.

Xây dựng nông thôn mới ở Cảnh Dương: Khi lòng dân đã thuận

Thứ Sáu, 27/02/2015, 08:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, đến cuối năm 2014, xã Cảnh Dương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Việc “cán đích” nông thôn mới đúng thời hạn thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền và minh chứng rõ ràng cho thấy, khi lòng dân đã thuận thì mọi chuyện khó mấy cũng xong...

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng đòi hỏi sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ đóng vai trò xuyên suốt.

Vì vậy, ngay từ những ngày đầu bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới, Đảng uỷ, UBND xã, các chi bộ, thôn, các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền vận động giúp người dân hiểu rõ hơn vai trò chủ thể của mình, mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới là vì người dân, hướng đến người dân. Từ đó, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, nâng cao nhận thức cho người dân tự nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, thông qua các kỳ họp chi bộ, hội nghị đoàn thể, họp dân bầu ra ban giám sát cộng đồng, ban thanh tra nhân dân nhằm giám sát chặt chẽ từ khâu quy hoạch đến đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Khi tổ chức thực hiện, gặp khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo địa phương trực tiếp đối thoại với nhân dân, không để phát sinh những bức xúc. Nhờ đó, các nguồn lực trong nhân dân được huy động, người dân nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ trong xây dựng nông thôn mới.

Phát triển kinh tế biển là hướng mũi nhọn để góp phần nâng cao thu nhập phát huy nội lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế biển là hướng mũi nhọn để góp phần nâng cao thu nhập phát huy nội lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Trần Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận ở mức cao nhất. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong mọi công việc đều minh bạch, công khai để mọi người dân cùng biết và góp ý xây dựng. Đội ngũ cán bộ chủ động gần dân, nói đi đôi với làm để làm gương cho người dân noi theo”.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên với nhiều cách làm khác nhau, Cảnh Dương đã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Là một xã có diện tích nhỏ hẹp, các khu dân cư có lịch sử hình thành từ lâu đời nên trong thời gian đầu triển khai, việc quy hoạch, chỉnh trang giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông được coi là thách thức lớn nhất với Cảnh Dương.

Tuy nhiên nhờ sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân góp công sức, hiến đất, tường rào, Cảnh Dương đã bê tông hóa được hơn 14km đường liên xã, liên thôn, nội thôn, chiếm 81,8% tổng chiều dài các tuyến đường trong xã, không còn đường lầy lội. Sau 4 năm triển khai thực hiện, toàn xã đã huy động được gần 2,5 tỷ đồng nguồn đóng góp từ nhân dân.

Để phát huy được sức dân trong xây dựng nông thôn mới, xã Cảnh Dương đã tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề. Đến nay, tại khu làng nghề của xã đã có 44 cơ sở sản xuất được hỗ trợ diện tích mặt bằng để kinh doanh, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị máy móc để sản xuất kinh doanh, cho thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã đến nay chỉ còn 4,51%.

Là một xã thuần ngư, xác định phát triển kinh tế biển, dịch vụ là hướng mũi nhọn nên nhiều năm qua, xã Cảnh Dương đã tích cực vận động, tạo điều kiện thuận lợi để người dân mở rộng và phát triển kinh tế tổ hợp tác, kinh tế hộ gia đình và kinh tế doanh nghiệp. Khuyến khích ngư dân đầu tư phương tiện, trang thiết bị máy móc, ngư lưới cụ để vươn khơi đánh bắt thủy, hải sản tăng thu nhập kinh tế gia đình, đồng thời góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo; phát triển các ngành nghề dịch vụ hậu cần nghề cá, buôn bán kinh doanh tại chợ trung tâm xã và vùng phụ cận.

Nhờ tích cực phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, tận dụng được thế mạnh của địa phương nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Năm 2014 thu nhập bình quân của người dân Cảnh Dương ước đạt 24,3 triệu đồng/ người; 100% hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ điện lưới quốc gia; tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiến cố chiếm khoảng 87%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đã đạt 92,79% (so với yêu cầu  là 90%); tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% (so với yêu cầu (70%); 9/9 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa. Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện đúng quy định; công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ; trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng với tinh thần chủ động vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cùng với sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, tin chắc rằng, Cảnh Dương sẽ tiếp tục duy trì và giữ vững những kết quả đạt được, phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

P.V