.

Quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Những nỗ lực bước đầu

Thứ Sáu, 27/02/2015, 09:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiến độ thi công chậm dẫn đến lãng phí nguồn vốn đầu tư, năng lực đơn vị tư vấn, thi công chưa đồng đều... đó đang là những tồn tại gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình xây dựng.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2014 tỉnh ta có 674 công trình xây dựng bao gồm các loại công trình chính như: dân dụng, công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, có 137 công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Trung ương, 497 công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách địa phương, số còn lại sử dụng các nguồn vốn khác. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 224 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tư vấn xây dựng.

Tuy nhiên, thông qua công tác kiểm tra thiết kế cho thấy chất lượng khảo sát, thiết kế vẫn còn nhiều tồn tại. Nguyên nhân là do năng lực của nhiều đơn vị tư vấn thiết kế còn yếu nên hồ sơ thiết kế phải sửa chữa nhiều lần. Một số công trình sai sót trong việc tính toán kết cấu, thiết kế công trình hoặc thể hiện sai trên bản vẽ, không bảo đảm an toàn của công trình dẫn đến phải chỉnh sửa thiết kế; tình trạng một số công trình sửa chữa không nêu rõ hiện trạng công trình, nguyên nhân hư hỏng để từ đó có giải pháp thiết kế hợp lý vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh những yếu kém trong khâu thiết kế, khảo sát thì chất lượng thi công xây dựng và công tác quản lý chất lượng cũng còn nhiều bất cập. Trong đó, nhiều công trình sau khi khởi công, chủ đầu tư không thông báo về nhiệm vụ, quyền hạn của các cá nhân trong hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình cho các nhà thầu có liên quan biết để phối hợp thực hiện; không kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng trước khi triển khai thi công.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ góp phần hạn chế thất thoát, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng sẽ góp phần hạn chế thất thoát, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.

Cùng với đó, việc nhà thầu thi công ghi nhật ký không đầy đủ nội dung theo quy định; nghiệm thu vật liệu đầu vào, nghiệm thu hạng mục công việc khi chưa đủ căn cứ; nhà thầu tư vấn giám sát không lập sơ đồ tổ chức và đề cương giám sát theo quy định, không tổ chức khảo sát, giám sát xây dựng... đang gây những trở ngại nhất định trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

Nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Theo đó, Sở Xây dựng đã chủ trì cùng các sở có công trình xây dựng như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải... tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời triển khai thực hiện. Mặt khác, chỉ đạo ban hành thủ tục hành chính, quy trình ISO để nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian thẩm tra thiết kế-dự toán công trình xây dựng so với quy định đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành kiểm tra công trình trước khi vào nghiệm thu theo quy định.

Năm 2014, Sở Xây dựng đã thẩm tra cho gần 200 công trình, kiểm tra quá trình thi công và nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng cho trên 70 công trình; tiếp tục thực hiện góp ý thiết kế cơ sở, góp ý dự án, cùng với Sở Kế hoạch và đầu tư thẩm định cho hàng chục dự án đầu tư xây dựng lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các công trình đều được thẩm tra đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Qua công tác thẩm tra, kiểm tra đã từng bước chấn chỉnh hoạt động xây dựng, nâng cao chất lượng thiết kế, giám sát và thi công, hạn chế được sự lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra xây dựng đã được Sở Xây dựng chỉ đạo tăng cường để góp phần chấn chỉnh các hoạt động xây dựng. Trong năm 2014, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành 13 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Qua thanh kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý 11 trường hợp sai phạm, kiến nghị chấn chỉnh 40 trường hợp; giảm trừ, thu hồi 473 triệu đồng; xử phạt hành chính với số tiền 145 triệu đồng. Việc cấp các loại chứng chỉ tiếp tục được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc và bảo đảm chất lượng với 1.451 giấy phép xây dựng, 166 chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng được cấp. UBND các huyện, thành phố và thị xã cũng đã tổ chức thẩm tra cho trên 270 công trình, hạng mục công trình.

Trong đó nhiều địa phương đã thẩm tra được số lượng khá lớn như Tuyên Hóa (119 công trình), Minh Hóa (38 công trình)... Không ít địa phương có tỷ lệ giảm dự toán sau thẩm tra cao như Đồng Hới 7,59%, Minh Hóa 5,4%... Qua đó, góp phần xử lý các sai phạm trong hoạt động xây dựng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.

Tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành; các huyện, thị xã, thành phố trong công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế, kiểm tra nghiệm thu công trình sẽ từng bước nâng cao chất lượng thiết kế, hạn chế thất thoát và đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn.

Thanh Hải