.

Sử dụng vật liệu xây dựng không nung, tại sao không? - Kỳ 2: Cần những giải pháp đồng bộ và sự thay đổi nhận thức của người dân

Thứ Hai, 28/07/2014, 10:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Phát triển vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) để từng bước thay thế gạch sét nung, hạn chế sử dụng đất sét và than-nguồn tài nguyên không tái tạo, góp phần bảo vệ an ninh lương thực, tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải CO2 là một trong những vấn đề đang được quan tâm. Để các chỉ thị, thông tư, nghị quyết về tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc và triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan.

>> Kỳ 1: Xu hướng tất yếu trong phát triển công nghệ sạch

Để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, việc từng bước thay thế gạch đất sét nung bằng VLXDKN sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và hạn chế được các tác động bất lợi trên. Ngoài ra, việc sản xuất vật liệu không nung còn tiêu thụ một phần đáng kể phế thải các ngành nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải.

Lợi thế của VLXDKN và chủ trương tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung là vậy, nhưng thực tế việc sử dụng gạch không nung vào các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh ta còn rất hạn chế. Nguyên nhân  trước hết là do Quảng Bình chưa có nhà máy sản xuất vật liệu không nung đạt tiêu chuẩn, sản phẩm chưa đa dạng.

Hiện chỉ có nhà máy sản xuất gạch không nung công suất 20 triệu viên năm của Công ty cổ phần Cosveco 6 và  Nhà máy sản xuất tấm lợp và gạch không nung Cosveco của Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 với công suất 80 triệu viên/1 năm (mới được khánh thành vào tháng 4-2014). Nguyên nhân thứ 2 là người dân vẫn chưa quen với việc sử dụng gạch không nung để xây dựng các công trình dân dụng, đặc biệt là nhà ở.

Với thực trạng nói trên, tỉnh ta rất khó để thực hiện thành công lộ trình tăng cường sử dụng VLXDKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đến năm 2020. Và để tháo gỡ một phần khó khăn nói trên, các cơ sở sản xuất gạch nung tỉnh ta sẽ phải điều chỉnh như thế nào để phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành vật liệu xây dựng.

Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng 1-5 là một trong những doanh nghiệp đầu tư bài bản về công nghệ sản xuất gạch tuynel lớn nhất tỉnh ta. Từ xí nghiệp gạch ngói với công suất 3,5 triệu viên mỗi năm, đến nay, công ty có sản lượng đạt con số trên 45 triệu viên/năm. Để đáp ứng yêu cầu thị trường, công ty  không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, giữ vững thương hiệu sản phẩm gạch tuynel 1-5.

Sản phẩm gạch không nung với nhiều ưu điểm vượt trội: không bị phân hóa, chống thấm tốt, chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt...
Sản phẩm gạch không nung với nhiều ưu điểm vượt trội: không bị phân hóa, chống thấm tốt, chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt...

Ông Nguyễn Ngọc Trí, Phó giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng 1-5 tâm sự: Đầu tư sản xuất theo công nghệ sản xuất tiên tiến là một trong những vấn đề luôn được lãnh đạo công ty quan tâm. Vì thế, trong thời gian qua, công ty đã thay thế các lò thủ công bằng lò tuynel nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nhiên liệu, tránh ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, cũng như những cơ sở sản xuất gạch nung khác, công ty phải mua mỏ đất sét tại Cầu Bốn, thuộc xã Thuận Đức, TP. Đồng Hới để sản xuất. Để tạo ra 45 triệu viên gạch nung/năm, công ty sử dụng khoảng 600 nghìn khối đất. Nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế sản xuất gạch nung, lãnh đạo công ty cũng đã đề ra kế hoạch và các biện pháp cụ thể để đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung.

Có mặt tại Nhà máy gạch tuynel Chánh Hòa vào những ngày này, chúng tôi được chứng kiến không khí sản xuất rất sôi động bởi đây đang là cao điểm của mùa xây dựng. Các sản phẩm gạch 2 lỗ, 3 lỗ, 6 lỗ và gạch đặc của nhà máy sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Qua tìm hiểu, chúng tôi còn được biết rất nhiều công trình xây dựng lớn của tỉnh đều đang sử dụng sản phẩm gạch của nhà máy.

Từ năm 2006, Nhà máy gạch tuynel Chánh Hòa đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất gạch tuynel với 2 lò và máy tạo khuôn, tạo hình thay thế hệ thống lò cũ nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Từ khi đầu tư hệ thống trang thiết bị mới đến nay, chất lượng sản phẩm gạch nung của nhà máy được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là độ chắc, chống thấm và chất lượng các sản phẩm luôn đồng đều nhau. Đây cũng là tiền đề để lãnh đạo nhà máy thực hiện tốt chủ trương của tỉnh là khai thác có hiệu quả những dây chuyền sản xuất gạch nung tuynel theo chiều sâu.

Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở sản xuất gạch tuynel với công suất thiết kế 153 triệu viên/năm, 5 lò gạch thủ công với sản lượng khoảng 500.000 viên/năm, 1 lò vòng có công suất 10 triệu viên/năm. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta sản xuất khoảng 275 triệu viên gạch nung và khoảng 100 triệu viên gạch không nung. Nếu theo lộ trình từ năm 2015, các lò gạch thủ công sẽ không được hoạt động thì chắc chắn cung sẽ không đủ cầu.

Hiện tại, giải pháp mà tỉnh ta đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung để thay thế gạch đất sét nung. Phấn đấu từ nay cho đến năm 2020,  sản xuất vật liệu không nung tỉnh ta đạt 120 triệu đến 160 viên/1 năm, chiếm 30% đến 50% vật liệu xây. Tỉnh cũng khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng các nhà máy sản xuất vật liệu không nung với quy mô hợp lý, áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao chất lượng, phù hợp công trình xây dựng. 

Nhằm thực hiện có hiệu quả lộ trình phát triển VLXDKN đến năm 2020, rất cần sự vào cuộc và triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan. Phải làm thế nào để mỗi người dân hiểu sử dụng VLXDKN là hợp lý, vừa bảo đảm tính bền vững của công trình, giá rẻ và thân thiện với môi trường, vừa phù hợp với xu thế thời đại.

“Theo ước tính từ 2015 đến 2020, ở nước ta thải ra từ 50 đến 60 triệu tấn các loại phế thải công nghiệp như: tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than, xỉ của nhà máy luyện kim, mạt đá... gây ô nhiễm môi trường sinh thái nghiêm trọng. Lượng phế thải đó đủ để sản xuất 40 tỷ viên gạch không nung mỗi năm mà không cần dùng đất sét ruộng.

Ngoài ra, sản xuất VLXDKN giảm tiêu tốn năng lượng 70-80% so với sản xuất gạch đất sét nung không đốt than, củi, không thải khí CO2, SO2 giảm ô nhiễm môi trường".

Hiền Chi