đình xung quanh cùng tham gia với mình, nhưng ai cũng từ chối bởi lo ngại mô hình còn mới, chưa biết sẽ đi đâu về đâu.

Một nỗi lo lắng khác của anh Hồ Khanh còn ở lượng khách đến với homestay, bởi với năng lực của mình, anh chỉ có thể hút khách từ trang điện tử, chưa có khả năng quảng bá, mở rộng hơn thị trường. Chính vì vậy, nếu không có sự liên kết, thì với Hồ Khanh’s Homestay, những khó khăn này sẽ mãi là nỗi trăn trở dài lâu.

Cũng ngay ở Sơn Trạch, một mô hình liên kết các homestay đầu tiên đã được ra đời, đó là Phong Nha Homestay Community (cộng đồng Homestay Phong Nha), gồm 3 homestay: Jungle Boss Homestay, Phong Nha Mountain Homestay và Minh’s Homestay. Sự liên kết tuy mới là những thử nghiệm bước đầu, nhưng phần nào đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Jungle Boss Homestay bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2015 với 3 phòng, mỗi phòng dành cho 2-4 người.

Là người có kinh nghiệm gần 10 năm làm du lịch ở Phong Nha, anh Lê Dũng, chủ nhân của homestay, nhận thức rõ nét thế mạnh, tiềm năng phát triển trong tương lai của du lịch cộng đồng, do đó, anh mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng Jungle Boss Homestay. Đồng thời, anh cũng hiểu rõ chỉ có sự liên kết giữa bản thân các homestay và các dịch vụ du lịch khác, như: vận tải, lữ hành, ăn uống..., thì homestay mới có chỗ đứng bền vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Từ ý tưởng đó, Phong Nha Homestay Community ra đời, đóng vai trò kết nối các homestay trong khu vực. Không chỉ chia sẻ khách, họ còn hỗ trợ, tư vấn cho nhau về các kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức quan trọng, cần thiết trong nghề.

Chẳng hạn, ở Jungle Boss Homestay có một dịch vụ rất hay, vừa mang lại nguồn thu nhập, vừa quảng bá được thế mạnh văn hóa ẩm thực địa phương, đó là “Eat with us” (ăn cùng chúng tôi). Với dịch vụ này, du khách nước ngoài đăng ký ăn cơm cùng gia đình với giá thành rẻ (chỉ khoảng 70.000 đồng/ người/bữa) cùng những món ăn truyền thống của địa phương, giúp du khách có trải nghiệm thú vị nhất. Đây là một kinh nghiệm thú vị để các homestay khác hoàn toàn có thể ứng dụng.

Nhờ đó, sự liên kết mang lại lợi ích cho các bên tham gia, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ của từng homestay, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Một trang web điện tử về cộng đồng du lịch Homestay Phong Nha tại địa chỉ www.phongnhahomestay.com đã thể hiện rõ quyết tâm của sự liên kết này.

Theo anh Lê Dũng, nhiều bà con ở thôn Phong Nha cũng đang rất muốn xây dựng homestay, nhưng để bảo đảm thành công, bà con cần có sự hỗ trợ để đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn, tham khảo học tập kinh nghiệm và tạo điều kiện tối đa trong các thủ tục, giấy tờ liên quan. Ngoài ra, không nên làm homestay ồ ạt, thiếu kiểm soát, mà chỉ nên ứng dụng một vài mô hình điểm, sau đó đánh giá, xem xét và nhân rộng.

“Eat with us” (ăn cùng chúng tôi) là dịch vụ khá hiệu quả của Jungle Boss Homestay, rất cần nhân rộng, học hỏi kinh nghiệm.
“Eat with us” (ăn cùng chúng tôi) là dịch vụ khá hiệu quả của Jungle Boss Homestay, rất cần nhân rộng, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhận định, tỉnh ta vẫn chưa có một mô hình du lịch cộng đồng theo đúng nghĩa, mà mới chủ yếu các doanh nghiệp đầu tư làm hoặc sự tiếp cận bước đầu của một vài người dân. Du lịch cộng đồng tức là phải có sự tham gia của một cộng đồng dân cư (một nhóm, thôn, bản, làng...), trong đó, tính liên kết giữa các hộ dân được đặt lên hàng đầu, sự phân công vai trò trách nhiệm cũng mang ý nghĩa then chốt, sẽ có những hộ làm lưu trú tại gia, hộ làm hướng dẫn, quảng bá hình ảnh, hộ sẽ cung cấp ẩm thực...

Mặt khác, cần xác định rõ, trong điều kiện bà con còn khó khăn, du lịch cộng đồng phải tận dụng chính cơ sở vật chất của người dân, đồng thời số tiền để tân trang, sửa chữa không quá 15 triệu đồng. Và đặc biệt, nhà vệ sinh đạt chuẩn là yếu tố quyết định thành công của du lịch cộng đồng. Ngoài liên kết với nhau, các hộ gia đình cần phải có sự kết nối với các doanh nghiệp để quảng bá, tuyên truyền, hút khách, giới thiệu các sản phẩm du lịch theo hình thức đôi bên cùng có lợi, cùng nhau chia sẻ lợi ích.

Có như vậy, ngoài ngành nghề chính của mình, người dân khi tham gia làm du lịch cộng đồng sẽ có thêm nguồn thu nhập, nâng cao nhận thức, dân trí, kỹ năng giao tiếp, tăng thêm cơ hội phát triển cho chính bản thân và các thành viên trong gia đình. Đó mới chính là ý nghĩa thực sự của du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Kỳ cho biết, trong mùa du lịch năm 2016, tỉnh ta sẽ nỗ lực xây dựng 3 mô hình mẫu cho nhóm du lịch cộng đồng, trong đó ở Sơn Trạch (Bố Trạch) có 2 nhóm và Tân Hóa (Minh Hóa) có 1 nhóm.

Đồng thời, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng sẽ mở thêm các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân, tổ chức các đoàn khảo sát, thăm quan những mô hình hiệu quả về du lịch cộng đồng trong nước cho bà con địa phương.

Bên cạnh đó, sở sẽ xây dựng kế hoạch đề nghị tỉnh cung cấp nguồn ngân sách hỗ trợ cho người dân trong đào tạo và đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, nhất là về nhà vệ sinh đạt chuẩn. Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch tỉnh nhà, chúng ta vẫn còn thiếu từ 3.000-5.000 phòng, tương đương hơn 20 khách sạn lớn để đáp ứng nhu cầu của khách. Do đó, du lịch cộng đồng đang là hướng đi phù hợp, vừa góp phần giải quyết nhu cầu này, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, tăng tính liên kết trong các hoạt động du lịch.

Mai Nhân