.

Sự lựa chọn duy nhất là đồng lòng đồng sức, huy động mọi nguồn lực vượt qua khó khăn để bứt phá đi lên

Thứ Tư, 01/01/2014, 10:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp đầu năm mới 2014, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quảng Bình. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

* P/V: Xin đồng chí có vài đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tỉnh nhà năm 2013, một năm đầy khó khăn?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Đúng vậy, năm 2013 là một năm khó khăn chồng chất khó khăn. Ngoài những khó khăn về kinh tế tích tụ từ các năm 2011, 2012, tỉnh ta còn phải gánh chịu thiệt hại hết sức nặng nề của cơn bão số 10 - cơn bão lịch sử trong vòng 50 năm trở lại đây và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11. Nhưng Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết với quyết tâm cao vượt qua khó khăn để duy trì sự ổn định về kinh tế - xã hội. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng đạt 7,1%, bằng năm 2012.

Sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa, sản lượng lương thực là 27,4 vạn tấn, đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã thí điểm thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với cây lúa tại xã Phong Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ và xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh với năng suất lúa đạt trên 75 tạ/ha và một số mô hình có hiệu quả khác như: ớt, đậu đỗ, dưa hấu... mở ra những triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp.

Chúng ta tiếp tục duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 70,3%, đứng đầu cả nước. Kinh tế rừng ngày càng khẳng định được hiệu quả. Sản lượng gỗ khai thác (chủ yếu là rừng trồng) trên 247 nghìn m3, tăng 19,7% so với năm 2012. Đáng mừng là với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước, bà con ngư dân đã chủ động đóng mới tàu có công suất lớn đánh bắt biển xa, sản lượng thuỷ sản đạt trên 60 nghìn tấn, tăng 6,4% so cùng kỳ.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Sản xuất công nghiệp đạt kế hoạch đề ra, tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ, đạt mức 9,5% (năm 2012 là 9,1%).

Du lịch Quảng Bình đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng 9,1% so với năm ngoái. Trong năm chúng ta đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới và Lễ hội Hang động Quảng Bình năm 2013, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương, con người Quảng Bình đến với bạn bè quốc tế, tạo cú hích cho du lịch.

Đối với thu ngân sách, khi cả nước hụt thu trên 63 nghìn tỷ đồng, nhưng chúng ta vẫn hoàn thành dự toán thu ngân sách trên địa bàn, với số thu hơn 2.108 tỷ đồng.

Trong tháng 10, tỉnh ta đã tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại tỉnh, bảo đảm trang nghiêm, tôn kính, đúng nghi thức Quốc tang của Nhà nước.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến tích cực; công tác an sinh xã hội được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,5%, đạt kế hoạch đề ra. Công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm ở cả 3 tiêu chí.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi một gia đình chính sách.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi một gia đình chính sách.

Những kết quả trong năm qua sẽ tạo đà cho năm 2014 và những năm tiếp theo. Tuy vậy, trên tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh có 3/17 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đó là các chỉ tiêu: tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất nông nghiệp, giá trị các ngành dịch vụ. Đây là các lĩnh vực chịu tác động trực diện của suy thoái kinh tế, thiên tai, bão lụt.

- P/V: Trong năm qua đã xuất hiện những tín hiệu tích cực nào có tác động lớn đến phát triển  kinh tế-xã hội năm tới, thưa đồng chí?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài:  Năm qua, bên cạnh những kết quả cụ thể vừa đề cập đến, cũng đã xuất hiện những yếu tố mới, cơ hội mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội những năm tới.

Với sự quyết tâm cao, sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sau một thời gian ngắn chúng ta đã cơ bản hoàn thành lộ trình thành lập thị xã Ba Đồn và đến nay đã có Nghị quyết của Chính phủ về thành lập thị xã Ba Đồn.

Một số cơ sở sản xuất công nghiệp đã đi vào hoạt động trong năm 2013 như: Nhà máy bê tông dự ứng lực ly tâm Sơn Trường và Phan Vũ, Nhà máy clinker Văn Hoá công suất 2 triệu tấn/năm, dây chuyền 2 Nhà máy May Hà Quảng với 1.000 công nhân giai đoạn 1...

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ngày càng sôi động, lượng hàng hóa qua cửa khẩu đạt trên 1,5 triệu tấn, tăng 70%; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 250% so với năm 2012. Sản lượng hàng hoá qua cảng Hòn La tăng 55%; lượng khách tại Cảng hàng không Đồng Hới tăng 20% so với năm 2012. Đường bay quốc tế Đồng Hới - Đài Loan đã hoàn thành các thủ tục để mở tuyến bay.

Du lịch khám phá động Sơn Đoòng đã thực sự gây ấn tượng trên thế giới. Với giá vé 3.000 USD/người tuy mới thử nghiệm nhưng số khách đã đăng ký đến hết năm 2014. Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang đang gấp rút triển khai, dự kiến đến đầu năm 2014 sẽ khánh thành... Bên cạnh những sản phẩm du lịch mới còn có hành trình thăm viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là những yếu tố để khách du lịch, cán bộ và nhân dân cả nước đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày càng nhiều hơn, góp phần đưa du lịch Quảng Bình phát triển mạnh mẽ hơn.

Một số dự án ODA mới đã được Chính phủ và nhà tài trợ  chấp thuận như: Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị và ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh (dự án IFAD 3)... với số vốn khoảng 130 triệu USD.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh ta đã được khởi công xây dựng, dự kiến năm 2015 sẽ hoàn thành. Tuyến đường từ Quán Hàu đến Cửa khẩu Chút Mút Lả Vơn đã được Bộ Giao thông vận tải quyết định nâng cấp thành quốc lộ 9B và đang được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ... Tỉnh ta được xếp đứng đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), là điều kiện tốt để thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Bình trong thời gian tới.

- P/V: Năm 2014 là năm bản lề, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chặng đường 2011 - 2015. Nhưng lại là năm khó khăn chồng chất bởi những nguyên nhân như suy giảm kinh tế, giảm đầu tư công, nhất là hậu quả của cơn bão số 10 và hoàn lưu bão số 11. Trong điều kiện đó, xin đồng chí cho biết tỉnh ta sẽ có những giải pháp nào để vượt qua khó khăn, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong năm mới 2014?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Đúng vậy, năm 2014 là năm nước rút của chặng đường 2011-2015, mặc dù kinh tế được dự báo sẽ phục hồi nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức. Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 đã đề ra, tỉnh ta sẽ tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

Trong nông nghiệp, đưa các giống lúa phẩm chất cao, giá trị cao thay cho các giống lúa cũ; đồng thời chuyển đổi một số diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ngô, lạc, dưa hấu, rau các loại, ớt, đậu đổ... để tăng thu nhập cho người nông dân. Tiếp tục chỉ đạo trồng cao su theo quy hoạch, đi đôi với chăm sóc các vườn cao su bị gãy cành có khả năng hồi phục. Đối với các vườn cao su bị hỏng hoàn toàn thì tổ chức thanh lý, trồng mới lại. Tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, đây là lĩnh vực dễ làm và hiệu quả cao.

Tập trung chăn nuôi bò, lợn, gia cầm, trong đó từng bước đưa giống bò bradman vào sản xuất để bảo đảm đàn bò thực sự chất lượng và đủ sức cạnh tranh về lâu dài. Tạo điều kiện để ngư dân đóng tàu lớn, hỗ trợ thiết bị thông tin liên lạc để tăng cường đánh bắt vùng biển xa. Về nuôi trồng: tỉnh chủ trương không mở rộng nuôi tôm trên cát, tập trung phát triển nuôi thuỷ sản nước ngọt, lợ với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.

Tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam triển khai dự án Trung tâm Nhiệt điện Quảng Trạch 1 đạt tiến độ đề ra. Đưa các nhà máy xi măng đi vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy xi măng Văn Hoá, Nhà máy xi măng Áng Sơn 1, Áng Sơn 2. Phối hợp với Tổng công ty May 10 đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy may áo sơ mi chất lượng cao Hà Quảng và Nhà máy May Quán Hàu để đến tháng 6-2014 đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 1.600 công nhân.

UBND tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư về phát triển công nghiệp; kêu gọi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2; kêu gọi Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đầu tư Khu công nghiệp Ấn Độ tại Quảng Bình.

Tranh thủ huy động tối đa các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh. Đây là một trong bốn chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Bởi muốn tăng trưởng kinh tế nhanh thì phải phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngoài các điều kiện tự nhiên thì hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Chú trọng phát triển du lịch. Ngoài việc đưa các sản phẩm du lịch mới vào khai thác, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư các khách sạn, nhà hàng chất lượng; mở đường bay Đồng Hới - Đài Bắc (Đài Loan), kêu gọi bay giá rẻ Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - thành phố Hồ Chí Minh... Đồng thời, tăng cường chỉ đạo nâng cao văn hoá du lịch, công nghệ du lịch, môi trường, an ninh và chất lượng các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí. Quyết tâm đưa du lịch Quảng Bình phát triển tương đương với các trung tâm du lịch trong nước.

Năm 2014, tỉnh ta sẽ tổ chức thật tốt kỷ niệm 410 năm có danh xưng Quảng Bình, đây là một sự kiện quan trọng nhằm khơi dậy truyền thống về mảnh đất, con người Quảng Bình; là dịp để quảng bá tiềm năng, thế mạnh Quảng Bình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- P/V: Năm 2014, lĩnh vực nào có thể tạo được sự đột phá, thưa đồng chí?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Tôi cho rằng đó là lĩnh vực du lịch!

- P/V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Văn Phúc (thực hiện)