.

Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo: Trọng điểm phát triển kinh tế trên hành lang Đông-Tây

Thứ Hai, 15/09/2014, 07:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm ở cửa ngõ giao lưu quốc tế về phía Tây của tỉnh Quảng Bình, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm lại đây với hoạt động thương mại, xuất khẩu tăng trưởng cao, tình hình an ninh-quốc phòng được bảo đảm. Nơi đây đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và được xác định là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình; là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam với nước bạn Lào và Thái Lan...

Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo được hình thành và phát triển theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, thích ứng với môi trường hợp tác và cạnh tranh, phù hợp và gắn kết chặt chẽ với sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Bình.

Đặc biệt là, với lợi thế hành lang kinh tế quốc lộ 12A, kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo sẽ bảo đảm liên kết, hợp tác với các khu kinh tế cửa khẩu trong khu vực như: Lao Bảo, Cầu Treo và Khu kinh tế Vũng Áng... Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo còn nằm trong 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan có sử dụng chung đường 8 và đường 12.

Từ khi cầu Hữu Nghị 3 nối giữa Thái Lan và Lào đưa vào sử dụng, tuyến quốc lộ 12A được xác định là tuyến đường ngắn nhất, góp phần giảm chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo về Việt Nam và đi qua các nước thứ 3.

Đoạn đường từ cầu Hữu Nghị 3 đến Cha Lo đã được Chính phủ Lào đầu tư nâng cấp mở rộng, xây dựng mới trạm kiểm soát liên ngành, bãi kiểm hóa nhằm bảo đảm phục vụ tốt các hoạt động giao thương tại khu vực. Quốc lộ 12A nối cửa khẩu đến Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế Vũng Áng được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và góp phần phát triển kinh tế dân sinh và an ninh-quốc phòng trong khu vực.

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, các cơ quan, đơn vị hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực cải cách thủ tục hành chính bảo đảm nhanh, gọn nhằm thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, thương mại dịch vụ tại đây.

8 tháng đầu năm 2014, có trên 50.000 lượt người và phương tiện xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
8 tháng đầu năm 2014, có trên 50.000 lượt người và phương tiện xuất nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

Nếu như năm 2012, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt hơn 447 triệu USD, tăng gấp 125 lần so với năm 2005 thì đến năm 2013, tổng kim ngạch đã đạt hơn 1,6 tỷ USD, tăng 260% so với năm 2012. Riêng 8 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt gần 1 tỷ USD, tăng 11%  so với cùng kỳ năm 2013. Các mặt hàng thông quan tại cửa khẩu chủ yếu gồm: sản phẩm nông sản, gỗ, thạch cao, than cám, dệt may, đồ nhựa, điện tử và vật liệu xây dựng...

Số lượng người và phương tiện xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đều tăng qua các năm. Năm 2012 đạt 300.000 lượt người (tăng hơn 26 lần so với năm 2005) và 50.000 phương tiện xuất, nhập cảnh (tăng gấp 14 lần so với năm 2005); năm 2013 tăng 38% so với năm 2012. Riêng 8 tháng đầu năm 2014 đã giải quyết thủ tục cho trên 50.000 lượt người và phương tiện xuất nhập cảnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2013; thu thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Để đạt những con số nói trên, không thể không ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Với phương châm: "Chuyên nghiệp-minh bạch-hiệu quả", Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cha Lo luôn bảo đảm nhu cầu thông quan, không để xảy ra tình trạng ứ động hàng hóa, phương tiện và người qua cửa khẩu; tránh gây phiền hà cho các đơn vị và doanh nghiệp. Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy luôn được các ban, ngành chức năng ở đây đặc biệt quan tâm. Bằng các phương pháp nghiệp vụ của mình, lực lượng chức năng cửa khẩu đã phát hiện hàng trăm vụ vi phạm, xử lý hành chính và thu về cho ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Cùng với sự đổi thay nơi mảnh đất vùng biên cương, trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã có sự tăng trưởng khá. Hiện tại có hàng trăm hộ kinh doanh trong khu kinh tế cửa khẩu, trong đó có 33 hộ kinh doanh tại chợ, 21 hộ kinh doanh tại khu trung tâm và 16 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ-thương mại. Công ty TNHH thương mại Hoàng Tín là một trong những doanh nghiệp chọn Cửa khẩu quốc tế Cha Lo để đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ngoài siêu thị bán các loại hàng hóa, công ty còn đầu tư kinh doanh khách sạn và nhà hàng với tổng trị giá gần 7 tỷ đồng. Trò chuyện  với chúng tôi, ông Trần Văn Tuyền, Công ty TNHH thương mại Hoàng Tín cho biết: Hiện tại, doanh nghiệp Hoàng Tín hoạt động kinh doanh tương đối thuận lợi bởi luôn nhận được sự quan tâm của Ban quản lý Khu kinh tế cũng như chính quyền địa phương nơi đây.

Ngày 21-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 283/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo sẽ là trung tâm kinh tế và đô thị phía Tây của tỉnh Quảng Bình, là đầu mối trung chuyển, trung tâm xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của tỉnh Quảng Bình với Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh-quốc phòng của quốc gia. Đồ án bố trí các khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan với diện tích khoảng 300 ha; khu dân cư đô thị nông thôn với diện tích khoảng 2.060ha; khu, cụm công nghiệp, dịch vụ với diện tích khoảng 240 ha; vùng phát triển nông lâm nghiệp và dự phòng với diện tích khoảng 10.000 ha; vùng quản lý bảo tồn cảnh quan thiên nhiên với diện tích khoảng hơn 40.000 ha.

Các trục không gian chính của Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo gồm: Trục không gian quốc lộ 12A, quốc lộ 12C và trục không gian đường Hồ Chí Minh. Đề án cũng đã định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch xây dựng đợt đầu đến năm 2020.

Và cho đến thời điểm này, Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đã có bước phát triển đáng kể, hệ thống hạ tầng được đầu tư cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Các dự án về giao thông, cấp nước, san nền, xây kè đang được đầu tư xây dựng dần để tạo sự đồng bộ về hạ tầng của khu kinh tế. Khu vực hành chính, quản lý được các nhà thầu khẩn trương thi công, dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu hoạt động của khu vực cửa khẩu.

Để Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo được lấp đầy, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo phát triển nhộn nhịp hơn có lẽ phải cần thêm nhiều thời gian nữa. Trong quá trình đó, cùng với sự nỗ lực của tỉnh Quảng Bình, không thể thiếu sự quan tâm hỗ trợ và đầu tư của  các bộ, ngành trung ương. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng rằng, trong tương lai không xa, Cha Lo-nơi chiến trường đạn bom ngày nào sẽ trở thành một khu kinh tế cửa khẩu hữu nghị, một trọng điểm phát triển kinh tế trên hành lang Đông-Tây.

Hiền Chi