.

Điều ước của nhà nông...

Thứ Ba, 30/09/2014, 08:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Điều ước lớn nhất của nông dân tỉnh ta là cây lúa né tránh được thiên tai, mà cụ thể là lũ lụt. Và trong những năm qua, những giống lúa ngắn ngày đã phần nào biến điều ước ấy thành hiện thực. Đầu tháng 9-2014, một số loại giống lúa mới nữa do Công ty CP Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình chọn tạo đã “trình làng”, đáp ứng cả ba tiêu chí: thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, khả năng chống chịu dịch bệnh khá...

 

Giống lúa SV 181 trên đồng đất Đức Ninh (Đồng Hới).
Giống lúa SV 181 trên đồng đất Đức Ninh (Đồng Hới).

Một ngày đầu tháng 9, tôi nhận được điện thoại của anh Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình (CTCPTCTNNQB), thông báo về một số giống lúa mới do doanh nghiệp (DN) chọn tạo đang trồng khảo nghiệm tại một số địa phương.

Qua mấy câu ngắn gọn của ông chủ tịch kiêm giám đốc một DN chuyên về giống, tôi đã hình dung ra giống lúa này có ý nghĩa quan trọng thế nào với DN và tất nhiên là với cả đồng đất QB...

Trên cánh đồng xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, mọi người đang chăm chú vào một thửa ruộng có vẻ khác lạ, lúa đã chín tới, đều tăm tắp, bông dài, hạt mẩy...  Chị Trần thị Luyến, đội Đức Sơn, HTX Nông nghiệp Đức Ninh nói đó là giống SV 181 mà CTCPTCTNNQB đang trồng khảo nghiệm trên vùng ruộng quê chị... 

Chị cho biết thêm, vụ hè - thu này gia đình chị làm thử nghiệm 1,5 sào giống này, hiện lúa đã chín. Nhận xét về giống lúa mới này là: quá trình canh tác khá thuận lợi, cây sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh sớm, bông to, hạt dài bầu, tỷ lệ chắc cao... Còn về khả năng đề kháng, nó chịu hạn tốt, chống chịu sâu bệnh tổng hợp và đặc biệt là chưa thấy xuất hiện bệnh đạo ôn, bạc lá... Còn chị Hoàng Thị Hạnh, đội trưởng đội Đức Sơn cho rằng, đây là giống lúa được bà con đồng tình cao bởi thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất cao và khả năng chống chịu tốt với ngoại cảnh. 

Thay mặt cho các hộ  nông dân xã Đức Ninh, ông Trần Sỹ Luộc, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đức Ninh lại khẳng định, vụ hè-thu cơ cấu giống trên là phù hợp để có thể né tránh thiên tai lại cho năng suất cao thay thế giống cũ...

Làm thế nào để có được những giống lúa tạo dấu ấn với nông dân? Anh Bình cho biết: “Chúng tôi đã dày công lai tạo và cả một chút may mắn nên mới có được giống lúa thuần siêu cao sản, đạt cả ba tiêu chí về thời gian sinh trưởng, năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu dịch bệnh”. Qua anh Bình chúng tôi được biết, giống lúa này đã được thực nghiệm trên đồng đất tỉnh ta ở các địa phương Đồng Hới, Quảng Ninh, Quảng Trạch và  Bố Trạch.

Và không chỉ trên đất Quảng Bình, DN đã triển khai khảo nghiệm trên diện rộng từ tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vào đến Phú Yên và lên cả Tây Nguyên. Kết quả thu được thật lý tưởng ở cả ba tiêu chí: thời gian sinh trưởng, năng suất và khả năng chống chịu dịch bệnh.

Về thời gian sinh trưởng, có lẽ khó có giống lúa nào có được thời gian “cực ngắn” như SV 181. Vụ hè-thu SV181 chỉ có 82-85 ngày (giống HT1, giống lúa hiện nay bà con đang sử dụng trong vụ hè-thu là 92 ngày) và vụ đông- xuân cũng chỉ 105 ngày, đây là thời gian lý tưởng nhất so với những giống lúa ngắn ngày mà bà con nông dân đang gieo trồng  trên đồng đất khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Với vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, bão lũ triền miên luôn rình rập thì  thời gian sinh trưởng có cái giá cực kỳ cao và có ý nghĩa sống còn. Cái cảnh cả cánh đồng lúa trĩu hạt hôm trước nhưng đến sáng hôm sau đã là nước bạc mênh mông vẫn luôn tái diễn trên đồng đất Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... Niềm vui và nỗi đau mất mát cùng với nước mắt mặn chát của người nông dân chỉ cách nhau có một đêm...

Bởi thế, một ngày cũng đã là nhiều lắm đối với người nông dân trong sản xuất vụ hè- thu... Và SV 181 sẽ là “phao cứu sinh” cho mùa màng vùng chiêm trũng!

Nhớ lại mấy năm trước, trong một lần nói về cây lúa đông- xuân phải “ngủ đông” chờ rét, kéo dài thời gian sinh trưởng nhưng sau đó lại cho năng suất khá cao, anh Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói đấy cũng là chuyện bình thường, bởi đối với cây lúa giữa năng suất và thời gian sinh trưởng thường  tỷ lệ thuận với nhau. Vì vậy để chọn tạo được giống lúa ngắn ngày mà năng suất cao là cực khó...

Thế nhưng với SV 181, không chỉ có thời gian sinh trưởng cực ngắn, anh Bình cho biết, qua khảo nghiệm vụ hè- thu, năng suất đạt từ 6,0 tấn đến 8,5 tấn/ha, cụ thể là tại tỉnh Thừa Thiên- Huế đạt 7,0 tấn/ ha, Quảng Nam 6,9 tấn/ ha, Phú Yên 8,5 tấn/ ha, Đắc Lắc 8,0 tấn/ha. Riêng trên địa bàn tỉnh ta vụ hè- thu đã đạt từ 6,0 đến 6,6 tấn/ ha, cao hơn giống lúa đối chứng 9%; vụ đông- xuân từ 6,5- 7,0 tấn/ ha... Với những con số trên có thể gọi SV181 là siêu cao sản.

Điều đặc biệt nữa, SV181 là giống lúa thuần chủng, DN không độc quyền về giống, điều này có ý nghĩa xã hội rất lớn mà cụ thể là giá thóc giống không cao như các giống lúa lai khác, nông dân sẽ được hưởng lợi đáng kể.

Qua thực nghiệm trên nhiều địa hình, vùng miền, nhiều loại chân đất trên cả hai vụ, điều nổi trội của SV 181 nữa là chưa thấy bị nhiễm các loại sâu bệnh chính như đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu, khả năng chống hạn, chống ngã đổ tốt... Có lẽ không thể không nói đến “đầu ra” quan trọng của hạt gạo SV181, đó là gạo trong, không bạc bụng, cơm mềm, đậm cơm... sẽ là đối tác có “sức nặng” trên thị trường lúa gạo trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ SV 181, lần này “trình làng”, CTCPTCTNNQB còn đưa ra một số giống khác, đó là giống lúa SV46 và giống nếp SVN1. SV46 cũng là giống ngắn ngày, vụ hè- thu khoảng 92-95 ngày, đông- xuân khoảng 110 ngày cho năng suất khá cao, đó là hè- thu 5,5-6,0 tấn/ ha, đông- xuân 6,0-6,5 tấn/ha, phù hợp với sản xuất cả hai vụ, hạt gạo chất lượng cao... Giống nếp SVN1 năng suất đạt trên 6,0 tấn/ha, khả năng chống chịu sâu bệnh khá, an toàn trong sản xuất...

Một buổi giới thiệu giống lúa mới của Công ty CP Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình.
Một buổi giới thiệu giống lúa mới của Công ty CP Tổng công ty Nông nghiệp Quảng Bình.

Anh Bình cho biết, ba giống mới trên cũng chỉ là một “chặng” trong hành trình chọn lựa bộ giống mới cho tỉnh. Điều này thì tôi khá rõ, bộ giống mà nông dân tỉnh ta đang “xài” có nhiều hạn chế, đó là quá cũ, có giống đã tồn tại ngót chục năm nay, kéo theo dấu hiệu thái hóa đã xuất hiện, nên khả năng kháng bệnh không cao, nhiều giống thời gian sinh trưởng dài, là điểm yếu trong điều kiện thiên tai ngày càng khốc liệt và bất thường...

Vì vậy, việc lai tạo bộ giống mới là công việc cần kíp hiện nay và trọng trách đó đặt lên vai những người làm công tác giống của tỉnh trong đó “gánh nặng” là CTCPTCTNNQB... Xác định trách nhiệm và cả vinh dự khi được lãnh đạo tỉnh tin cậy, trong những năm qua đơn vị đã nỗ lực chọn tạo giống lúa với 3 tiêu chí là thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh và thích nghi với đồng đất tỉnh nhà.

Trong những năm qua nhiều giống mới do DN chọn tạo được nông dân đón nhận rất hào hứng, có được chỗ đứng vững chắc trên đồng đất Quảng Bình và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Về thời gian sinh trưởng trung ngày, có các giống SV1, SVX7, SVN1; về ngắn ngày có SV47, SV46, SV 181... Ngoài ra, đơn vị cũng đã mua bản quyền quốc gia giống Gia Lộc 105 và giống lạc SVL1...

Tuy vậy, theo anh Bình, cần có bộ giống phong phú hơn nữa cho sản xuất trên địa bàn tỉnh, vì vậy trong thời gian tới DN sẽ tiếp tục chọn tạo thêm một số giống lúa khác, cụ thể 2 giống lúa trung ngày và 1 giống ngắn ngày...

Nói về khó khăn của DN, anh Bình cho biết đó là vốn, trong  mấy năm qua DN đã phải huy động hơn 6 tỷ đồng để chọn tạo những giống mới vừa nói ở trên, trong khi đó, để thu hồi vốn cũng phải mất vài ba năm sau...

Và, còn bao khó khăn, cực nhọc nữa của công tác khoa học và cả “làm dâu thiên hạ”, nhưng niềm vui là không nhỏ khi thành quả của họ đã góp phần hiện thực hóa điều ước của bao người nông dân nghèo...

Văn Hoàng