.

"Khát" giữa hai sông!

Thứ Ba, 30/06/2015, 10:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm giữa  hai bên “sông sâu, nước lớn” là sông Đại Giang và sông Nhật Lệ, tuy nhiên người dân ở thôn Long Đại, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) lại đang ở trong tình thế “khát” nước bởi nắng hạn kéo dài...

Thôn Long Đại nằm lọt thỏm ở eo thắt của sông Đại Giang, phía đông của tọa độ lửa phà Long Đại thời chống Mỹ. Phía đông  của thôn là khúc sông đầu tiên của dòng sông Nhật Lệ, tuy chỉ nằm cách trung tâm xã chừng 2km theo đường chim bay, nhưng bị các dòng sông ngăn cách, nên người dân muốn đến trung tâm xã  phải đi vòng hơn 7km. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về trắng cả vùng, tuy nhiên đến mùa hè nguồn nước ở đây luôn bị nhiễm mặn nên không thể dùng cho sinh hoạt được.

Ông Trần Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm HTX Long Đại cho biết: Nắng hơn 40 độ diễn ra hơn cả tháng qua đã dẫn đến việc hạn hạn ở địa phương khiến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân rơi vào cảnh hết sức điêu đứng. Thôn Long Đại hiện có 550 hộ dân với 2.300 nhân khẩu; 150 ha đất tự nhiên.

Thiếu nước sản xuất, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thôn Long Đại đành để hoang.
Thiếu nước sản xuất, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thôn Long Đại đành để hoang.

Lúc đầu HTX chủ trương trồng 15 ha dưa, mướp đắng (những giống cây chịu hạn) ngoài cánh đồng sau thu hoạch lúa đông-xuân, nhưng rồi nắng hạn đã thiêu cháy trụi 15 ha cây trồng này. Ngay như đến các cây trồng trồng trong vườn nhà dân cũng chết cháy vì thiếu nước, vì vậy việc trồng trọt các loại cây không thể thực hiện được và hiện toàn bộ diện tích đất sản xuất ở thôn đành bỏ hoang.

Trong tâm trạng hết sức lo lắng trước tình hình nắng hạn kéo dài, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh cho biết: Hiện, cả làng Long Đại đang thiếu nước trầm trọng, nhất là nước sinh hoạt. Mặc dù toàn thôn Long Đại hiện có hơn 500 giếng nước, song 50% trong số giống này đã kiệt hẳn hoàn toàn nguồn nước, số còn lại nguồn nước cũng chỉ đủ phục vụ cầm chừng ưu tiên cho sinh hoạt của các hộ gia đình.

Nguồn nước uống duy nhất của cả thôn hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào 3 chuyến xe/ngày của các doanh nghiệp chở nước đóng thùng về bán cho bà con. Mỗi thùng nước khoảng 15 lít có giá bán giao động từ 12.000 đồng đến 15.000 đồng. Vấn đề hết sức nan giải hiện nay ở Long Đại là nước uống cho đàn gia súc. Ông Trần Đức Tố, Bí thư Đảng ủy bộ phận thôn Long Đại cho biết thêm: Thôn có 3 hộ mới khoan được giếng sâu hơn 40m hiện còn sử dụng được, còn các giếng từ 20-30m hầu hết là không có nước.

Tại xóm 1, nơi đã nhiều ngày thiếu nước trầm trọng nhất của thôn Long Đại, ông Nguyễn Văn Lưỡng trong tâm trạng buồn rầu cho hay: "Chú coi, giếng nhà tui 10 ngày ni cứ chắt chắt, lọc lọc mà chỉ đủ rửa mặt, nấu cơm, còn nước uống thì phải đi mua. Cây cối trong vườn hầu như đều chết cháy hết rồi. Tội nhất vẫn là đàn trâu, bò nắng nóng ri mà mỗi ngày chỉ được uống được vài lít nước cầm hơi cho đỡ khát, nhìn mà thương...”.

Liên quan đến vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất đang diễn ra trên địa bàn thôn Long Đại ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh đã trực tiếp đi kiểm tra và cho biết: Trên địa bàn có hồ chứa nước Hóc Tré với trữ lượng hơn 1 triệu m3 nước, được đầu xây dựng từ năm 1990. Mặc dù trữ lượng như vậy, nhưng năm nay chỉ tưới được cho 97ha lúa đông-xuân với chừng 6 nghìn m3 nước; lượng nước còn lại không thể dẫn về được bởi do thiết kế miệng cống dẫn nước quá cao. Huyện đã chỉ đạo phương án dùng bơm hút nước còn lại trong hồ đưa về  phục vụ cho nhu cầu  sinh hoạt cấp bách của người dân ở thôn Long Đại.

Hy vọng rằng, với chỉ đạo kịp thời nói trên của huyện Quảng Ninh sẽ giúp cho 2.300 người dân ở thôn Long Đại, trong đó gồm có 1.000 người già và trẻ em hạ được cơn khát về nước sinh hoạt trong bối cảnh hiện tại. Qua đợt này, người dân hy vọng trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần có biện pháp dài hơi, mang tính bền vững để giúp cho người dân nơi đây sau này không phải rơi vào tình trạng khát nước sinh hoạt như vừa qua.

Nhóm P.V