.

Đổi mới phương thức sản xuất: Bước tiến dài cho nông nghiệp hiện đại

Thứ Tư, 08/04/2015, 08:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Anh Nguyễn Giang Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Ninh, (huyện Quảng Ninh) phấn khởi đi thăm đồng khi chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa vụ đông-xuân sẽ được thu hoạch. Nhìn cây lúa lên đồng chắc khỏe, cứng cáp, hứa hẹn vụ mùa bội thu, anh hồ hởi chia sẻ, kết quả này là nhờ việc áp dụng phân nhả chậm theo mô hình thử nghiệm của Hội Nông dân tỉnh.

Phân bón nhả chậm đang là hướng đi mới hứa hẹn thành công, tiến tới thay đổi phương thức bón phân truyền thống ở tỉnh ta.
Phân bón nhả chậm đang là hướng đi mới hứa hẹn thành công, tiến tới thay đổi phương thức bón phân truyền thống ở tỉnh ta.

Phân nhả chậm có ưu điểm là giảm bớt số ngày công lao động cho bà con khi chỉ cần bón phân một lần/một vụ sau khi làm đất xong. Trong khi, bình thường vào mỗi vụ, nông dân bón phân ít nhất 3 lần, bao gồm: phân đạm, lân, kali, phân chuồng...

Thêm nữa, theo anh Nam phân tích, với phân nhả chậm, cây lúa chắc, thân, lá cứng, do đó, nếu gặp mưa lớn cây lúa khó bị đổ và nhất là giảm hẳn tình trạng sâu cuốn lá hay gặp ở vụ đông-xuân. Ngoài ra, với đặc điểm được bón sau khi làm đất, nước còn xâm xấp mặt ruộng, cho nên phân nhả chậm có thể thấm sâu hơn vào đất, tăng hiệu quả tác động. Điểm khác của phân nhả chậm so với phân bón thông thường là trong khoảng từ 15 đến 20 ngày đầu sau gieo hạt, sinh trưởng của lúa chậm hơn, nhưng chỉ sau mốc thời điểm đó, cây lúa sinh trưởng nhanh, mạnh.

Anh Đỗ Minh Cừ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh cho biết, hiện tại, huyện có 4 hộ gia đình ở thị trấn Quán Hàu, xã Hàm Ninh, và Gia Ninh đang thử nghiệm phân nhả chậm trong vụ đông-xuân với diện tích 4 sào/hộ. Qua kiểm tra cho thấy cây lúa đều có chất lượng tốt, kỳ vọng sẽ mang lại năng suất cao cho bà con nông dân. Tin vui là tâm lý của bà con khi thấy thử nghiệm phương thức bón phân mới đều rất hứng khởi, mong chờ đăng ký để được áp dụng.

Vì vậy, trong thời gian tới, sau khi có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể về hiệu quả phân bón nhả chậm đối với chất ruộng, cây lúa địa phương, bà con mong có sự hỗ trợ về giá cả phân bón để mạnh dạn áp dụng nhân rộng phương thức sản xuất mới mẻ này.

Năm 2014, xã Hàm Ninh đăng ký mua 4 máy gieo hàng sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, bà con nông dân có thói quen gieo hạt với số lượng lớn từ 5-7kg giống/sào. Với máy gieo hàng, số lượng giống giảm xuống còn 3kg/sào, mật độ gieo bảo đảm yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn SRI. Ngoài gieo hạt lúa, bà con có thể áp dụng máy để gieo đậu xanh. Theo anh Nguyễn Giang Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Ninh, máy gieo hàng rất phù hợp với vụ hè-thu bởi thời tiết đẹp, hạt giống có khoảng cách vừa phải, dễ nảy mầm. Vụ hè-thu vừa qua bà con sử dụng máy gieo hàng mang lại năng suất cao.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) mang về 7 máy gieo hàng và nhận được phản hồi khá tốt từ bà con. Anh Đỗ Văn Nam, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Trung cho biết, máy gieo hàng còn góp phần giảm thiểu sâu bệnh khi mật độ lúa vừa phải, tốc độ máy gieo nhanh khoảng 3 ha/ngày, giảm sức lao động của bà con.

Tuy nhiên, trong vụ đông-xuân, theo bà con nông dân, vẫn cần có sự cải tiến máy gieo hàng để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn sản xuất của địa phương. Bởi, do thời tiết lạnh, để bảo đảm tỷ lệ sống của hạt, bà con ươm giống lâu hơn, rễ dài hơn, trong khi, kích thước của lỗ gieo hạt trên máy nhỏ hơn, khiến hạt khó tuôn ra khi gieo. Thêm vào đó, đối với vụ đông- xuân, thực tế cho thấy trời rét hạt nảy mầm ít khiến bà con đều mong muốn gieo dày hơn vụ hè-thu và đang cải tiến đục thêm lỗ gieo hạt trên thân máy.

Anh Đỗ Minh Cừ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh chia sẻ thêm, máy gieo hàng đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trong vụ hè-thu, và đặc biệt, nông dân đã có những biến đổi, cải tiến cho phù hợp hơn với tình hình thực tế. Anh Cừ hồ hởi chia sẻ, ngoài máy gieo hàng, phân nhả chậm, nhiều phương thức sản xuất mới đang được bà con nông dân toàn huyện mạnh dạn triển khai mang lại kết quả khả quan, như: mô hình nuôi cá chẽm bằng lồng đầu tiên ở tỉnh ta, mô hình trồng nấm linh chi đầu tiên ở huyện Quảng Ninh...

Ông Nguyễn Quốc Út, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn khẳng định: Đổi mới phương thức sản xuất đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển nông nghiệp của tỉnh ta. Thời gian qua, nhiều chương trình, đề án, mô hình đã tập trung vào lĩnh vực này nhằm hướng tới sự phát triển xanh, bền vững trong nông nghiệp, đặc biệt là đối với lĩnh vực cơ giới hóa.

Cơ giới hóa các khâu trong nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giải phóng sức lao động, giảm chi phí cho nông dân.
Cơ giới hóa các khâu trong nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giải phóng sức lao động, giảm chi phí cho nông dân.

Số liệu thống kê cho thấy nhiều khâu trong trồng trọt, chăn nuôi có tỷ lệ cơ giới hóa rất cao, như: khâu làm đất trong trồng lúa chiếm 78,9%, khâu thu hoạch chiếm 57,7%, khâu cung cấp nước uống trong chăn nuôi lợn cũng chiếm 70%, chăn nuôi gia cầm là 80%... 138 hợp tác xã nông nghiệp trong tỉnh đã quan tâm đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp, phát huy được vai trò dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển, đáp ứng các khâu cơ bản của dịch vụ sản xuất nông nghiệp như: dịch vụ tưới tiêu, dịch vụ thủy lợi, nội đồng, giống cây trồng, làm đất, thu hoạch... Đặc biệt, các hợp tác xã đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho xã viên sản xuất theo quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo ông Nguyễn Quốc Út chính là vấn đề nguồn vốn, bởi trong khi nhu cầu đổi mới phương thức sản xuất rất lớn, nhiều chương trình, dự án, mô hình đã được hình thành từ lâu, nhưng kinh phí để triển khai thực hiện vẫn vô cùng khó khăn.

Theo tính toán của Chi cục Phát triển nông thôn, chỉ tính riêng để cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giai đoạn năm 2014-2015, tổng số nhu cầu các loại máy đã là 630 máy. Một trong những giải pháp tập trung hiện nay nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, qua đó hiện đại hóa phương thức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta, chính là chú trọng xã hội hóa công tác nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, huy động sự tham gia các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tiếp tục tích cực hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nỗ lực phát triển mạng lưới công nghệ thông tin đến tận xã, thôn, xóm để người dân nhanh chóng nắm được các thông tin kinh tế, khoa học, thị trường.

Mai Nhân