.

Nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường: Thực tế đáng báo động

Thứ Sáu, 20/03/2015, 08:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, xuất hiện ngày càng nhiều những sản phẩm hàng hóa được làm giả, làm nhái các thương hiệu sản phẩm có uy tín để bày bán công khai trên thị trường. Đa số các sản phẩm này đều nhắm đến những khách hàng còn thiếu thông tin hoặc những khách hàng vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Điều này đã khiến cho nạn hàng giả, hàng nhái vẫn có "chỗ đứng" và trôi nổi khắp thị trường. 

"Len lỏi" khắp nơi

Hàng giả, hàng nhái hiện nay là một trong những vấn nạn không chỉ là của riêng người tiêu dùng mà còn đối với cả xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nạn hàng giả, hàng nhái mang lại ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng và giảm uy tính nhà sản xuất.

Thực tế, ở những nơi nào thị trường tiêu thụ còn thiếu thông tin và tương đối dễ tính thì ở đó hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng nhiều. Thực tế tại những vùng miền núi, vùng sâu vùng xa được xem là những nơi có tỷ lệ hàng giả và hàng nhái xuất hiện tương đối nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do ở đây, một số quán tạp hóa mọc lên vừa chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu mua sắm của bà con. Nhiều nơi, phải mất cả chục cây số người dân mới tìm được một quán tạp hóa để mua những mặt hàng cần thiết.

Chính vì vậy, việc người dân ít có sự chọn lựa và buộc phải sử dụng những hàng kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong đó có hàng giả, hàng nhái mà không hề hay biết.

Không chỉ riêng những vùng miền núi, tại các vùng nông thôn, vấn nạn về hàng giả, hàng nhái cũng ngày càng trở nên phổ biến. Không ít quán tạp hóa do ham lợi nhuận cao đã nhập những sản phẩm giả, nhái không rõ nguồn gốc với giá rẻ rồi bán lại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện nay, tại các vùng nông thôn nhiều người dân do thiếu thông tin nên còn rất bối rối trong việc phân biệt giữa hàng thật, giả và nhái. Nhiều người tỏ ra bức xúc khi mua nhầm phải những mặt hàng này.

Nhiều quán tạp hóa ở nông thôn có bày bán hàng giả, hàng nhái.
Nhiều quán tạp hóa ở nông thôn có bày bán hàng giả, hàng nhái.

Bà Trần Thị H, ở An Ninh, Quảng Ninh cho hay: Vừa rồi bà đến quán tạp hóa gần nhà mua giấy vệ sinh đa năng, loại bà vẫn thường dùng được sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc. Chưa kịp vui mừng vì mua được với giá rẻ hơn thường ngày 5.000 đồng, thì khi đem ra sử dụng bà H mới biết đó là hàng nhái vì chất lượng giấy rất kém. Nhìn thật kỹ trên bao bì sản phẩm thì bà mới thấy tên nhà sản xuất khác. Hay trường hợp chị Nguyễn Thị D, ở An Ninh do không biết rõ về sản phẩm của hãng bánh kẹo Orion là Custas đã bị mua nhầm sang sản phẩm nhái cũng có logo Custasd của Bảo Hưng.

Không riêng trường hợp bà H và chị D mà nhiều người dân vẫn có thói quen khi mua hàng chỉ nhìn qua logo sản phẩm chứ không đọc kỹ xuất xứ, nhà sản xuất dẫn đến việc mua phải hàng nhái.

Tuy nhiên, cũng có người dù đã quan sát sản phẩm trước khi mua nhưng vẫn không tránh khỏi mua phải hàng giả. Chị Hoàng Thị Ng, ở Lộc Thủy, Lệ Thủy cho biết: Khi mua dầu gội đầu nhãn hiệu Clear, nhìn ngoài bao bì thì chị không thấy nghi ngờ gì nhưng mở ra thì thấy bên trong là chất lỏng không màu và có mùi rất lạ. Biết là hàng giả nên chị không dám đụng đến.

Ở Đồng Hới, hàng giả, hàng nhái cũng trà trộn vào trong các chợ. Rất nhiều đồ dùng trong đó phần lớn mỹ phẩm đều bị làm giả, nhái. Chị Nguyễn Thị Nhi, Đồng Phú kể lại: Trước đây chị có đến quầy mỹ phẩm ở chợ Ga hỏi mua hộp kem dưỡng da Pond's, thế nhưng người bán hàng lấy trên kệ một hộp Pond's có màu hơi nhạt so với những hộp trước đây chị đã mua.

Đang nghi ngờ nên chị xem đi xem lại hộp kem thì bà bán hàng đưa thêm cho chị hộp Pond's khác và nói" "Nếu em muốn mua hàng tốt hơn thì lấy loại này". Sau này chị thường xuyên đến mua hàng ở đây thì được bà bán hàng nhiệt tình chia sẻ: Thông thường hàng giả sẽ có màu khác, nhạt hoặc đậm hơn hàng thật. Bao bì nhìn cũng không đẹp hơn. Theo lời mách của chị bán hàng ở chợ Đồng Hới, để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái khi mua hàng không nên tiếc một hay hai nghìn mà mặc cả với người bán?!.

Khó ngăn chặn

Hiện nay, nạn hàng giả hàng nhái không chỉ xuất hiện ở một hay hai sản phẩm mà ngày càng có nhiều thương hiệu có uy tính đều bị làm giả làm nhái với hình thức tinh vi. Tuy nhiên, việc ngăn chặn và xử lý hàng giả, hàng nhái đến nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Công tác quản lý sản phẩm làm giả, nhái hầu như chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt. Những đợt kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái hầu hết chỉ được thực hiện vào những lúc cao điểm của mua sắm, như thời điểm cận tết.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm tra, xử lý, một số cơ quan chức năng địa phương vẫn còn lúng túng, chưa phân biệt được những thủ đoạn làm giả, làm nhái nên công tác kiểm tra chỉ dừng ở mức xử phạt đối với những sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Mặc dù trước đây, nhiều nghị định đã quy định rõ về những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thế nhưng đến nay, hàng giả, hàng nhái vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường và dễ dàng đến tay người tiêu dùng.

Được biết, ở tỉnh ta hầu như chưa có những cuộc giới thiệu, trưng bày hàng thật, hàng giả sau khi kiểm tra xử lý nhằm giúp người dân nâng cao cảnh giác và rút kinh nghiệm. Chính vì sự thiếu thông tin khiến rất nhiều người dân mua và sử dụng hàng giả, hàng nhái nhiều lần mà không hề hay biết. Điều này đã vô tình tiếp tay cho nạn hàng giả, hàng nhái có thị trường tiêu thụ và gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, kinh tế người tiêu dùng, cũng như đến uy tính của những sản phẩm chất lượng.

Hạn chế và loại bỏ được hàng giả, hàng nhái hiện nay là việc làm khó, tuy nhiên không phải là không thực hiện được. Để làm được điều này rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và ý thức của người tiêu dùng, như vậy nạn hàng giả, hàng nhái mới dần bị đẩy lùi.

Đ.Nguyệt