.

Đột phá từ kinh tế biển

Thứ Sáu, 31/07/2015, 09:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Với bờ biển dài 24km, Bố Trạch hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế biển. Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, huyện Bố Trạch đã triển khai thực hiện kịp thời các dự án đầu tư phát triển vùng ven biển và động viên ngư dân vay vốn đóng mới tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ. Nhờ vậy, tình hình kinh tế-xã hội nơi đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất tinh thần ngư dân ngày càng được nâng lên, góp phần không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế chung của huyện.

Ngư dân xã Đức Trạch triển khai đóng mới tàu khai thác vỏ gỗ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngư dân xã Đức Trạch triển khai đóng mới tàu khai thác vỏ gỗ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Bố Trạch có 4 xã phát triển kinh tế biển gồm: Thanh Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch và Nhân Trạch, với 8.718 hộ, 40.024 nhân khẩu. Trên địa bàn huyện có cảng Gianh, với các điều kiện thuận lợi thu hút nhiều phương tiện vận tải và tàu, thuyền đánh bắt hải sản trong và ngoài tỉnh neo đậu, cư trú hoạt động. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi trên, vùng biển của huyện còn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của tỉnh với 3 cửa sông đổ ra biển, ven bờ có nhiều rạn đá ngầm là nơi sinh sống của nhiều loại hải sản quý và hiếm.

Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh vùng biển, huyện Bố Trạch đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá ven biển tại cảng cá sông Gianh, khu neo đậu tránh trú bão ở Bắc Trạch, khu chuyền tải luồng cửa Gianh, các trạm thông tin liên lạc tầm xa giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất; đồng thời lập quy hoạch phân vùng sử dụng đất cát ven biển để triển khai trồng rừng phòng hộ, nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh du lịch, phát triển kinh tế địa phương vùng biển theo hướng bền vững.

Một số dự án cấp bách nhằm bảo đảm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng được triển khai kịp thời trên địa bàn huyện như: nâng cấp, củng cố kè ven biển nhằm chống biển lấn ở các khu vực Nhân Trạch, Hải Trạch; đê kè hữu sông Gianh ở xã Bắc Trạch và xã Hạ Trạch; xây dựng dự án nạo vét cửa sông ven biển ở sông Gianh, sông Dinh, sông Lý Hòa nhằm thông luồng... Đặc biệt, trong đợt thí điểm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, huyện có 5 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu; trong đó xã Đức Trạch có 4 tàu và xã Thanh Trạch có 1 tàu gỗ khai thác.

Đến nay, toàn huyện có 665 tàu đánh cá có động cơ, với tổng công suất 101.111 CV; trong đó có 276 chiếc có công suất 90 CV và 102 chiếc công suất 500 CV trở lên. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn huyện đã đóng mới 14 chiếc tàu có công suất từ 300 CV trở lên và cải hoán 22 chiếc. Trong tổng số tàu, thuyền khai thác hải sản toàn huyện nói trên, có 318 tàu cá được hỗ trợ theo Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ (trong đó xã Đức Trạch có 270 tàu, xã Hải Trạch có 30 tàu và xã Thanh Trạch có 18 tàu).

Nguồn kinh phí hỗ trợ nhiên liệu, máy thông tin liên lạc, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm thuyền viên cho ngư dân trong 6 tháng đầu năm 2015 là 24,1 tỷ đồng, đưa tổng số kinh phí hỗ trợ cho đến thời điểm này là 89,6 tỷ đồng. Về phía UBND huyện, đến nay đã thẩm định được 14 chiếc tàu cá đóng mới có công suất trên 300 CV để hỗ trợ 10 triệu đồng/tàu cá nhằm phục vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Trong số 4 xã biển của huyện Bố Trạch, Đức Trạch là địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển với 65% hộ dân có thu nhập chính từ nghề này. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đức Trạch cho biết: Xác định khai thác hải sản là nghề kinh tế mũi nhọn và với phương châm "Vươn xa, ra khơi bám biển dài ngày, mở rộng ngành nghề và ngư trường khai thác", xã Đức Trạch đã động viên ngư dân vừa sản xuất, vừa tham gia bảo vệ quyền, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đặc biệt, với sự năng động và mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi tàu thuyền, ngư lưới cụ hiện đại, mở rộng ngư trường khai thác của ngư dân, đến nay, toàn xã đã có trên 500 tàu, thuyền đánh bắt hải sản; trong đó hơn 230 tàu, thuyền có công suất máy từ 120 đến 900 CV. Đức Trạch được xem là địa phương tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển thuỷ sản của Nhà nước, đặc biệt là các chính sách theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các chính sách hỗ trợ của tỉnh và của huyện.

Hiện trên địa bàn xã, một số bà con ngư dân đã mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ sắt để đánh bắt và kết hợp thu mua hải sản trên biển. Đây là bước đột phá trong nghề khai thác hải sản của Đức Trạch nói riêng và của huyện Bố Trạch nói chung. Đến nay, tổng giá trị tài sản tàu thuyền trên địa bàn xã ước tính khoảng 500 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến 2014, sản lượng khai thác hải sản bình quân của ngư dân Đức Trạch đạt trên 7.500 tấn/năm, riêng năm 2015 dự ước đạt khoảng 8.600 tấn, trong đó sản lượng hàng xuất khẩu chiếm 70%.

Tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ của huyện Bố Trạch. Ảnh: T.H
Tàu, thuyền đánh bắt hải sản xa bờ của huyện Bố Trạch. Ảnh: T.H

Bên cạnh hoạt động khai thác, chế biển hải sản, một bộ phận người dân trên địa bàn xã Đức Trạch còn mở các cơ sở kinh doanh dầu, đá lạnh, vận tải ô tô và thu mua hàng hải sản xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương. Năm 2015, tổng giá trị thu nhập từ nghề khai thác, chế biến hải sản của Đức Trạch ước đạt 195 tỷ đồng, trong đó bình quân thu nhập đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.

5 năm qua, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Bố Trạch tăng bình quân 2,7 ngàn tấn/năm, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đến nay đạt 1.026 ha/1.000 ha. Kinh tế biển có bước phát triển, năng lực và cơ sở hạ tầng đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản cũng được tăng cường, dịch vụ hầu cần nghề cá ngày càng được mở rộng. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu nâng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt bình quân 26.000-26.500 tấn/năm trong giai đoạn 2015-2020, huyện Bố Trạch tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Theo đó, huyện phát triển mạnh đánh bắt các vùng biển xa, thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách hỗ trợ ngư dân nhằm từng bước hiện đại hoá phương tiện đánh bắt, nâng cao năng lực, hiệu quả đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Bên cạnh phát huy hiệu quả các cơ sở chế biến hiện có, huyện thu hút thêm các cơ sở chế biến mới, bảo vệ tốt môi trường và nguồn lợi thuỷ sản. Hy vọng với sự quyết tâm này, Bố Trạch sẽ tiếp tục tạo thêm bước đột phá trong việc nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân ở khu vực ven biển.

Hiền Chi