.

Để cụm công nghiệp thực sự là... "đầu kéo"

Thứ Sáu, 18/04/2014, 10:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Cùng với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chính là yếu tố góp phần quan trọng và là đòn bẩy đưa công nghiệp tỉnh ta phát triển theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để các cụm công nghiệp hấp dẫn được nhà đầu tư và thực sự là “đầu kéo” trong chiến lược phát triển kinh tế lại là “bài toán” không dễ tìm “lời giải” ngay trong "một sớm một chiều"...

Còn lắm khó khăn, vướng mắc

Theo báo cáo từ Sở Công thương, tỉnh ta hiện có 10 cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư cơ sở hạ tầng (gồm: cụm Thuận Đức, cụm Bắc Nghĩa, cụm Nghĩa Ninh, cụm Tân Sơn, cụm Phú Hải, cụm thị trấn Quán Hàu, cụm Cam Liên, cụm Cảnh Dương, cụm Lưu Thuận và cụm Yên Hoá) với tổng diện tích 163 ha, trong đó diện tích dùng cho sản xuất, kinh doanh là 120 ha với tỉ lệ lấp đầy bình quân là 50%. Với diện tích này, các CCN đã thu hút 86 dự án với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng; trong đó có 56 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 950 người. Tuy nhiên, hoạt động của các CCN trên địa bàn tỉnh ta đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch “treo” không có chủ đầu tư; hoặc là chủ đầu tư làm hạ tầng cơ sở nhưng không kêu gọi được doanh nghiệp vào cụm để tham gia sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, do nguồn vốn của tỉnh còn hạn chế trong khi các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN trên địa bàn chưa có nên việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các CCN vẫn còn manh mún, không đồng bộ.

Chính điều này khiến các CCN trên địa bàn tỉnh ta chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương. Hiện trong số 10 CCN đang hoạt động thì chỉ có 2 CCN là cụm Thuận Đức (xã Thuận Đức) và cụm Tân Sơn (xã Đức Ninh) đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật với diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê và đã thuê lấp đầy 100%; các cơ sở sản xuất kinh doanh ổn định, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng, tạo việc làm cho người dân địa phương và lợi ích kinh tế cho xã hội được ghi nhận. Số CCN còn lại cơ sở hạ tầng chậm phát triển, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đơn cử như CCN Cam Liên (Lệ Thuỷ), mặc dù đã lập quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng và thu hồi 36,4ha từ nhiều năm qua, nhưng đến nay CCN này mới chỉ đầu tư 1,5km đường giao thông vào cụm với tổng kinh phí 970 triệu đồng, các hạng mục khác còn lại như hàng rào, đường nội bộ, hệ thống điện, nước, nhà điều hành... đến nay vẫn chưa được đầu tư do thiếu kinh phí.

Cụm công nghiệp Quán Hàu với diện tích quy hoạch 20 ha nhưng mới chỉ có 2 dự án trong cụm đi vào hoạt động.
Cụm công nghiệp Quán Hàu với diện tích quy hoạch 20 ha nhưng mới chỉ có 2 dự án trong cụm đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, theo Đồ án quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Cam Liên giai đoạn I có diện tích 250ha trong đó có 27ha đất của CCN Cam Liên, do đó hướng xử lý sẽ nhập CCN Cam Liên vào Khu công nghiệp Cam Liên hoặc chuyển sang vị trí khác phù hợp hơn vẫn đang là “bài toán” chưa có lời giải.

Tương tự, CCN Quán Hàu, Quảng Ninh có diện tích quy hoạch là 20 ha, hiện đã lập quy hoạch chi tiết, đầu tư hạ tầng 1,3 tỉ đồng nhưng hiện chỉ có 2 dự án  trong cụm đi vào hoạt động và có sản phẩm bán ra thị trường là gạch blook Duy Phương và HTX mộc mỹ nghệ Quyết Tiến trong khi các cơ sở khác sản xuất không hiệu quả hoặc không đầu tư sản xuất nên diện tích đất bỏ hoang còn nhiều. Hiện địa phương đang xem xét bố trí thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư đồng thời mời gọi các đơn vị kinh doanh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Gỡ “nút thắt” cho cụm công nghiệp

Xác định CCN chính là đòn bẩy đưa công nghiệp tỉnh nhà phát triển, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN đã đầu tư và thu hút đầu tư đối với các cụm, điểm có tỉ lệ đăng ký lấp đầy 80%; đồng thời tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng các CCN theo phương châm “cuốn chiếu”.

Lộ trình đầu tư hạ tầng CCN đã được xây dựng theo hướng ưu tiên cho các CCN có tỷ lệ lấp đầy cao, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể nhằm từng bước bố trí quỹ đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết các cụm đã có trong chương trình phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 14 CCN hoạt động.

Thực tiễn cho thấy, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến các CCN chưa hấp dẫn được doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, giải pháp về nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng CCN được tỉnh xác định là tăng cường bố trí ngân sách hàng năm thông qua việc tranh thủ nguồn vốn xây dựng hạ tầng CCN và các nguồn vốn phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp từ ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, theo ông Trần Viết Đán, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nguồn đầu tư ngân sách cho CCN hàng năm được bố trí khá hạn chế. Trên thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong CCN ở tỉnh ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn đầu tư không lớn. Bởi vậy, để nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng phát huy hiệu quả, cần chú trọng việc thu hút số lượng lớn doanh nghiệp vào hoạt động, tăng tỷ lệ lấp đầy các CCN.

Cùng với đó, việc quản lý CCN hoạt động đúng mục đích là “lời giải” để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời đó cũng là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với CCN đã và đang hoạt động, hướng tới đầu tư và giao cho các đơn vị kinh doanh hạ tầng, trung tâm phát triển CCN các huyện, thành phố quản lý, kinh doanh kết cấu hạ tầng một cách chặt chẽ và hoàn toàn có khả năng kiểm soát quá trình hoạt động của các cụm công nghiệp với hiệu quả kinh tế cao.

Thanh Hải