.

Thương hiệu Việt, nhìn từ chợ Ba Đồn

Thứ Ba, 17/02/2015, 16:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Chợ Ba Đồn từ lâu với nét văn hóa truyền thống và vẻ độc đáo riêng đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân vùng bắc tỉnh Quảng Bình. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, có rất nhiều ngôi chợ khang trang mọc lên trong vùng nhưng chợ Ba Đồn vẫn thu hút lượng người bán, mua sầm uất và đã trở thành một kênh chính quảng bá, tiêu thụ hàng Việt rất hiệu quả, đặc biệt là những mặt hàng truyền thống của địa phương...

Ký ức chợ Ba Đồn cổ

Theo các tài liệu lịch sử, sở dĩ có tên gọi chợ Ba Đồn là vì đời Hậu Lê, Chúa Trịnh có lập ba đồn lính đóng ở chung quanh thị trấn (đồn Trung Thuần, đồn Phan Long và đồn Xuân Kiều). Mục đích ban đầu của việc lập ra chợ này là để quân lính các đồn gặp gỡ, vui chơi, trao đổi, mua bán đồ ăn vật dụng với nhau. Qua thời gian, chính nơi đây đã hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời địa lợi” nên đã sớm hình thành trung tâm thương nghiệp, buôn bán, trao đổi cũng như trung tâm giao lưu văn hóa, vui chơi của nhân dân.

Đến thời Pháp thuộc, chợ Ba Đồn được dựng thành 5 đình lớn kế tiếp nhau. Từ một chợ nhỏ vùng quê, dần dần chợ Ba Đồn đã trở thành một chợ lớn nổi tiếng khắp dải đất Bắc Trung bộ. Đến hẹn lại lên, mỗi tháng chợ họp 3 phiên vào các ngày mùng sáu, mười sáu, hai sáu (âm lịch) và chỉ họp một ngày thì tan.

Sản phẩm rèn truyền thống của xã Quảng Hòa.
Sản phẩm rèn truyền thống của xã Quảng Hòa.

Mỗi phiên chợ đều rất náo nhiệt, có khoảng 9 đến 10 nghìn người đổ về từ các vùng đất Bắc Kỳ, Nghệ-Tĩnh, Bình-Trị-Thiên cho đến Quảng Nam với nhiều sản vật như: lúa, gạo, tơ lụa, săng gỗ, trâu bò...

Đến năm 1964, đế quốc Mỹ tàn phá Ba Đồn và nơi đây trở thành chiến địa. Khi hòa bình trở lại, đáp ứng nhu cầu trao đổi, giao lưu buôn bán của nhân dân, chợ dời về cầu Kênh Kịa và mở thêm 3 phiên mỗi tháng, đó là ngày mùng một, mười một, và hai mốt (âm lịch) hàng tháng. Tuy nhiên, 3 phiên có số 6 mới là phiên "đại" bởi có nhiều chủng loại hàng hóa, đông người tham gia và thịnh vượng nhất.

Chợ Ba Đồn ngày nay

Nhằm đáp ứng nhu cầu người dân vào chợ kinh doanh và trao đổi, mua bán ngày càng tăng, hoạt động của chợ Ba Đồn ngày nay không chỉ dừng lại trong 6 ngày phiên như trước đây mà tụ họp thường xuyên, đủ các ngày trong tháng, trong năm dương lịch. Chợ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1993, với quy mô khang trang, đẹp đẽ và nằm cạnh bến đò Cửa Hác (trên vị trí chợ cũ trước đây).

Chợ có khuôn viên rộng trên 47.000m2, được thiết kế có 3 đình chính và các ki ốt bao quanh được bán lâu dài cho các hộ kinh doanh. Các phần đất trống còn lại tạo nên những bãi chợ trời, phân vùng kinh doanh để bán các mặt hàng theo quy định như: khu vực bán cá, hoa quả, nông sản, dụng cụ, chợ bò, chợ xe đạp...

Ngoài hiệu quả kinh tế, chợ Ba Đồn còn là nơi giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn. Hiện chợ đang thu hút khoảng 1.400 tiểu thương buôn bán cố định và lưu động tại chợ, trong đó số lượng người bán cố định chiếm khoảng 80%. Vào phiên chợ ngày 6, người ta còn tổ chức chợ bò nhằm trao đổi, mua bán trâu, bò của nông dân trong tỉnh và các nơi khác. Theo đó, nhiều món ăn đặc sản gắn liền với nhiều vùng quê Ba Đồn, Quảng Trạch cũng được bày bán tại chợ như: bánh ướt Tân An, bánh đúc và bánh xèo Quảng Hòa, bánh dày và bánh lá Hòa Ninh, cháo canh Ba Đồn...

Chị Đoàn Thị Thủy, 42 tuổi, là người làm nghề đan lát truyền thống ở làng Thọ Đơn (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn) tâm sự: Chị thường tham gia họp chợ vào các ngày phiên trong tháng. Bình quân mỗi ngày họp chợ, chị bán được khoảng 100 sản phẩm đan lát truyền thống do gia đình mình làm ra như: thúng, rỗ, rá, kiềng... Mặc dù giá trị sản phẩm hàng hóa không cao, chủ yếu là lấy công làm lãi và giải quyết việc làm lúc nông nhàn nhưng chị luôn tham gia họp chợ phiên và việc làm này đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành thói quen truyền thống của gia đình.

Và với thương hiệu Việt

Thừa hưởng những nét độc đáo truyền thống của ngôi chợ cổ và phát huy được tiềm năng nằm ở trung tâm thị xã nên cho đến thời điểm này, chợ Ba Đồn vẫn luôn giữ vai trò trọng tâm cung ứng hàng tiêu dùng, hàng nông sản cho thị trường, góp phần không nhỏ vào việc tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, là khu trung tâm buôn bán lớn và sầm uất nhất vùng bắc tỉnh Quảng Bình.

Sản phẩm đan lát truyền thống ở làng Thọ Đơn, phường Quảng Thọ.
Sản phẩm đan lát truyền thống ở làng Thọ Đơn, phường Quảng Thọ.

Đây chính là yếu tố thuận lợi để chợ Ba Đồn mở rộng giao thương, trao đổi hàng hoá nông sản của nhân dân khắp các vùng, miền trong tỉnh. Thông qua chợ, người dân được tiếp xúc với các sản phẩm chất lượng, ngoài ra cũng làm quen với nền kinh tế thị trường. Điều đáng nói nữa là với đặc thù của địa phương, chợ Ba Đồn không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn phản ánh nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc của cư dân bản địa.

Nói về hoạt động và những ưu thế của chợ Ba Đồn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ông Trần Văn Lợi, Giám đốc BQL các công trình công cộng thị xã Ba Đồn cho hay: Trong những năm qua, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ, doanh thu dịch vụ tại chợ Ba Đồn chiếm tỷ trọng cao trên địa bàn thị xã.

Chợ đã trở thành một kênh chính quảng bá, tiêu thụ hàng Việt rất hiệu quả, đặc biệt là những sản phẩm của các làng nghề truyền thống ở đôi bờ Sông Gianh đã đi vào hò vè dân gian như: Đồ đan Thọ Đơn, hàng may Pháp Kệ, hàng chiếu Thanh Sơn, Ngọa Cương làng gốm, giấy bổ Diên Trường, nón kinh chợ Ngọa, mắm cá Cảnh Dương, Khương Hà thao lụa, Thanh Lạng tre nứa, dao búa Ninh Hòa, bánh tráng Lộc Điền, Lệ Sơn ngô lạc, hàng quạt Trung Thuần, Thuận Bài vải sợi...

Điều ghi nhận nữa là giá hàng hóa ở chợ Ba Đồn cũng “mềm” hơn so với các kênh phân phối hiện đại. Đây chính là yếu tố quan trọng để hút khách của chợ Ba Đồn.

Hiền Chi