.

Gỡ "nút thắt" về giống

Thứ Bảy, 01/02/2014, 15:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian đã làm nên bao đổi thay trên những cánh đồng. Cái thuở hạt gạo "bọc thép" là thứ lương thực chính đã là quá vãng, thay vào đó là những hạt gạo trắng ngần, thơm dẻo. Nhưng "cuộc chiến" về giống trên cánh đồng chưa bao giờ ngưng nghỉ. Người nông dân tỉnh nhà đã làm ra nhiều lúa gạo hơn, làm ruộng không quá nhọc nhằn như cái thuở xa xưa, nhưng vẫn chưa vui, vẫn còn nhiều thua thiệt, bởi những "nút thắt" hữu hình trong đó có những hạn chế về giống...

Vùng quê lúa Lệ Thuỷ, Quảng Ninh là vựa lúa của cả tỉnh. Nơi đây còn là "bộ sưu tầm" giống lúa của vùng đất miền Trung. Và, nói đến giống lúa trên vùng đất này nhiều người vẫn chưa quên thứ giống nay chỉ còn lại trong "bảo tàng", đấy là giống ven su thích ứng với đồng sâu bùn ngập tận thắt lưng. Thứ lúa này khi bóc vỏ lúa, hạt gạo có vỏ lụa màu nâu sẩm và rất dày (có biệt danh là gạo bọc thép) nên việc giã (xay xát) rất khó khăn, nhưng nó có những hương vị riêng biệt khó quên... Đấy là thời trước giải phóng năm 1975, nghĩa là cách đây gần bốn thập kỷ. Còn trong những thập kỷ qua nhiều giống lúa mới nối nhau trên đồng đất và mang lại cho người nông dân Lệ Thuỷ, Quảng Ninh nói riêng, Quảng Bình nói chung những thành quả lớn lao...

Nhưng trong những ngày mùa sôi động của vụ hè- thu 2013, có một nghịch lý trên đồng đất tỉnh nhà, nông dân bỏ ruộng! Có lẽ đây là "giọt nước tràn ly", đã có những "nút thắt" mà người nông dân không gỡ nổi nên đành phải hành động tiêu cực, bỏ ruộng? Nguyên nhân thì nhiều, nhưng tóm lại là trồng lúa không có lãi, mà một khi không có lãi thì bỏ ruộng là kết cục tất yếu!

Trình diễn giống lúa mới.
Trình diễn giống lúa mới.

Đề cập đến một vấn đề khác, trong buổi làm việc với một đơn vị chuyên về giống, đồng chí Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách lĩnh vực nông nghiệp đã có nhận xét khái quát: "Bộ giống lúa của chúng ta đã có sự lạc hậu, đã đến lúc phải chuyển đổi bộ giống...". Điều này rất dễ nhận biết trên thị trường lúa gạo toàn quốc, hạt gạo của các địa phương trong tỉnh đã tỏ rõ sự yếu thế của mình về giá. Nếu hạt gạo Thái, giá 20 nghìn đồng/kg, hay hạt gạo phía nam cũng tròm trèm 18-19 nghìn thì hạt gạo quê của chúng ta chỉ quanh quẩn 14-15 nghìn đồng/kg...

Anh Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình (TCTNNQB), đã có đánh giá cụ thể hơn về bộ giống trên đồng đất Quảng Bình: Bộ giống của tỉnh ta chủ yếu bộ giống cơ cấu 7-10 năm nay, bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như năng suất giảm, nhiễm sâu bệnh, chất lượng gạo giảm... Vì sao như vậy? Anh Bình lý giải: Vùng đất Quảng Bình có tính đặc thù, trong khi những năm qua nguồn giống mới phụ thuộc vào Trung ương và trong thực tế là chưa đáp ứng tốt nhu cầu (đặc thù) của địa phương. Các đơn vị sản xuất giống tại tỉnh chưa đủ điều kiện con người và kinh phí để lai tạo bộ giống cho riêng Quảng Bình.

Vậy xem ra sự lỗ, lãi trong trồng lúa của nông dân tỉnh nhà có nhiều nguyên nhân nhưng có yếu tố hết sức quan trọng và trực tiếp là giống. Vấn đề đặt ra là phải tạo bộ giống cho riêng đồng đất Quảng Bình, đây là đòi hỏi và bức thiết của sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà. Trong một cuộc họp với các "tướng lĩnh" về giống vào cuối tháng 10-2013, đồng chí Trần Văn Tuân đã nhấn mạnh đến vấn đề này và đã giao trách nhiệm cho Công ty CP TCTNNQB công việc không đơn giản này.

Trong những năm qua, ngoài việc cung ứng giống cho sản xuất trên địa bàn tỉnh, Công ty CP TCTNNQB đã rất tâm huyết với việc lai tạo giống mới và đã có những thành công nhất định. Trong làm giống, doanh nghiệp đã có hai tiêu chí chủ đạo, trong đó tiêu chí xuyên suốt là "năng suất, chất lượng, giá trị thương mại cao" và tiêu chí để phù hợp với đồng đất tỉnh nhà là  "thời gian sinh trưởng theo hướng ngắn ngày để tránh lũ". Hai tiêu chí tưởng là đơn giản nhưng những người làm giống đã phải lao tâm khổ tứ và rất tốn kém trong hành trình chọn lọc giống.

Trong các năm 2007-2012, đơn vị đã đầu tư 2 tỷ đồng để có được 2 bộ giống chất lượng cao đưa vào sản xuất và đã được khẳng định trên địa bàn Quảng Bình và các tỉnh miền Trung. Đó là bộ giống PC 6 được công nhận quốc gia giống bản quyền của công ty và giống lúa XT 28 đang làm thủ tục công nhận quốc gia giống bản quyền. Không dừng lại ở đó, đơn vị đang triển khai chương trình 10 giống lúa mới bản quyền quốc gia từ nay đến 2017 với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng, trong đó 2 giống trung ngày và 8 giống ngắn ngày và cực ngắn, có giống lúa năng suất 70-80 tạ/ha...

Đấy là những con số mà Công ty CP TCTNNQB đã và đang thực thi. Còn  chúng tôi đã khá nhiều lần tiếp cận đơn vị này qua các buổi trình diễn giống trên địa bàn tỉnh, nghe cán bộ, nông dân nói về giống lúa mà họ là chủ nhân. Nhưng ấn tượng nhất là chuyến theo đoàn cán bộ giống của công ty vào tỉnh Quảng Nam, được mục sở thị cách làm khá bài bản trên đất khách quê người. Việc đến Quảng Nam cũng như các tỉnh khu vực miền Trung là chuyện bình thường bởi đây là địa bàn làm ăn của doanh nghiệp. Nhưng việc chọn Quảng Nam để trình diễn về giống lúa lại có nguyên nhân sâu xa hơn.

Sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Nhà máy NPK Sao Việt.
Sản xuất phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Nhà máy NPK Sao Việt.

Theo anh Lê Văn  Muôn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam thì Quảng Nam nơi sản xuất lúa giống cung cấp cho các tỉnh phía bắc với số lượng hàng năm rất lớn, đây là cách làm có lợi nhất vì giá lúa giống gấp 1,2 lần lúa thịt nên dân ham giống lúa chất lượng cao để sản xuất lúa giống. Trình diễn lúa giống ở Quảng Nam mà lại có cả "dân" Phú Yên đến để chọn giống. Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy "thầy trò" của huyện Tây Hoà tỉnh Phú Yên cách chỗ trình diễn cả gần 200km cũng có mặt.

Ông Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hoà Trần Trọng Kỳ có nhận xét: "Các giống lúa của doanh nghiệp như SV5, SV7, SV47 thích hợp với đất Tây Hoà, nơi có hơn 7 nghìn ha ruộng." Trong buổi trình diễn, anh Kỳ nói với Trưởng phòng Nông nghiệp huyện và các cán bộ cùng đi "Các cậu phải nắm thật chắc, nhận xét thật kỹ từng loại giống để tôi "quyết"...". Tản mạn một chút để nói rằng, cái quan trọng, mấu chốt của vấn đề là đơn vị này đã đưa ra cái mà người sản xuất cần, nông dân rất cần. Đó là những giống lúa chất lượng cao, phù hợp với đồng đất của địa phương. Và, khi chọn đơn vị này để tạo nên một cuộc cách mạng về giống trên địa bàn tỉnh thì quả là tỉnh đã "nhìn sức vóc để trao trọng trách".

Lần này với trọng trách mà tỉnh đã giao, anh Bình tâm sự "Thì đó là việc của đơn vị mình, tất yếu phải làm và cố gắng làm thật tốt. Nhưng cũng có những khó khăn nhất định trong việc lai tạo bộ giống. Đó là vốn đầu tư ban đầu lớn, anh biết đấy, đây là sản phẩm khó làm mà thu lại vốn rất chậm, một bộ giống phải mất dăm ba năm mới ra sản xuất đại trà được, mới thu hồi dần vốn được...". Nhưng dù khó khăn đến mấy khi đã lãnh trọng trách, như cách nói của anh Bình "súng đã lên nòng", chắc hẳn những người tâm huyết với giống lúa mới ở Công ty CP TCTNNQB sẽ có những nỗ lực để tạo nên "cú hích" cho nông dân trên cánh đồng. Nhưng theo chúng tôi, hoạt động lai tạo giống, một hoạt động mang tính đặc thù chắc hẳn cũng cần những cơ chế, chính sách đặc thù từ phía tỉnh mới có thể tạo nên những đột phá thực sự.

Cũng phải nhìn nhận một cách toàn cục, rằng giống là một "nút thắt" trong nhiều "nút thắt" đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng mà nông dân đang đối mặt. Những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn đó trên đồng đất tỉnh nhà. Cơ giới hoá đã có bước tiến lớn nhưng công đoạn sau thu hoạch vẫn còn thủ công, lạc hậu, lúa vụ hè - thu hình như khó ngon thơm trong những năm mưa lũ sớm. Rồi cơ chế thu mua sản phẩm nông nghiệp, cung ứng vật tư đang thả nổi cho tư thương tung hoành về giá và phần thua thiệt lại không ai khác người trồng lúa đang là nỗi niềm của nông dân.

Hy vọng rằng, với trách nhiệm với nông dân, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong lĩnh vực kinh tế, những "nút thắt" sẽ được tháo gỡ dần để đồng đất Quảng Bình có những sắc màu mới, nông dân sẽ có những niềm vui thực sự trên cánh đồng.

Văn Hoàng