.

Đánh thức tiềm năng vùng gò đồi Quảng Trạch

Thứ Hai, 16/02/2015, 11:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Vùng gò đồi Quảng Trạch có tổng diện tích gần 28.000ha, chiếm hơn một nửa diện tích toàn huyện. Nhằm phát huy lợi thế sẵn có, thời gian qua, huyện Quảng Trạch luôn chú trọng khuyến khích các địa phương và người dân phát triển kinh tế, đánh thức tiềm năng vùng gò đồi. Đây được xem là một chiến lược lâu dài, bền vững tạo nền tảng vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp...

Khai thác tiềm năng

Sau khi chia tách địa giới hành chính, huyện Quảng Trạch còn lại khoảng hơn 45.000ha đất tự nhiên, bao gồm 18 xã. Về cơ bản, sản xuất nông-lâm-ngư vẫn chiếm tỷ trọng lớn và chủ đạo trong bức tranh phát triển kinh tế toàn huyện. Ngoài một số xã vùng Roòn phát triển khá sôi động, hầu hết các địa phương còn lại đều chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với gần 4.000ha đất trồng lúa và hoa màu.

Toàn huyện có gần 28.000ha đất rừng, đồi núi, trong đó rừng phòng hộ khoảng 13.000ha và rừng sản xuất hơn 14.000ha. Xác định đây là một lợi thế của địa phương, sau chia tách, huyện Quảng Trạch tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh khai thác tiềm năng phát triển kinh tế vùng gò đồi, xem đây là một chiến lược lâu dài tạo tiền đề quan trọng để giảm nghèo bền vững.

Ông Đặng Xuân Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện Quảng Trạch xác định phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với thế mạnh trồng rừng, trong đó đặc biệt chú trọng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao như hồ tiêu, cao su. Với tiềm năng sẵn có về đất đai, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ về con giống, xây dựng các mô hình áp dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, duy trì và phát triển các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả.

Đưa cao su lên vùng gò đồi.
Đưa cao su lên vùng gò đồi.

Trong năm 2014, toàn huyện đã trồng mới thêm được 930ha rừng chủ yếu là các loại keo, tràm, thông... Khoanh nuôi và bảo vệ gần 12.000ha. Sản lượng gỗ khai thác đạt 15.500m3, sản lượng nhựa thông đạt 350 tấn. Nhiều hộ dân ở các xã Quảng Lưu, Quảng Châu, Quảng Hợp còn mạnh dạn đầu tư trồng mới hàng chục hecta cây cao su. Chăn nuôi được tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa tại các mô hình trang trại, gia trại. Tổng đàn gia súc có gần 80.000 con, đàn gia cầm trên 300.000 con.

Các chương trình “Sind hóa đàn bò”, “nạc hóa đàn lợn” tiếp tục được triển khai thực hiện, từng bước đã chuyển biến theo hướng số lượng, chất lượng và giá trị, tỷ lệ đàn bò lai sind chiếm 24,5%, tỷ lệ lợn lai máu ngoại chiếm 89%. Bên cạnh đó, nhiều loại vật nuôi mới có hiệu quả cao phù hợp với điều kiện vùng gò đồi cũng được người dân đưa vào chăn nuôi như các mô hình nuôi ong lấy mật ở Quảng Hợp, nuôi nhím ở Quảng Lưu, nuôi đà điểu ở Quảng Hưng...

Những triệu phú vùng đồi

Nhờ phát triển kinh tế vùng gò đồi, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát được đói nghèo mà vươn lên giàu có no đủ. Gia đình anh Phạm Đức Giang, ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu là một trong những điển hình như thế. Dẫn chúng tôi thăm vườn tiêu hơn 600 gốc của gia đình mình, anh Giang cho biết, trước đây gia đình chủ yếu trồng một số loại cây ăn quả, rau màu nhưng hiệu quả không đáng kể.

Năm 2005, anh bắt đầu cải tạo lại đất trồng thử mấy chục gốc tiêu. Cây phát triển tốt, cho năng suất cao, vậy là anh cùng mấy anh em trong gia đình mở rộng diện tích chuyển hẳn sang trồng tiêu. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên tiêu bị chết nhiều. Anh vào Quảng Trị học hỏi kinh nghiệm trồng tiêu rồi về áp dụng. Hiện nay vườn tiêu đã khai thác được hơn 5 năm, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng.

Nếu như gia đình anh Phạm Đức Giang thành triệu phú nhờ cây tiêu thì gia đình ông Đặng Chính Quy, thôn Hạ Lý, xã Quảng Châu thành công nhờ trồng rừng và chăn nuôi trang trại tổng hợp. Ngoài mấy hecta trồng keo, tràm cứ 5 năm thu hoạch một lần khoảng 80 triệu/ ha, ông còn mở trang trại nuôi bò, gà. Mỗi năm trang trại thu lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng. Ông Quy cho biết, tiềm năng vùng gò đồi lớn, nếu biết mạnh dạn đầu tư và chịu khó, kết hợp trồng rừng và chăn nuôi tổng hợp sẽ thoát được nghèo, vươn lên làm giàu.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những mô hình làm giàu trên vùng gò đồi Quảng Trạch. Nhờ phát huy được tiềm năng tại địa phương, đã có nhiều mô hình trang trại, gia trại thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm như trang trại nuôi bò của ông Nguyễn Văn Xá, (Quảng Hưng), Lê Phú Đức (Quảng Phú), trang trại nuôi bồ câu của ông Đặng Văn Công ở Quảng Châu...

Đưa “vàng trắng” lên đồi

Mô hình trồng tiêu của anh Phạm Đức Giang, xã Quảng Lưu mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình trồng tiêu của anh Phạm Đức Giang, xã Quảng Lưu mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gò đồi với những loại cây trồng, vật nuôi truyền thống, hiện nay, cây cao su cũng được nhiều địa phương ở Quảng Trạch chú trọng. Theo quy hoạch phát triển cao su của tỉnh Quảng Bình, toàn huyện Quảng Trạch được quy hoạch trồng cây cao su với tổng diện tích hơn 1.500ha trong giai đoạn 2010-2015 tại 11 tiểu khu thuộc 5 xã Quảng Lưu, Quảng Châu, Quảng Thạch, Quảng Hợp và Quảng Tiến. Từ năm 2009 đến nay, toàn huyện đã trồng được 492,11ha cao su.

Trong đó, Lâm trường Quảng Trạch trồng được 432,11ha, và khoảng 60ha trồng rải rác tại các hộ gia đình. Tập trung nhất là tại xã Quảng Lưu với khoảng 35ha. Thời gian đầu sinh trưởng, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Gia đình anh Lê Đức Hùng, ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu là một trong những hộ gia đình tiên phong mạnh dạn đưa cây cao su về trồng tại địa phương. Hiện nay, 4ha cao su hơn 4 tuổi của anh Hùng đang phát triển tốt bên cạnh các đồi cao su của Lâm trường Quảng Trạch.

Anh Hùng cho hay, so với các loại cây khác thì cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện vùng gò đồi. Thời gian đầu có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày khác như sắn, lạc. Nếu cứ đà phát triển như thế này, khoảng 2 năm nữa sẽ cạo mủ được. Trong thôn hiện có khoảng 20 hộ trồng, thấy cây phát triển tốt nhiều người khác cũng đang định đầu tư trồng cao su.

Ông Biền Ngân, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Quảng Lưu cho biết, hiện tại cao su là loại cây trồng mới đối với người dân địa phương. Mặc dù biết cây cao su mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã thành công ở các vùng đồi phía tây các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, tuy nhiên nhiều hộ dân còn e ngại so với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai gò đồi tại Quảng Trạch. Nếu những diện tích đang trồng cho sản lượng mủ tốt thì chắc chắn đây là cây trồng chủ lực để tạo hướng đột phá cho bà con vươn lên làm giàu trên vùng gò đồi.

Xuân Phú