.

Huy động lực lượng diệt chuột hại lúa

Thứ Ba, 31/03/2015, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thời tiết trong những ngày này, sương mù nhiều, rất thuận lợi cho các loại cây trồng phát triển. Tuy nhiên thời điểm này sâu bệnh và nhất là chuột hại lúa xuất hiện trên diện rộng và đang có chiều hướng gia tăng. Chi cục đề nghị các địa phương tập trung diệt chuột và phun thuốc trừ sâu bệnh.

Qua số liệu tổng hợp từ các địa phương đến nay, diện tích lúa bị chuột phá hoại khoảng 425ha, tăng 80ha so với tuần trước. Địa phương có lúa đông-xuân bị thiệt hại do chuột nhiều là huyện Lệ Thuỷ với 195ha, chủ yếu ở các xã An Thuỷ, Liên Thuỷ, Hoa Thuỷ... tỷ lệ thiệt hại 3-5%. Cá biệt ở một số chân ruộng ở xã Hoa Thuỷ, Mai Thuỷ tỷ lệ bị chuột phá hoại gần 10%.

Huyện Quảng Ninh có khoảng 100ha lúa ở các xã Tân Ninh, Võ Ninh, Hàm Ninh... đang bị chuột phá hoại với tỷ lệ thiệt hại 3-5%. Huyện Quảng Trạch diện tích lúa bị chuột phá hoại hiện tại đã tăng gần gấp đôi tuần trước với khoảng 80ha, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Thanh, Quảng Hưng, Quảng Châu... Vừa qua các địa phương đã sử dụng một số biện pháp để diệt chuột, tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết, vụ đông-xuân năm nay chuột xuất hiện sớm và tốc độ lây lan rất nhanh. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã tăng cường chỉ đạo các xã, HTX tập trung nguồn lực diệt chuột và phòng trừ bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ... Phòng đã tăng cường lực lượng về tận cơ sở để túc trực, bám sát đồng ruộng cùng bà con xử lý sâu bệnh và chuột hại lúa.

Bẫy chuột bằng thủ công rất hiệu quả của nông dân Lệ Thủy.
Bẫy chuột bằng thủ công rất hiệu quả của nông dân Lệ Thủy.

Huyện Lệ Thuỷ đã chi ngân sách 500 triệu đồng mua thuốc diệt chuột (bã sinh học) hỗ trợ cho các xã, HTX diệt chuột. Huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành ra quân đồng loạt (trong đó lấy lực lượng đoàn viên thanh niên làm nòng cốt) diệt chuột trên diện rộng. Kết quả, đã có 20/28 xã, thị trấn tham gia; ngay trong đợt ra quân này đã diệt được trên 25.000 con chuột.

Nếu tính từ đầu mùa vụ đông-xuân 2014-2015 tới nay, Lệ Thuỷ đã tổ chức được 3 đợt ra quân diệt chuột đồng loạt, với tổng số thuốc sinh học đã sử dụng 13.000kg (huyện hỗ trợ 50% giá thuốc, dân đối ứng 50%). Ngoài ra, tỉnh cũng đã hỗ trợ thêm một khối lượng thuốc hoá học RAT-K cho Lệ Thuỷ để phục vụ công tác diệt chuột. Các xã, thị trấn trên địa bàn ngoài việc sử dụng thuốc sinh học, còn kết hợp với phương pháp đánh bắt thủ công. Chính nhờ việc tổ chức diệt chuột bằng bả sinh học kết hợp phương pháp thủ công theo phương thức "đánh đồng loạt trên diện rộng, cùng thời điểm..." nên bước đầu có kết quả.

Huyện Quảng Ninh, chọn xã An Ninh mà nòng cốt là lực lượng đoàn viên thanh niên làm điểm chỉ đạo ra quân diệt chuột. Chiến dịch được thực hiện trong 10 ngày kể từ ngày 15-3 và mục tiêu đặt ra là mỗi đoàn viên diệt 20 con chuột và đội viên diệt 2 con chuột. Trong ngày đầu ra quân, xã An Ninh đã huy động gần 1.000 đoàn viên thanh niên và học sinh ra đồng diệt được 1.000 con chuột.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã có công văn hướng dẫn công tác diệt chuột trong vụ đông-xuân đối với các địa phương.

Theo đó, biện pháp diệt chuột hữu hiệu nhất là dùng thuốc diệt chuột. Cần lưu ý việc triển khai đánh bã phải trên diện rộng và đồng loạt tại các địa phương. Đây là thời điểm diệt chuột bằng thuốc có hiệu quả nhất. Sử dụng một trong các loại thuốc sau để diệt chuột: Thuốc Biorat: dùng 1 bã 25-50gr thuốc. Thuốc Racumin 0,75TP: trộn đều 1 phần thuốc với 19 phần thức ăn chuột ưa thích (thóc mầm, thóc giống). Rat K 2% D: dùng 10gr thuốc trộn với 0,5kg thóc luộc (hoặc thóc mầm) để làm bã chuột.

Tất cả các loại thuốc trên, sau khi trộn bã xong chia nhỏ cho vào túi nilon đen buộc chặt rồi đặt bã ngay cửa hang, trên đường mòn chuột qua lại, đặt thuốc vào buổi chiều tối. Các loại thuốc trên diệt chuột ngoài ruộng và cả trong khu dân cư. Tuyệt đối không được dùng điện để diệt chuột.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng khuyến cáo cần tổ chức săn bắt, đào bắt các ổ chuột bằng phương pháp thủ công. Đồng thời dùng các dạng bẫy để bắt chuột như: bẫy bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy keo dính... Đặt bẫy trên đường đi lại, trước cửa hang của chuột và hàng đêm nên tổ chức thu gom chuột sau đó đặt bẫy lại (sử dụng bẫy để diệt chuột ngoài đồng và trong khu dân cư).

H.Q