.

Nạo vét cửa sông, cần tính đến hệ lụy gây sạt lở

Thứ Sáu, 27/02/2015, 13:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình có 5 dòng sông chảy ra biển, trong đó có 2 cửa sông Nhật Lệ và  sông Gianh, nơi tập trung phần lớn tàu thuyền của ngư dân ra vào, thường xuyên xảy ra bồi lắng. Bởi vậy nhu cầu nạo vét thông luồng cho tàu tuyền ra vào các cửa sông là hết sức bức thiết. Tuy nhiên, việc nạo vét tận thu cát ở một số doanh nghiệp chưa đúng quy trình, tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở bờ sông.

Sự cần thiết nạo vét cửa sông

Ngược dòng thời gian, khoảng chục năm trước, khi còn cảng hàng hóa Nhật Lệ, thuộc Cục Hàng hải Việt Nam quản lý, tàu thuyền ra vào đã bị cạn. Để xử lý vấn đề đó, năm 2009,  Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực sông biển Việt Nam, thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đã có công trình nghiên cứu: “Đánh giá sơ bộ điều kiện tự nhiên, khả năng bồi lấp cửa sông, luồng tàu vào cảng Gianh, Nhật Lệ và đề xuất giải pháp giảm thiểu”. 

Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình, địa mạo, hướng gió, hướng sóng, thời tiết... để tìm ra nguyên nhân bồi lấp ở cửa Nhật Lệ, các chuyên gia khuyến nghị về sự cần thiết phải nạo vét cửa sông Nhật Lệ và cửa sông Gianh. Theo đó, nạo vét luồng Nhật Lệ bảo đảm cho tàu 200 tấn ra vào cảng với chiều dài 2,8km từ phao số 0 vào đến cảng; cao độ đáy nạo vét -3,5m, bề rộng của luồng 50m, khối lượng nạo vét 280.000m3... Tương tự, tại cửa sông Gianh, các nhà khoa học cũng đưa ra khuyến cáo cần nạo vét trong phạm vi luồng rộng 60m, cao độ đáy -4,0-4,5m, chiều dài khoảng 2km...

Qua nhiều lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, cử tri kiến nghị nhà nước đầu tư nạo vét thông luồng, tạo điều kiện cho tàu thuyền đánh cá ra vào thuận tiện. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư để nạo vét khá lớn, lên đến vài trăm tỷ đồng, nên cả một thời gian dài các cửa sông ở đây vẫn chưa thể tiến hành nạo vét được.

Cửa sông Nhật Lệ bị bồi lấp thu hẹp.
Cửa sông Nhật Lệ bị bồi lấp thu hẹp.

Vừa qua, khi Chính phủ có chủ trương xã hội hoá việc nạo vét luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu trên phạm vi cả nước, thì việc nạo vét các cửa sông ở tỉnh ta mới được thực hiện. Tuy nhiên quá trình thực hiện chủ trương đúng đắn này trên địa bàn có dư luận không tốt, nhiều đơn thư và cả ý kiến của chuyên gia trên lĩnh vực thuỷ lợi, môi trường đề nghị xem lại quy trình nạo vét tránh làm ảnh hưởng đến xói lở bờ sông...

Thiếu sự giám sát

Đi sâu tìm hiểu sự việc phản ánh của người dân, chúng tôi được biết, hiện tại trên địa bàn tỉnh ta có 6 dự án nạo vét luồng, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu, do 6 doanh nghiệp thực hiện. Đơn vị cấp phép và quản lý các dự án này thuộc cơ quan chuyên ngành Bộ GTVT (Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thuỷ nội địa) thực hiện, chính quyền và các sở, ngành địa phương hầu như không tham gia.

Cụ thể, Dự án nạo vét tận thu cát cửa sông Nhật Lệ do Cục Đường thủy nội địa làm chủ đầu tư, đã cấp phép Công ty TNHH xây dựng thương mại Hoàng Kim Việt (trụ sở thành phố Hồ Chí Minh) nạo vét, lấy cát bán cho Singapore.

Theo đó, Công ty Hoàng Kim Việt được nạo vét 2,2 triệu mét khối cát từ Km 0 đến Km 3+200 cửa sông Nhật Lệ, chiều rộng từ 100 mét đến 400 mét, sâu đến 7  mét, giá trị hợp đồng là 130 tỷ đồng. Nhà thầu tự bố trí kinh phí nạo vét và được sử dụng cát tận thu để xuất khẩu, có nghĩa vụ nộp cho bên giao thầu (Cục Đường thuỷ nội địa) gần 6,5 tỷ đồng. Công ty này đã tiến hành nạo vét từ tháng 8-2014 và tạm dừng vào trung tuần tháng 10-2014, lý do thời tiết không thuận lợi.

Dự án nạo vét cửa sông Gianh (giai đoạn 1), do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư, cấp phép cho Công ty CP Đầu tư và Thương mại Linh Thành (địa chỉ thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện. Dự án này có chiều dài luồng 1,1km (từ km1+100 đến km2+200); bề rộng luồng 60m; độ sâu -4,7m, khối lượng khoảng 417.662m3. Công ty đã khởi công từ 16-6-2014, đến tháng 10-2014 tạm dừng vì lý do thời tiết. Chiều dài luồng được nạo vét theo thiết kế  khoảng 800m;  khối lượng đã nạo vét 368.982m3 (đạt 87% so với khối lượng được duyệt).

Dự án nạo vét luồng sông Son,  của Công ty TNHH MTV Tràng An, chiều dài luồng 21,3km; rộng 40m, độ sâu đáy -2,6m, khối lượng ước khoảng 48.625m3. Công ty khởi công tháng 8-2014 và chưa xác định được khối lượng.

Còn lại 3 dự án nạo vét cửa sông Lý Hòa, do Công ty Sài Gòn Hà Nội thực hiện; cửa sông Dinh, do Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Đông Dương và cửa sông Roòn, do Công ty Hoàng Kim Việt đang  thực hiện các thủ tục để tiến hành khai thác đầu năm 2015...

Vấn đề đáng quan tâm ở đây là từ một chủ trương rất đúng đắn, phù hợp lòng dân,  đã bị các đơn vị thực hiện không nghiêm túc, gây bức xúc và hoài nghi trong dư luận xã hội. Đi sâu tìm hiểu vấn đề này chúng tôi nhận thấy, việc lập dự án nạo vét với khối lượng cát rất lớn so với tính toán của các chuyên gia và nhà khoa học thuỷ lợi đưa ra trước đây.

Cụ thể, việc nạo vét cửa sông Nhật Lệ chỉ cần dài khoảng 2,8km từ phao số 0 vào đến cảng; cao độ đáy nạo vét -3,5m, bề rộng của luồng 50m, khối lượng nạo vét 280.000m3, bảo đảm tàu 200 tấn ra vào. Thế nhưng không hiểu vì sao Cục Đường thuỷ nội địa lại cấp phép mở rộng luồng từ 100m đến 400m và nguy hại hơn là độ sâu đến 7m? Có lẻ vì thế đã lấy một khối lượng cát khổng lồ 2,2 triệu m3, thay vì chỉ khoảng 300 ngàn m3, như tính toán của các nhà khoa học thuỷ lợi trước đây.

Hậu quả của việc lấy đi một khối lượng cát lớn như vậy, không tránh khỏi gây sạt lở bờ sông. Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuỷ lợi, nguyên nhân cát bồi lấp ở những cửa sông, cửa biển là do cát dịch chuyển từ chỗ này sang chỗ khác theo gió và dòng chảy biển. Việc khoét sâu xuống lòng sông, lòng biển như cách làm hiện nay ở một số cửa sông tỉnh ta làm cho cát hai bên bờ dịch chuyển xuống chỗ trũng sẽ gây sạt lở bờ sông, bờ biển. Vì vậy việc nạo vét hơn 2,2 triệu mét khối cát ở cửa sông Nhật Lệ không nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia thuỷ lợi và sự phản ứng của người dân địa phương là điều dễ hiểu.

Theo phản ánh của ông Hoàng Kiên Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới tại cuộc họp với Cục Đường thuỷ nội địa và các đơn vị nạo vét cát ngày 23-1-2015, thì đơn vị thi công không nạo vét những chỗ cạn cần nạo cho tàu thuyền đi lại, mà họ tập trung hút cát ồ ạt ở một số điểm, nên nguy cơ gây xói lở bờ sông là khó tránh khỏi. Minh chứng cho điều đó, ông Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết, sau khi cửa sông Nhật Lệ đã nạo vét, nhưng có 4 tàu đánh cá của ngư dân vào vẫn bị mắc cạn, trong đó có một tàu bị hư hỏng nặng.

Mới đây ngày 17-1-2015, tàu cá QB-92336 ở xã Đức Trạch, bị mắc cạn tại cửa biển Nhật Lệ, có 7 ngư dân trên tàu bơi được vào bờ an toàn. Tương tự tại cửa sông Gianh, có một số tàu đánh cá nhỏ vào cũng bị cạn. Điều này cho thấy đơn vị thực hiện nạo vét chưa chú trọng khai thông luồng lạch, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền vào ra, mà họ thực hiện theo mục đích là lấy khoáng sản hay vì lý do nào khác nữa!?
Việc xuất khẩu cát cũng không bình thường, có dấu hiệu trốn thuế.

Ông Nguyễn Văn Hệ, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình, cho biết đơn giá mà các đơn vị khai thác cát xuất khẩu kê khai với Hải quan là 0,9 USD/tấn (tương đương khoảng 20 ngàn đồng). Nên việc tính thuế suất đối với sản phẩm cát xuất khẩu cũng theo giá kê khai này.

Trong lúc đó tại hội nghị với các doanh nghiệp nạo vét luồng, ngày 23-1-2015, vị đại diện Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng khẳng định: đơn giá 1m3 cát nạo vét vận chuyển đổ xuống biển, khoảng cách chục hải lý được tính giá 70 ngàn đồng. Trong khi đó một m3 cát hút lên và chở đi trên 3.000km đến Singapore nhưng chỉ bán bằng 1/3 đơn giá là điều hết sức vô lý. Nói như vậy để thấy rằng, qua kê khai tính thuế xuất khẩu cát có dấu hiệu bất thường, đã làm  thất thu thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu.

Tạo sự hài hoà các lợi ích

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Minh Tý, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Thành, TP. Đồng Hới cho rằng: Người dân rất đồng tình và ủng hộ chủ trương xã hội hoá nạo vét thông luồng, tận thu cát nhiễm mặn mà Chính phủ đề ra. Từ chủ trương này ngư dân là người được hưởng lợi, tàu thuyền vào ra đánh cá không còn lo mắc cạn nữa.

Tàu cá QB-92336 ở xã Đức Trạch bị mắc cạn tại cửa biển Nhật Lệ, ngày 17-1-2015.
Tàu cá QB-92336 ở xã Đức Trạch bị mắc cạn tại cửa biển Nhật Lệ, ngày 17-1-2015.

Tuy nhiên, thời gian qua chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công nạo vét cát ở cửa sông, số lượng nạo vét bao nhiêu, cát chở đi đâu cũng không thông tin cho chính quyền và nhân dân trên địa bàn biết. Đặc biệt, các chỗ tàu thuyền bị mắc cạn ở cửa sông Nhật Lệ lại không được nạo vét, làm cho người dân bức xúc, hoài nghi.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, đơn vị quản lý nhà nước về giao thông trên địa bàn cũng cho rằng, nhiều lần lãnh đạo sở này yêu cầu các đơn vị thi công báo cáo tình hình, khối lượng thực hiện, hành trình chở cát đi tiêu thụ... nhưng cũng không nhận được sự phối hợp.

Nhân đây, đề nghị chính quyền các cấp cần tăng cường giám sát việc thực hiện chủ trương xã hội hoá nạo vét tận thu cát xuất khẩu trên địa bàn, để người dân sống hai bên bờ sông yên tâm. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư các dự án là Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thuỷ nội địa, cần tranh thủ ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trên lĩnh vực thuỷ lợi, để đưa ra con số tính toán phù hợp. Nguyên tắc hàng đầu là việc hút cát không làm xói lở bờ, ổn định được bờ và tạo được luồng tàu thuyền cho ngư dân ra vào.

Xin được lưu ý thêm rằng, sông Nhật Lệ là một dòng sông khá đặc biệt. Bởi sông đổ ra biển theo hướng Tây Nam-Đông Bắc nên cửa sông Nhật Lệ hứng gió mùa đông bắc và thường xuyên bị sạt lở nặng nề. Cửa sông Nhật Lệ nhiều năm không được ổn định. Trước đây diễn biến là sạt lở bờ bắc rất lớn. Sau đó lại diễn biến bồi lắng, rồi lại sạt lở ở bờ nam. Cho nên nếu lấy cát thông dòng thì phải được cân nhắc. Nếu không đặt vấn đề chống xói lở thì có thể xảy ra hậu quả xấu.

Bởi vậy, những việc này cần phải hài hòa với nhau, thì chủ trương xã hội hoá nạo vét cửa sông, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu mới mang lại hiệu quả lâu dài.

Trọng Thái