.
Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Xây dựng nông thôn mới ở Hưng Trạch: Vẫn còn nhiều "nút thắt" khó gỡ

Thứ Ba, 30/09/2014, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo nông thôn xã Hưng Trạch (Bố Trạch) đang ngày càng có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, để hoàn thành lộ trình đúng thời gian thì vẫn đang là một bài toán nan giải đối với xã miền núi nghèo này.

 

Nhiều điểm trường mầm non trên địa bàn xã Hưng Trạch phải luôn trong tình trạng học nhờ, học ghép, đông đúc, chật hẹp.
Nhiều điểm trường mầm non trên địa bàn xã Hưng Trạch phải luôn trong tình trạng học nhờ, học ghép, đông đúc, chật hẹp.

Nhiều "cửa ải" khó

Qua trao đổi với ông Lê Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trạch, chúng tôi được biết hiện tại lộ trình xây dựng nông thôn mới của Hưng Trạch đang trong quá trình "leo dốc" với quá nhiều "chướng ngại vật" khó vượt qua.

Chính quyền địa phương và nhân dân đang phải "vật lộn" với vô vàn khó khăn, thách thức khi cố gắng chuẩn hóa 13 tiêu chí còn lại, trong đó nan giải nhất là tiêu chí giao thông nông thôn. "Tiêu chí này rất khó nếu không muốn nói là gần như không thể đạt nếu không có nguồn hỗ trợ"- ông Sơn chia sẻ.

Địa hình phức tạp với trên 60%  diện tích đồi núi, vùng đồng bằng nhỏ hẹp lại bị chia cắt bởi rừng, đồi khiến Hưng Trạch gặp vô vàn khó khăn trong xây dựng đường giao thông. Đặc biệt là hai thôn Bồng Lai 1 và Bồng Lai 2 địa hình dốc, lại cách trở đò giang nên điều kiện đi lại của bà con trong vùng rất khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ.

Hiện tại, xã chỉ mới bê tông, cứng hoá được 4,7/51 km đường giao thông nông thôn, còn lại đều là đường đất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, để hoàn thành tiêu chí giao thông, xã phải bê tông, cứng hoá 46,3 km đường còn lại. Đối với một xã miền núi nghèo như Hưng Trạch, đây thực sự là một thử thách khó vượt qua để hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh tiêu chí đường giao thông, trường học cũng được đánh giá là một "cửa ải" khó đối với Hưng Trạch. Hiện tại, trên địa bàn xã có 2 trường THCS, 3 trường tiểu học, 3 trường mầm non trung tâm, nhưng tất cả đều không đạt chuẩn theo tiêu chí, do đa phần được xây dựng đã lâu nay xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống phòng chức năng còn thiếu, chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Đó là chưa kể đến nhiều điểm trường mầm non ở các thôn xa trung tâm đang chật vật với tình trạng học nhờ, học ghép. Thiếu địa điểm học, nhiều nhà văn hóa thôn trở thành lớp học mầm non với số lượng học sinh đông đúc cùng chen chúc trong một không gian nhỏ hẹp, xuống cấp.

Không chỉ loay hoay với bài toàn khó về giao thông, trường học, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là những "nút thắt" khó gỡ đối với chính quyền xã Hưng Trạch. Cái khó nhất để thực hiện tiêu chí thu nhập chính là cơ cấu kinh tế của địa phương chủ yếu là nông nghiệp, chiếm 58% với gần 57,8% lao động. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa được đầu tư phát triển đồng bộ.

Thêm vào đó, các lĩnh vực CN, TTCN, dịch vụ chậm phát triển, công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động nông thôn còn nhiều hạn chế nên việc kéo giãn lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp không phải là chuyện "một sớm một chiều".

Để tăng mức thu nhập, thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, trang trại; mở rộng diện tích trồng các loại cây có giá trị đặc biệt là cây ớt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp đó chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn của mình, chứ chưa thực sự phát huy được hiệu quả nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn.

"Với nền kinh tế thuần nông, để đạt mức thu nhập 17 triệu đồng/người/năm như hiện tại đã là một nỗ lực vượt bậc của Hưng Trạch. Cho nên, việc nâng mức thu nhập lên mức đạt chuẩn nông thôn mới đối với xã vẫn rất khó khăn" ông Sơn lo lắng. Đối với hộ nghèo, bằng nhiều giải pháp tích cực phát triển sản xuất, nâng cao mức sống cho người dân, đến năm 2013, Hưng Trạch đã giảm được tỷ lệ xuống còn 11,6%.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ tái nghèo của địa phương lại đang có xu hướng tăng đáng kể (khoảng 3-5%/năm). Đáng chú ý là, đa phần các hộ nghèo lại rơi vào những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, người già neo đơn... nên khả năng thoát nghèo rất mong manh.

Nhiều tuyến đường ở Hưng Trạch vẫn đang là đường đất lầy lội về mùa mưa, bụi mù về mùa nắng.
Nhiều tuyến đường ở Hưng Trạch vẫn đang là đường đất lầy lội về mùa mưa, bụi mù về mùa nắng.

Ngoài ra, các tiêu chí khác như cơ cấu lao động, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường... của xã cũng đang gặp nhiều khó khăn khi phấn đấu đạt theo đúng tiêu chuẩn của một xã nông thôn mới. Hiện tại, Hưng Trạch đã hoàn thành được 6/19 tiêu chí (quy hoạch, điện, chợ, y tế, an ninh chính trị) và phấn đấu trong năm nay sẽ đạt thêm 3 tiêu chí nữa (hệ thống chính trị, nước sạch, nhà ở nông thôn). Với 10 tiêu chí được đánh giá là khó còn lại, chặng đường phấn đấu đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới còn khá xa vời đối với xã nghèo Hưng Trạch.

Xã nghèo "khát" vốn

"Khát" vốn, thiếu nguồn đầu tư là nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải vì sao lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Hưng Trạch lại khó có thể về đích đúng dự kiến. Thời gian qua, chính quyền xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, trường học...; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Với địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, tuy một số hộ dân đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng các công trình dân sinh, nhưng sự đóng góp về kinh phí còn quá ít. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp gần như không có.

Do vậy, kinh phí thực hiện chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp hàng năm, dẫn đến việc xã luôn trong tình trạng năm sau chi trả nợ cho các công trình của năm trước và không có kinh phí duy tu, bảo dưỡng những công trình đã đưa vào sử dụng. Từ đó, mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng năm không bảo đảm hoàn thành mức đạt chuẩn nông thôn mới.

Để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xã Hưng Trạch đã tập trung triển khai nhiều mô hình sản xuất, thành lập các tổ liên kết trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ bà con về cây, con giống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất. Tuy đã phát huy hiệu quả kinh tế nhưng nhìn chung hầu hết các mô hình sản xuất của người dân chưa đạt kết quả như mong muốn nên thu nhập không cao.

Điều này dẫn đến nhiều hộ khó thoát nghèo. Kinh tế chậm phát triển, Hưng Trạch gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn từ phía người dân. Đây chính là rào cản đáng ngại trên lộ trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Theo đề án xây dựng nông thôn mới của xã, tổng nhu cầu vốn hiện tại để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới khoảng trên 386 tỷ đồng.

Đây là một con số quá lớn, vượt xa khả năng tài chính hiện có của xã. Để giải quyết được vấn đề "khát" vốn ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước hơn bao giờ hết, cấp ủy chính quyền Hưng Trạch cần có nhiều quyết sách hợp lý nhằm thu hút vốn đầu tư, tài trợ từ nhiều phía có như vậy mới đẩy nhanh được tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Đ.V