.

Bảo đảm chất lượng, ATTP trong bảo quản, khai thác thủy sản

Thứ Hai, 06/07/2015, 09:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta có trên 3.900 tàu cá, trong đó số tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90CV trở lên là 1.148 chiếc, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 53.000 tấn. Đặc biệt, hiện nay ngư dân đang vào vụ cá Nam, là vụ cá chính trong năm nhưng cũng là thời điểm nắng nóng, do vậy nếu không được bảo quản đúng cách thì việc tổn thất 20-30% sản lượng sản phẩm sau khai thác sẽ dẫn đến thiệt hại về kinh tế rất lớn (vào khoảng 1.000 tấn, tương đương 20 tỷ đồng/năm). Vì vậy, việc chú ý đến điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) của tàu cá có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác.

Qua tìm hiểu và trao đổi với nhiều ngư dân trong tỉnh, được biết, quy trình chung cho việc bảo quản sản phẩm sau đánh bắt của tàu khai thác xa bờ là sau khi rửa sạch, để ráo nước, thì sắp xếp vào từng khay và sử dụng đá để bảo quản sản phẩm, chỉ một số ít sản phẩm đánh bắt được ngư dân sử dụng phương thức phơi khô hoặc dùng muối để bảo quản. Kết thúc mỗi chuyến biển, các tàu đều thực hiện tổng vệ sinh bằng nước biển.

Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế của các đội tàu tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, hầu hết tàu khai thác xa bờ hiện nay đều đóng bằng vỏ gỗ và vật liệu cách nhiệt của hầm bảo quản các tàu chủ yếu là làm từ xốp ghép, chiếm trên 95% số lượng tàu, chỉ có một số ít tàu thuyền sử dụng compozit để trát lớp xử lý hầm bảo quản. Vì vậy, để thực hiện yêu cầu boong, hầm cá phải kín, sạch sẽ, hợp vệ sinh, không có khả năng nhiễm vi sinh; hầm muối cá phải bảo đảm kín, cách nhiệt tốt... là điều rất khó khăn đối với mỗi chủ tàu.

Thu mua thủy sản tại Cảng cá Sông Gianh.
Thu mua thủy sản tại Cảng cá Sông Gianh.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) chia sẻ, mặc dù người dân đã nhận thấy tính ưu việt của việc sử dụng compozit để làm hầm bảo quản sẽ hạn chế sự đọng nước và nhiễm khuẩn cho sản phẩm khai thác, nhưng do giá thành cao nên các chủ tàu chưa đủ khả năng đầu tư. Do đó, hiện vẫn có tình trạng các tàu cá có chất lượng hầm bảo quản thấp nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm ngay trong quá trình khai thác.

Mặt khác, nhiều ngư dân tham gia đánh bắt xa bờ cũng đã nhận thức được vấn đề, trong điều kiện hầm bảo quản tốt thì thời gian bảo quản sản phẩm tối đa dưới 10 ngày phải vận chuyển nguyên liệu về cảng để tiêu thụ sản phẩm bởi nhiệt độ và thời gian bảo quản sản phẩm là hai yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thủy sản.

Tuy nhiên, thực tế việc bảo quản sản phẩm đánh bắt chủ yếu được các tàu sử dụng đá lạnh, nhưng trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, để duy trì được nhiệt độ bảo quản dưới 4oC theo quy định thì các tàu phải tốn khá nhiều chi phí vận chuyển đá lạnh, hoặc phải về bờ sớm hơn. Vì vậy, nhiều tàu cá đã vì lợi ích trước mắt mà không chú ý bảo đảm đủ lượng đá bảo quản, kéo dài thời gian đi biển (có khi trên 10-12 ngày) dẫn đến chất lượng thủy sản bị giảm sút nghiêm trọng.

Một trong những yếu tố quan trọng và liên quan trực tiếp đến bảo đảm ATTP tàu cá là dụng cụ chứa đựng sản phẩm sau đánh bắt. Chị Phan Thị Thanh Nhàn, phụ trách cơ sở thu mua thủy sản xuất khẩu tại Cảng Nhật Lệ cho biết, hầu hết dụng cụ chứa đựng và bảo quản thủy sản trên các tàu khai thác xa bờ hiện nay đều sử dụng khay nhựa và túi ni lông. Trong đó, khay nhựa được sử dụng phần nhiều để bảo quản các đối tượng khai thác có giá trị kinh tế cao, các đối tượng có giá trị kinh tế thấp chủ yếu được bao bọc bởi túi ni lông.

Với thực trạng tàu cá tỉnh ta đa phần có kích thước nhỏ thường không có các điều kiện tốt để bảo quản sản phẩm sau khai thác. Cùng với đó, một số tàu khai thác thủy sản xa bờ vẫn có thời gian hoạt động kéo dài và trong điều kiện bảo quản sản phẩm chưa bảo đảm đã làm giảm chất lượng sản phẩm sau khai thác.

Theo ông Mai Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, để bảo đảm ATTP thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch góp phần tăng hiệu quả của từng chuyến biển cho bà con ngư dân thì các tàu đánh bắt xa bờ hiện nay đòi hỏi cần phải có đầu tư để cải thiện thiết bị, quy trình công nghệ bảo quản hoặc phải có các tàu dịch vụ để vận chuyển, cung ứng vật tư, nhiên liệu cũng như vận chuyển sản phẩm vào đất liền, nhằm giúp ngư dân tăng thời gian bám biển và rút ngắn thời gian lưu giữ sản phẩm trên tàu.

Chính vì vậy, các địa phương cần có chính sách khuyến khích các ngư dân đánh bắt vùng biển xa, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường đầu tư sử dụng vật liệu compozit, khay nhựa để bảo quản sản phẩm. Khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp đóng mới các tàu dịch vụ có đầy đủ điều kiện bảo quản bảo đảm chất lượng, ATTP thủy sản sau khai thác.

Tuyết Minh
(Chi cục QLCL nông, lâm sản và thủy sản)

Một số chú ý về bảo quản thủy sản trên tàu cá

1. Điều kiện chung ATTP trên tàu cá

- Sàn tàu phải phẳng, kín, không trơn trượt, dễ làm vệ sinh, khử trùng và bảo đảm thoát nước. Các dụng cụ chứa đựng, vận chuyển cá phải sạch sẽ, hợp vệ sinh, không có khả năng lây nhiễm vi sinh vật, được vệ sinh sạch sẽ.

- Hầm bảo quản cá phải bảo đảm kín, không gỉ, không độc, cách nhiệt tốt, duy trì tốt nhiệt độ bảo quản thủy sản luôn ở nhiệt độ dưới 4oC. Phải vệ sinh sạch sẽ hầm bảo quản sau mỗi chuyến biển nhằm tránh lây nhiễm vi sinh vật vào sản phẩm trong quá trình bảo quản.

- Chủ tàu cá và các thuyền viên trên tàu phải có kiến thức về ATTP, được khám sức khỏe định kỳ và trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định.

- Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên phải được chứng nhận đủ điều kiện ATTP; thực hiện việc ghi nhật ký khai thác và hồ sơ theo dõi xử lý, chế biến trên tàu.

2. Bảo quản, vận chuyển và bốc dỡ thuỷ sản

- Ngay sau khi đưa lên sàn tàu, thuỷ sản phải nhanh chóng được phân loại, làm sạch và bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật, hạn chế tối đa thời gian thủy sản tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chuyển xuống hầm bảo quản nhanh chóng. Bảo quản thủy sản phải dựa trên nguyên tắc: NHANH - SẠCH - LẠNH.

- Dụng cụ chứa đựng thuỷ sản phải được kê xếp sao cho thuỷ sản không bị dập nát trong quá trình bảo quản, vận chuyển và bốc dỡ.

- Tuyệt đối không sử dụng hóa chất cấm để bảo quản thủy sản.

3. Nước rửa và nước đá

- Nước sử dụng để rửa thuỷ sản hoặc rửa các bề mặt của thiết bị, dụng cụ tiếp xúc với thuỷ sản phải là nước sạch. Không được dùng nước biển ở cảng cho mục đích này.

- Nước đá phải được sản xuất từ nước sạch, được bảo quản, vận chuyển, xay nghiền trong điều kiện hợp vệ sinh.