.

Làm giàu trên cát

Thứ Sáu, 05/06/2015, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong phong trào phụ nữ thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, chị Trần Thị Quyết ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam, là tấm gương điển hình. Dù bản thân chị không được học đến nơi đến chốn, nhưng với bản tính ham học hỏi, cần cù chịu khó, chị đã cùng với gia đình bươn chải đi lên từ nghèo khó.

Những năm đầu lập gia đình, cuộc sống gia đình chị Quyết hết sức khó khăn, vợ chồng chị không có vốn làm ăn, chỉ kiên trì bám vào nghề đi biển và chăn nuôi để kiếm sống qua ngày. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, khó khăn trăm bề, có những lúc vợ chồng chị muốn bỏ quê hương đi làm ăn xa, nhưng chị lại suy nghĩ mình phải cố gắng phấn đấu nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình.

Năm 1999, được cán bộ xã tuyên truyền chủ trương của Nhà nước về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm kinh tế trang trại, chị bàn với chồng vay vốn dự án NaPa để mua cá của các ngư dân đi biển về bán lại. Công việc này giúp chị có thêm thu nhập, lo cho con học hành và cải thiện bữa ăn, nhưng chưa có tiền tích lũy.

Đến năm 2001, được tham gia các lớp tập huấn nuôi cá nước ngọt, chị mạnh dạn vay mượn thêm số vốn 5 triệu đồng, cùng với số tiền của gia đình và vay mượn thêm người thân, chị đầu tư một hồ nuôi cá nước ngọt và mô hình chăn nuôi lợn trên cát. Bên cạnh đó, chị Quyết đầu tư 100 triệu đồng tạo dựng cơ sở chế biến nước mắm và ruốc theo quy trình an toàn.

Hiện nay, cơ sở của chị đã tạo việc làm cho 8-10 lao động theo mùa vụ với mức thu nhập  2- 3 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí cơ sở nước mắm cho thu nhập 50 triệu đồng/ năm. Các sản phẩm làm ra được bán trên địa bàn trong huyện và ra các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Ngoài ra, gia đình chị còn nuôi cá nước ngọt trên cát và trồng thêm rừng với diện tích 3 ha để vừa chắn cát, vừa tăng thu nhập. Đến nay, tổng giá trị thu nhập của gia đình chị đạt 200-300 triệu đồng/ năm, chị Quyết được tôn vinh với Giải thưởng  “Nữ doanh nhân tài chính vi mô phát triển bền vững năm 2014” do Citi Bank phối hợp với nhóm công tác Tài chính vi mô Việt Nam tổ chức.

Chị Trần Thị Quyết chia sẻ: “Nhận thấy thế mạnh của địa phương, chị đã bàn với gia đình làm cơ sở chế biến nước mắm, ruốc. Bên cạnh đó, chị còn chăn nuôi lợn, trồng rừng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho chị em...”

Hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế xóa hộ nghèo, hiện nay, đảng bộ, chính quyền xã Ngư Thủy Nam đang khuyến khích việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mô hình làm ăn phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả. Chính vì vậy, đến thời điểm này, nhiều chị em phụ nữ trong xã đã biết tranh thủ nguồn vốn vay của Nhà nước, tích cực học tập, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, nhân rộng các mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng có hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình, góp phần đưa các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội của xã năm sau cao hơn năm trước.

Chị Nguyễn Thị Thảnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Thủy Nam cho biết: “Ngư Thủy Nam là xã biển bãi ngang của huyện Lệ Thủy phát triển kinh tế dựa vào lực lượng lao động nam, lao động nữ thiếu việc làm, đời sống của chị em còn gặp nhiều khó khăn. Xuất phát từ những khó khăn đó, chị Trần Thị Quyết đã mạnh dạn mở mô hình kinh tế trang trại. Từ mô hình này, chúng tôi tuyên truyền vận động để chị em phát huy thế mạnh của địa phương, nhằm nâng cao thu nhâp cho chị em vùng biển bãi ngang, vươn lên thoát nghèo bền vững...”

Không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, biết lao động sáng tạo, những phụ nữ tiểu biểu của xã Ngư Thủy Nam mà điển hình là chị Trần Thị Quyết đã phát huy vai trò của phụ nữ vươn lên làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình và cho quê hương.

Hồng Mến
(Đài TT-TH Lệ Thủy)