.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu: Hướng đi triển vọng

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, tình trạng đất sản xuất lúa kém hiệu quả hoặc bị bỏ hoang đang là vấn đề được các cấp, ngành quan tâm và tập trung giải quyết. Tại Bố Trạch, trong năm 2014 và 2015, một số diện tích nói trên đã được chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Vụ dưa 2014 mang lại hiệu quả đã khích lệ người nông dân và mở ra hướng đi mới nhiều triển vọng cho những địa phương sở hữu nhiều diện tích trồng lúa một vụ hoặc đất lúa bị bỏ hoang...

Tại xã Vạn Trạch (Bố Trạch), việc chuyển đổi diện tích lúa vụ hè-thu sang trồng dưa hấu đã được triển khai từ năm 2010. Ông Trần Xuân Bền, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đến thời điểm này, số hộ tham gia chuyển đổi là 25 hộ với tổng diện tích khoảng 10 ha. So với sản xuất lúa, cây dưa hấu mang lại hiệu quả rõ rệt. Và mặc dù sản xuất dưa vẫn còn bấp bênh về giá cả, thời tiết, nhưng xu hướng này đang ngày càng được người nông dân ủng hộ và mở rộng.

Dù đi sau nông dân xã Vạn Trạch, nhưng những gì mà anh Hồ Văn Chu (sinh năm 1964), xã Đại Trạch, đã và đang làm với gần 5 ha dưa hấu trên diện tích lúa kém hiệu quả của địa phương là rất đáng học tập. Năm 2014, anh đã thuê 1 ha và cho trồng thử nhiều loại giống dưa khác nhau. Với con số đầu tư 60 triệu đồng/ha tiền giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch, kết thúc vụ, anh thu về 180 triệu đồng tiền bán dưa.

Cùng với những con số lợi nhuận về kinh tế, qua vụ dưa này, anh Chu cũng đồng thời tích lũy được những bài học kinh nghiệm về quá trình chăm sóc, nguồn giống, thời điểm gieo trồng, thu hoạch. "Thừa thắng xông lên", vụ đông-xuân 2014-2015, anh mở rộng diện tích thuê lên 4,9 ha. Sau gần 2 tháng chăm bón, ruộng dưa của anh đã phát triển tốt, dự kiến sẽ thu hoạch trong vòng một đến hai tuần tới. Để chăm sóc và bảo vệ gần 5 ha dưa này, anh Chu thuê 5 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Số lao động thời vụ khoảng 10-15 người, tiền công mỗi ngày 180 nghìn đồng/người.

Hồ Văn Chu và ruộng dưa sắp vào mùa thu hoạch.
Hồ Văn Chu và ruộng dưa sắp vào mùa thu hoạch.

Anh Chu cho biết, là giống cây ưa nắng nên cùng với diện tích đông - xuân đang triển khai, anh dự định năm 2015 sẽ thuê tiếp 15 ha diện tích lúa hè - thu bỏ hoang của địa phương để đầu tư mở rộng diện tích cây dưa. So với vụ dưa năm ngoái, vụ năm nay anh đã đưa máy làm luống và trải bạt vào sản xuất, do đó chi phí đầu tư giảm còn 55 triệu/ha.

"Thực tế cho thấy những năm qua, sản xuất dưa hấu nói riêng và nông sản nói chung đã gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như biến động về giá, mất mùa do thời tiết... Nhưng sau 15 năm tham gia sản xuất dưa trên đồng đất Đại Trạch, lợi ích mang lại cũng rất ổn định. Do đó, tôi quyết tâm mở rộng diện tích lên mức 15 ha trong vụ hè-thu năm nay. Và để làm được điều này, tôi mong nhận được sự ủng hộ của địa phương, của huyện và của tỉnh. Quá trình sản xuất dưa trên diện tích lớn cũng tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc hiện đại vào áp dụng, góp phần giảm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả của cây trồng!", anh Chu tâm sự.

Cùng với việc mở rộng diện tích cây dưa hấu, những năm qua, anh Chu còn cung cấp giống dưa, ớt và một số loại nông sản khác. Vừa cho nông dân nợ tiền giống, anh Chu còn tham gia tập huấn kỹ thuật cho bà con. Đến vụ thu hoạch, anh tham gia giới thiệu các địa chỉ để các hộ tiêu thụ nông sản. Theo anh Chu, đất Bố Trạch rất phù hợp với cây dưa hấu nên việc mở rộng cây dưa trên những diện tích đất lúa kém hiệu quả là hoàn toàn khả thi. 

Ông Phan Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Trạch cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 50 ha dưa hấu, nhưng hầu hết số diện tích này còn manh mún, nhỏ lẻ. Thấy được hiệu quả từ cây dưa hấu trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả trong vụ hè-thu 2014, vụ đông-xuân 2014-2015, địa phương đã tạo điều kiện để anh Chu mở rộng diện tích cây dưa. Hiện đề xuất mở rộng diện tích lên 15 ha trong vụ hè-thu tới của anh Chu, địa phương đang xem xét. Và dù mới chỉ qua một vụ mùa đầu tiên, nhưng đã có thể khẳng định được tiềm năng và hứa hẹn từ hướng đi mới này.

Còn ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch khẳng định: Đây cũng là một hướng đi mà huyện cân nhắc trong những năm qua. Trên thực tế, Bố Trạch là đất phù hợp trồng với cây dưa hấu nhưng việc chuyển đổi đất lúa một vụ và đất sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất dưa hấu chỉ mới bắt đầu từ năm 2010 tại xã Vạn Trạch và từ năm 2014 tại xã Đại Trạch.

Ngoài những khó khăn chung của các loại nông sản như được mùa rớt giá, ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai... thì cây dưa hấu đã và đang là loại cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả của các địa phương. Tuy nhiên quá trình chuyển đổi cần phải có sự nghiên cứu và quy hoạch kỹ lưỡng, tránh tình trạng phát triển tràn lan dẫn đến những hậu quả có thể xảy ra đối với người trồng dưa.

Trong chuyến làm việc với huyện Bố Trạch vào tháng 2-2015, đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã thị sát mô hình dưa hấu của anh Chu. Sau khi nghe địa phương báo cáo, đồng chí đã yêu cầu huyện và xã nghiên cứu về hướng đi mới này đồng thời có kế hoạch để phát triển cây dưa hấu phù hợp với tình hình và đặc điểm của địa phương.

Với sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của những nông dân như anh Chu, sự quan tâm định hướng của lãnh đạo và chính quyền địa phương, tin rằng những vụ mùa tới, cây dưa hấu sẽ tiếp tục khẳng định được vị trí của mình, nhất là từ những đồng đất hoang hóa, kém hiệu quả, góp phần giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ngọc Mai