.

Thị xã Ba Đồn: Đột phá từ mô hình sản xuất lúa giống tại chỗ

Thứ Tư, 26/11/2014, 08:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Vụ hè-thu năm 2014 là vụ mùa thứ 4 bà con nông dân thị xã Ba Đồn triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa giống tại chỗ. Không chỉ cho năng suất và sản lượng vượt kế hoạch đề ra, thành công của mô hình còn tạo sự đột phá trong việc áp dụng bộ giống mới vào sản xuất, từng bước xã hội hóa công tác làm giống trên địa bàn. Qua đó, giúp bà con nông dân chủ động được một phần giống có chất lượng tốt để đáp ứng nguồn giống lúa xác nhận cho vụ mùa tiếp theo.

Trên cơ sở thành công từ những vụ mùa trước, vụ hè-thu năm 2014, bà con nông dân thị xã Ba Đồn lại có thêm niềm tin và động lực để triển khai sản xuất lúa giống tại chỗ. Toàn thị xã có 20 điểm sản xuất lúa giống tại chỗ với tổng diện tích 40 ha, thu hút 477 hộ gia đình nông dân tham gia trên địa bàn 7 xã: Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Văn, Quảng Minh, Quảng Sơn, Quảng Tiên và Quảng Tân.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế, UBND thị xã Ba Đồn thì mặc dù còn gặp một số khó khăn do tác động khách quan đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng và công tác xuống giống của bà con nông dân tại một số địa phương, nhưng nhờ tăng cường các dịch vụ về giống, phân bón, tưới tiêu và thuốc bảo vệ thực vật, một số địa phương chủ động đưa ra chính sách hỗ trợ tại các điểm sản xuất giống tại chỗ, nên tổng sản lượng lúa đạt gần 219 tấn, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha.

Các giống lúa được bà con đưa vào sản xuất lúa giống tại chỗ ở vụ hè-thu năm 2014 gồm: HT1, KD18, PC6 và DV108; trong đó giống lúa DV108 đạt năng suất cao nhất với 62 tạ/ha. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết một trong những yếu tố quyết định sự thành công này là nhờ công tác quy hoạch sản xuất giống tại chỗ của các xã mang tính tập trung nên thuận lợi trong việc quản lý, chỉ đạo và chăm sóc của chính quyền địa phương cũng như bà con nông dân.

Đặc biệt, xác định công tác khử lẫn là khâu quan trọng nhằm bảo đảm nâng cao độ thuần của giống nên đa số các hộ dân tham gia sản xuất lúa giống tại chỗ đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình khử lẫn trên đồng ruộng và đặc biệt chú trọng vào các thời kỳ chính như: giai đoạn bắt đầu trổ, tạo hạt chắc và lúa chín.

Mô hình sản xuất lúa theo quy trình SRI tại xã Quảng Hòa.
Mô hình sản xuất lúa theo quy trình SRI tại xã Quảng Hòa.

Trong quá trình sản xuất lúa giống tại chỗ, Phòng Kinh tế đã phối hợp chặt chẽ với trạm Bảo vệ thực vật chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân trong công tác phòng trừ sâu bệnh, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và tham mưu biện pháp phòng trừ kịp thời cho các địa phương. Do vậy các đối tượng như: Sâu cuốn lá, rầy nâu mặc dù đã gây hại cây lúa trên diện rộng nhưng không ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng tại các điểm sản xuất giống của các xã.

Sản xuất giống tại chỗ là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhu cầu thực tế của bà con nông dân. Sự thành công của mô hình này đã tạo sự đột phá trong việc thực hiện áp dụng bộ giống mới đưa vào sản xuất, phủ kín diện tích để thay thế dần các loại giống lúa bị thoái hóa, kém chất lượng. Các giống lúa sản xuất tại chỗ có khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện khắc nghiệt của môi trường, đồng thời giúp bà con nông dân chủ động một phần lượng giống có chất lượng để sản xuất hàng năm. Mặt khác, lượng giống sản xuất tại chỗ ở các vụ được bà con trao đổi với nhau nên giảm kinh phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất.

Cụ thể như sau vụ đông-xuân 2013-2014, bà con đã mạnh dạn trao đổi lúa giống và lúa đại trà được trên 70% tổng sản lượng lúa giống xác nhận từ mô hình sản xuất lúa giống tại chỗ của địa phương mình.

Chính vì vậy, ở vụ hè-thu 2014, lượng giống bà con đăng ký mua ở Trạm giống cây trồng giảm hẵn. Cũng tương tự như sau vụ hè-thu 2014, lúa sau thu hoạch bà con nông dân đã tiến hành trao đổi với nhau để nhân rộng giống trên địa bàn xã và đưa vào sản xuất vụ đông-xuân 2014-2015. Dự kiến số lượng giống trao đổi của các hộ đạt khoảng 50% tổng sản lượng thu hoạch của các điểm làm giống tại chỗ trên địa bàn mỗi xã.

Trò chuyện với một số bà con nông dân tham gia sản xuất lúa giống tại chỗ, chúng tôi được biết thêm: Từ chính sách hỗ trợ giống sản xuất tại chỗ cho bà con nông dân (trợ giá các loại giống lúa nguyên chủng 10.000 đồng/kg, hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh 15.000 đồng/sào) đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và bước đầu giúp các hộ dân tiếp cận với việc thực hiện mô hình cánh đồng lớn. Không những góp phần từng bước xã hội hóa công tác làm giống trên địa bàn, mô hình sản xuất lúa giống tại chỗ đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Ba Đồn tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp giá trị với diện tích sử dụng giống chất lượng cao ngày càng được mở rộng.

Vụ đông-xuân 2014-2015, thị xã Ba Đồn sẽ tăng diện tích sản xuất lúa giống tại chỗ lên 50 ha và tiếp tục nhân rộng mô hình ở nhiều địa phương khác. Theo đó, đối với những địa phương có khả năng chủ động được nguồn nước tưới có diện tích đất trồng lúa tập trung khoảng 15 đến 20 ha, những địa phương có địa hình bằng phẳng và có độ đồng đều cao sẽ hỗ trợ để sản xuất giống trên quy mô lớn nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng cánh đồng lớn theo quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI.

Tuy nhiên, để giúp bà con nông dân tiếp tục gặt hái thành công từ mô hình sản xuất giống tại chỗ, UBND thị xã cần xem xét tăng thêm kinh phí hỗ trợ mua giống và thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân, đồng thời tìm kiếm thị trường liên kết bao tiêu hạt giống, nhằm tăng thu nhập cho người dân và khuyến khích người sản xuất lúa giống nâng cao kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất.

Hiền Chi