.

Thị xã Ba Đồn: Nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN và NNNT

Thứ Ba, 23/06/2015, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu như năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn thị xã Ba Đồn đạt trên 736 tỷ đồng thì đến năm 2015 ước đạt 1.080 tỷ đồng, tăng 46,7% (bình quân tăng 8%/năm). Có được kết quả này là nhờ thị xã đã huy động nhiều nguồn lực và thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân yên tâm phát triển sản xuất.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015, thị xã đã tích cực kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất CN-TTCN và NNNT trên địa bàn và đến nay đã đạt được kết quả bước đầu. Một số dự án sản xuất TTCN hiện đang đi vào sản xuất ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao như: dây đai nẹp nhựa (phường Quảng Thuận), mộc dân dụng và mỹ nghệ (xã Quảng Lộc và xã Quảng Hòa), mô hình sản xuất hương (phường Quảng Thọ)... Nghề mây xiên xuất khẩu được du nhập vào xã Quảng Văn từ năm 2011 và đến nay đang được HTX mây xiên La Hà sản xuất có hiệu quả, giải quyết được nhiều việc làm lúc nông nhàn cho bà con nông dân.

Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng cao của bà con nông dân, trên địa bàn thị xã đã xuất hiện một số nghề mới như: cơ khí nông nghiệp, cơ khí phụ trợ nông nghiệp và các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp khác.

Các sản phẩm cơ khí và rèn đúc truyền thống tại xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn.
Các sản phẩm cơ khí và rèn đúc truyền thống tại xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn.

Bằng các giải pháp như lựa chọn các đơn vị sản xuất tiêu biểu đề xuất Sở Công thương xét hỗ trợ vốn khuyến công sau đầu tư, xét công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống nhằm thúc đẩy sản xuất, phát huy các lĩnh vực ngành nghề hiện có, thị xã đã quan tâm thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển NNNT như xét công nhận nghề nông thôn, nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống.

Nhờ vậy, các cơ sở sản xuất TTCN và NNNT, các làng nghề và làng nghề truyền thống được tiếp tục duy trì, khôi phục và phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đưa tốc độ tăng trưởng của khu vực ngành CN-TTCN ngoài quốc doanh luôn đạt ở mức khá và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương.

Đến nay, trên địa bàn thị xã có khoảng 5.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh TTCN và NNNT (tăng hơn 16% so với cuối năm 2010), thu hút gần 11.400 lao động nông thôn. Bên cạnh những ngành nghề sản xuất, kinh doanh TTCN như: khai thác vật liệu xây dựng, mộc dân dụng, quần áo may sẵn, chế biến thuỷ hải sản, làm bún, bánh các loại... thị xã có 4 làng nghề truyền thống gồm: làng nghề nón lá truyền thống Hạ Thôn (xã Quảng Tân), làng nghề nón lá truyền thống Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận), làng nghề nón lá truyền thống Vân Lôi (xã Quảng Hải), làng nghề tre đan truyền thống Thọ Đơn (phường Quảng Thọ); 2 làng nghề: làng nghề cơ khí rèn đúc Nhân Hòa (xã Quảng Hòa) và làng nghề sản xuất mây La Hà (xã Quảng Văn); 2 cụm ngành nghề nông thôn và 1 điểm ngành nghề nông thôn.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển CN-TTCN và NNNT trên địa bàn trong thời gian tới, thị xã Ba Đồn đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án mới đi vào hoạt động. Bên cạnh việc tập trung khôi phục, duy trì và phát huy hiệu quả các làng nghề và làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận, thị xã sẽ thực hiện rà soát các cụm điểm làng nghề TTCN và NNNT đã được đưa vào quy hoạch để triển khai lựa chọn đơn vị lập quy hoạch chi tiết và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Hiện tại, thị xã đang phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và các HTX mây tre đào tạo và mở rộng sản xuất nghề mây xiên xuất khẩu; đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực về con người, công tác quản lý và có cơ chế chính sách để khuyến khích các cơ sở sản xuất TTCN và NNNT mạnh dạn đầu tư vốn vào phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và tiến tới mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiền Chi