.

Mênh mông cánh đồng mẫu lớn

Thứ Tư, 01/01/2014, 13:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) không phải là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng nó là nhiệm vụ then chốt nhằm chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng CĐML, vài năm trở lại đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu triển khai mô hình này đối với cây lúa cùng nhiều loại cây trồng khác.

Đẩy mạnh dồn điền đổi thửa

Trước đây, để bảo đảm sự “công bằng”, nhiều hộ nông dân ở tỉnh ta khi được giao đất nông nghiệp đều có ruộng tốt, xấu, cao, thấp, đồng gần, đồng xa... dẫn đến tình trạng ruộng đất bị xé nhỏ, manh mún. Từ khi cả nước triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các địa phương ở tỉnh ta đã chú trọng nhiều hơn vào việc quy hoạch phát triển sản xuất, tiến hành dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất..., từ đó triển khai mô hình CĐML.

Cách đây vài năm, bình quân mỗi hộ dân ở xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy có từ 6 đến 7 thửa ruộng. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển sản xuất theo yêu cầu của nông thôn mới, xã Phong Thủy đã “lưu tâm” tới việc sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành nên những vùng thâm canh tập trung, có hiệu quả kinh tế cao... Để làm được điều đó, năm 2012, địa phương đã mạnh dạn thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, xem đây là khâu quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX Đại Phong, xã Phong Thủy cho biết: Sau khi UBND xã Phong Thủy tiến hành công bố quy hoạch (trong đó có quy hoạch phát triển sản xuất), bám sát chủ trương của tỉnh và huyện, HTX Đại Phong đã chủ động tổ chức họp dân để tiến hành công tác dồn điền đổi thửa. Sau một thời gian họp bàn, các xã viên ở HTX đã đi đến thống nhất giảm từ 6-7 thửa/hộ xuống bình quân còn 2,8 thửa/hộ. Thời gian kể từ khi triển khai việc dồn điền đổi thửa đến khi hoàn tất chừng 2 tháng. Cách thức dồn điền đổi thửa của HTX là thông qua bàn bạc dân chủ để bảo đảm sự công bằng, thống nhất cao trong các xã viên...

Anh Nguyễn Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy (Lệ Thủy) chia sẻ: Toàn xã có 889 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 700 ha trong địa giới, số còn lại nằm ngoài địa giới (ruộng do bà con xâm canh tại các xã Cam Thủy, Thanh Thủy, An Thủy, Sơn Thủy...). Trước đây, bình quân mỗi hộ sản xuất nông nghiệp ở Liên Thủy có 7 thửa ruộng. Tháng 8-2012, với quyết tâm xây dựng CĐML, địa phương đã làm một cuộc “cách mạng” trong công tác dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, phải gần 1 năm sau Liên Thủy mới hoàn tất được công việc này...

Nhờ dồn điền đổi thửa, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng tại nhiều địa phương trong tỉnh ngày càng thuận lợi hơn.
Nhờ dồn điền đổi thửa, việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng tại nhiều địa phương trong tỉnh ngày càng thuận lợi hơn.

Sau khi thành lập Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa từ cấp xã đến thôn, chúng tôi tiếp tục triển khai tới tận từng cụm, điểm dân cư. Tổ chức khá nhiều buổi họp bàn, cắt cử cán bộ về trực tiếp gặp từng hộ dân để vận động, thuyết phục cả tháng trời, bà con mới “xuôi tai” chấp thuận giảm xuống bình quân còn 3,8 thửa/hộ.

Ngoài công việc đo đạc, đánh giá đúng thực chất từng loại chân ruộng tốt, xấu, cao, thấp, xa, gần khác nhau..., chúng tôi phải mời thêm những người cao niên có kinh nghiệm làm nông trong xã để cùng phối hợp tham gia vào việc phân chia ruộng nhằm tạo sự công bằng, dân chủ, đúng thực chất hơn. Nói chung, việc dồn điền đổi thửa ở Liên Thủy được thực hiện thắng lợi dựa trên tinh thần dân vận “mưa dầm thấm lâu”; cộng đồng tự biểu quyết, đồng thuận, thống nhất cao; lấy đảng viên, đoàn viên và các hội viên làm “đầu tàu” gương mẫu thực hiện trước...

Theo ông Võ Văn Thắng, Trưởng thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, trước đây bà con địa phương chúng tôi có từ 6-7 thửa ruộng tại nhiều vị trí khác nhau. Vào mùa vụ, khi tiến hành khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch..., mỗi công việc như thế cũng tốn khoảng 1 ngày/ thửa. Bây giờ giảm xuống còn 3 thửa, mỗi công việc như thế cũng chỉ trong vòng 1 ngày/thửa.

Như vậy thời gian đầu tư vào khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch đã được rút ngắn đáng kể. Đó là chưa tính tới khâu chăm sóc, bón phân, thủy lợi rất thuận tiện, tiết kiệm rất nhiều kinh phí. Khi ruộng không còn manh mún, phân tán, một số nông dân trong xã đã thuê lại ruộng của những hộ dân liền kề nhằm “tích tụ ruộng đất”, sản xuất theo quy mô lớn, chuyên sâu, nhờ đó mà năng suất, hiệu quả kinh tế được nâng lên đang kể...

Chú trọng liên kết “4 nhà”

Để xây dựng và phát triển CĐML nhằm hình thành nên vùng hàng hóa tập trung, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho nông dân, bên cạnh việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch phát triển sản xuất..., nhiều địa phương ở tỉnh ta đã bước đầu đẩy mạnh liên kết 4 nhà: Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp và nhà nông trong chuỗi nghiên cứu, sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ.

Chủ nhiệm HTX Đại Phong Nguyễn Văn Hoàng phấn khởi: Năm ngoái, HTX chúng tôi đã tiến hành ký kết với Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình đảm nhận cung ứng đầu vào về giống, phân bón, quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn thị trường gấp 1,2 lần.

Kết quả, năng suất vụ mùa này đạt bình quân 75 tạ/ha (bình quân các mùa vụ này những năm trước đạt khoảng 65 tạ/ha). Mới năm đầu thực hiện CĐML, các xã viên chúng tôi đã rất hứng khởi vì lợi nhuận được tăng lên đáng kể, không phải lo lắng cho đầu ra sản phẩm như trước. Năm nay HTX chúng tôi lại tiếp tục ký kết hợp đồng với đơn vị nói trên để thực hiện CĐML với diện tích tăng thêm khoảng 10 ha. Nét đặc biệt ở vụ mùa này là chúng tôi sẽ sản xuất lúa theo mô hình khép kín; thực hiện “3 giảm, 3 tăng”; sử dụng phân bón Sao Việt để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...  

Mô hình CĐML trồng lúa tại xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Mô hình CĐML trồng lúa tại xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Tin vui từ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh mới đây cho biết, năm 2014, tiếp tục triển khai xây dựng CĐML trên địa bàn tỉnh, để liên kết với nông dân thực hiện thành công các CĐML, đã có 9 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Cụ thể, về sản xuất lúa giống có Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình; về sản xuất lúa thương phẩm có Cục dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên, Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hoà- Nghệ An; về sản xuất ớt có các doanh nghiệp Công ty TNHH Long Nguyên Khang, Công ty Duy Phong và Công ty Chu Hạnh (Bố Trạch), Công ty Trần Vinh (Hải Dương); về cây sắn nguyên liệu có Nhà máy tinh bột sắn xuất khẩu Sông Dinh và Nhà máy tinh bột Long Giang.

“Nở rộ” những cánh đồng mẫu lớn

Từ việc quy hoạch phát triển sản xuất, dồn điền đổi thửa thành công, vụ đông- xuân 2013-2014, nhiều địa phương ở tỉnh ta đã và đang bắt tay vào triển khai thực hiện CĐML đối với nhiều loại cây trồng khác nhau như lúa, ớt, sắn...

Ông Dương Đệ Quang, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Lệ Thủy nói, vụ đông-xuân 2012-2013, xã Phong Thủy (Lệ Thủy) là một trong số ít các địa phương ở tỉnh ta mạnh dạn đi đầu trong việc triển khai thực hiện CĐML trồng lúa với tổng diện tích 80 ha. Từ thành công của mô hình nói trên, năm 2014, huyện Lệ Thủy tiếp tục triển khai mô hình CĐML trồng lúa tại xã Phong Thủy, dự kiến diện tích sẽ tăng lên 111 ha.

Bên cạnh đó, chúng tôi có kế hoạch triển khai mô hình CĐML tại xã An Thủy với diện tích khoảng 200 ha; xã Liên Thủy với diện tích 40ha. Bên cạnh việc triển khai mô hình CĐML trồng lúa, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo nhân dân một số địa phương vùng cát ven quốc lộ 1 từng bước xây dựng CĐML trồng ớt, khoai lang cùng một số loại cây màu khác.

Anh Nguyễn Ngọc Thụ, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh bày tỏ quyết tâm: Vụ đông-xuân 2013-2014, huyện Quảng Ninh sẽ tiến hành xây dựng CĐML trồng lúa tại xã An Ninh, diện tích 150 ha; xã Vạn Ninh 45 ha. Bên cạnh đó, vụ mùa này huyện cũng tiến hành liên kết với một số doanh nghiệp nhằm đảm nhận việc cung ứng đầu vào về giống, phân bón, quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn thị trường, trên tổng diện tích khoảng 600ha tại các xã An Ninh, Xuân Ninh, Duy Ninh... Trong năm 2014, huyện Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai CĐML trồng ngô: 30ha; trồng dưa hấu: 20ha; trồng mướp đắng: 7ha; sắn: 100 ha (tại hai xã Trường Sơn, Trường Xuân); trồng ớt: 15ha. Song song với việc thực hiện CĐML, Quảng Ninh sẽ tiến hành chọn một số địa phương “làm điểm” trong việc dồn điền đổi thửa, rút ngắn xuống còn 1 thửa/hộ. Nếu thành công, chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng ra toàn huyện.

Được biết, ngoài Quảng Ninh và Lệ Thủy, các địa phương khác trong tỉnh cũng đã và đang triển khai thực hiện CĐML trên nhiều loại cây trồng khác nhau, chẳng hạn như huyện Bố Trạch triển khai CĐML trồng ớt tại xã Hưng Trạch, Cự Nẫm; trồng sắn tại xã Nam Trạch, Tây Trạch, Hòa Trạch, Phú Định... Hy vọng rằng, mô hình CĐML sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người nông dân trong việc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Văn Minh