.

Thị xã Ba Đồn: Đột phá từ Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội

Thứ Sáu, 26/06/2015, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội là 1 trong 5 chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm của thị xã Ba Đồn giai đoạn 2011-2015. Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của chương trình, thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát và huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, Mặt trận và toàn thể nhân dân.

Xác định giao thông là huyết mạch cho sự phát triển, thị xã đã chú trọng đầu tư các tuyến xung yếu. Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông trên địa bàn là 1.060 tỷ đồng, với trên 100 công trình giao thông được thi công, 80 tuyến đường và 20 cầu cống các loại.

Đến nay, toàn thị xã có 173,6 km đường giao thông được bê tông hóa và láng nhựa (tăng 66% so với năm 2010) và 25,9 km đường cấp phối (tăng 9,8 km). Hệ thống giao thông nông thôn tại các địa phương được tập trung đầu tư nâng cấp, đây là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hệ thống đường giao thông nông thôn tại các địa phương đã được bê tông hoá, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã được mở rộng và xây dựng bằng đường cấp phối, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, bảo đảm cho 16/16 xã, phường có đường ô tô về tận trung tâm xã. Hệ thống thuỷ lợi tại các địa phương cũng được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng nước sạch cho nhân dân.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp, nạo vét và mở rộng các hồ đập thuỷ lợi như: hồ Khe Zột, hồ Thông Thống, hồ Mũi Rồng, thị xã còn nâng cấp hàng chục hồ đập nhỏ và trạm bơm điện nhằm bảo đảm diện tích tưới tiêu nhất định và tạo được nguồn nước tưới chủ động cho một số thôn, xóm của tại các địa phương. Ngoài ra, hệ thống đê kè ven sông, ven biển cũng được gia cố, nâng cấp nhằm chống sạt lở, xói mòn...

Đến nay, thị xã có tổng chiều dài hệ thống kênh mương nội đồng là 226 km, trong đó có 141km đã được bê tông hoá. Đặc biệt, sau khi chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho các xã theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thị xã đã tập trung ưu tiên đầu tư cho mục tiêu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng các công trình trọng điểm như: hệ thống điện sáng, trụ sở làm việc của các xã, phường, cơ quan, đơn vị và hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn, khu phố. 

Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường Quảng Phong đã được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn phường Quảng Phong đã được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong 5 năm qua, thị xã Ba Đồn đã huy động được trên 320 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và khu dân cư; trong đó nguồn vốn các dự án quốc tế, nguồn ngân sách Trung ương và tỉnh trên 239,4 tỷ đồng (chiếm gần 74,8%), ngân sách thị xã trên 56,3 tỷ đồng (chiếm 17,6%), nguồn vốn xã, phường và nhân dân đóng góp 24,3 tỷ đồng (chiếm 7,6%). Chương trình 135 và 138 tại các xã đặc biệt khó khăn, các xã cồn bãi đã thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế-xã hội và tạo ra sự đồng đều giữa các vùng.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn thị xã ngày càng được mở rộng và phát triển đa dạng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, các tổ chức cá nhân và doanh nghiệp. Ngoài hệ thống dịch vụ thông thường, hệ thống dịch vụ ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, hệ thống chợ... cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đến nay, trên địa bàn thị xã có 16 chợ; trong đó có 2 phường có 2 chợ đó là Ba Đồn và Quảng Phúc, 2 xã chưa có chợ là Quảng Lộc và Quảng Long. Cơ sở hạ tầng của các chợ trên địa bàn thị xã dần được đổi mới và mở rộng, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi hàng hoá trong nội bộ dân cư. Các siêu thị: Thái Hậu, điện máy Dũng Loan, Hùng Hồng cũng đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng trên địa bàn thị xã.

Nhờ sự hỗ trợ đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên, nguồn vốn đóng góp của nhân dân nên hệ thống trường học các cấp trên địa bàn thị xã đã được cao tầng hoá, các trang thiết bị và cơ sở vật chất, kỹ thuật dạy và học được tăng cường.

Đến năm 2015, toàn thị xã có 35 trường học đạt chuẩn quốc gia; trong đó mẫu giáo và mầm non có 6 trường, tiểu học 21 trường, trung học cơ sở 6 trường và THPT 2 trường. Lĩnh vực y tế trên địa bàn thị xã tiếp tục được củng cố và ngày càng phát triển. Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, Trung tâm y tế thị xã, các trạm y tế xã, phường được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị máy móc, phương tiện kỹ thuật khám chữa bệnh.

Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực y tế trên địa bàn, ngành Y tế đã phối hợp với các cấp, chính quyền địa phương huy động nguồn lực để đầu tư nâng cấp và xây dựng các trạm y tế xã, phường có nhà bị dột nát và xuống cấp; đồng thời mua sắm thêm trang thiết bị máy móc cho các trạm y tế nhằm phát huy hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Nhờ vậy, đến năm 2015, toàn thị xã có 11 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Luận, Phó Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn đã thẳng thắn nêu ra những tồn tại và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn thị xã thời gian qua.

Cụ thể như hệ thống kết cấu hạ tầng tuy đã có sự đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển đô thị; những vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án, nhất là dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1 còn kéo dài. Vì chưa có cơ chế chính sách cụ thể trong đầu tư xây dựng hạ tầng nên việc đầu tư còn dàn trải, manh mún, chưa đồng bộ và chưa phát huy hết hiệu quả đầu tư.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các ngành còn hạn chế, nhiều tuyến đường giao thông có chất lượng chưa cao, chưa có những tuyến trọng điểm, ứng cứu khi thiên tai, lụt bão xảy ra; nhiều tuyến đường có khẩu độ còn hẹp không bảo đảm lưu lượng giao thông, hệ thống giao thông tại một số thôn, xóm chưa được đầu tư, còn lầy lội trong mùa mưa lũ.

Về hệ thống thuỷ lợi, chưa có sự đầu tư đồng bộ giữa hồ đập, trạm bơm với kênh dẫn nên khi tưới còn lãng phí nước, việc cung cấp nước chỉ mới chú trọng đầu tư cho cây lúa, còn các loại cây trồng khác và lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản chưa được chú ý. Hiện tại, hệ thống hồ đập, cống tưới tiêu bị xuống cấp và tỷ lệ km kênh mương chưa kiên cố hóa trên địa bàn vẫn còn nhiều...

Hiền Chi