.

Đã có những điểm sáng ở phía tây...

Thứ Ba, 31/12/2013, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau gần 10 năm đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đưa vào sử dụng, vùng đất phía tây huyện Lệ Thuỷ nơi con đường đi qua hình như chưa có những chuyển biến gì lớn. Con đường vẫn trầm mặc, buồn teo giữa heo hút rừng già... Nhưng bên tỉnh lộ số 10 nối với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đã có một cơ ngơi khá hoành tráng của một đơn vị kinh tế- quốc phòng và rồi nữa, đường 16 đang được cải tạo, nâng cấp xuyên qua bên kia biên giới. Đây là những khởi động để đánh thức vùng đất giàu tiềm năng phía tây huyện Lệ Thuỷ...

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây là một sự sáng tạo của dân tộc ta trong chiến tranh chống ngoại xâm. Sau chiến tranh nó chỉ còn lại trong ký ức của những thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong thời đánh Mỹ. Ngày khởi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường này có bao kỳ vọng đổi đời cho vùng đất và rừng phía tây huyện Lệ Thuỷ xa xôi. Tuyến đường đi suốt qua các huyện từ Bố Trạch vào cuối tỉnh, nhưng có lẽ vùng rừng núi phía tây Lệ Thuỷ là được hưởng lợi nhiều nhất vì nó chạy qua một vùng rộng lớn, xa trung tâm và nhiều tiềm năng...

Trong một ngày cuối tháng 9 năm 2013, chúng tôi có dịp đi lại tuyến đường này trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công đường 16 của lãnh đạo tỉnh. Con đường vẫn heo hút giữa rừng hoang vắng, buồn teo...Đem điều băn khoăn này trao đổi với anh Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, anh cho biết: huyện Lệ Thuỷ cũng đang rất kỳ vọng vào vùng đất phía tây để phát triển kinh tế rừng, đặc biệt khi đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thông tuyến. Nhưng bao năm nay chưa có những chuyển động đậm nét...

Chuyện giữ rừng có lẽ không phải bàn, bởi đó là một tất yếu, nhưng cơ chế chính sách cho người giữ rừng chỉ mang tính tượng trưng, chủ yếu là hô hào lòng nhiệt huyết của người giữ rừng. Rồi các chính sách khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế cũng có những mặt yếu kém, nhất là trong việc giao đất, giao rừng. Việc giao đất, đất chưa đến tay người dân tộc thì đã sang tay người "đội lốt" dân tộc thiểu số...Trong thời gian gần đây những hạn chế trên đang được khắc phục và đã có những chuyển biến tích cực.

Cơ ngơi của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 tại km17 đường 10.
Cơ ngơi của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 tại km17 đường 10.

Theo anh Thảo, đến nay 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện đã được giao đất ở, đất sản xuất, chỉ còn 2 bản thuộc xã Kim Thuỷ đang còn một số vướng mắc về đất sản xuất nhưng sẽ được giải quyết trong nay mai. Nhưng có lẽ, chừng đó chưa đủ mạnh, đủ lực để làm cho phía tây bừng sáng lên. Phía Tây đang cần một điều gì đó lớn lao hơn, căn bản hơn, mạnh mẽ hơn mới có thể tạo nên sự khác biệt trong hiện tại và tương lai...

Trong chuyến đi này, có hai điều chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay dù mới chỉ là manh nha ở miền tây. Đó là Đoàn Kinh tế- Quốc phòng (KT-QP) 79 đã hiện diện khá hoành tráng và thực sự lớn mạnh. Hiển nhiên, họ là một đơn vị của Binh đoàn Tây Nguyên hùng mạnh hẳn là không thể èo uột. Cái hùng mạnh mà chúng tôi đề cập đến là họ đã có trong tay hơn 1.075 ha cao su sau bốn năm "cắm sào" tại miền tây Quảng Bình, miền tây Lệ Thuỷ trong kế hoạch 3 nghìn ha cao su của họ những năm tới. Bão số 10 làm nhiều doanh nghiệp, hộ dân trồng cao su điêu đứng, nhưng với Đoàn KT-QP 79 chẳng hề hấn gì, chính xác là có khoảng 7 ha bị hư hại trên tổng số 1.075 ha cao su. Điều đó được lý giải rất rõ ràng, đây là vùng xa biển, có nhiều triền núi khuất lấp gió bão...Họ đã xây dựng một cơ sở hoành tráng bên đường 10 vốn heo hút, như để khẳng định sẽ đứng chân lâu dài và làm ăn lớn trên vùng đất này.

Anh Nguyễn Văn Quốc, Đại tá Đoàn trưởng cho biết: Trong 4 năm qua Đoàn đã cuốn hút hơn 260 lao động địa phương (trong đó có 56 người dân tộc thiểu số) vào guồng máy hoạt động của đơn vị với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/ người/ tháng... Bên cạnh phát triển kinh tế, dự án cụm bản thuộc Khu kinh tế- quốc phòng nam Quảng Bình do đơn vị làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng đang được triển khai. Đường điện vào Làng Ho và 3 nhà trẻ, mẫu giáo của 2 xã Lâm Thuỷ và Kim Thuỷ đang được xây dựng và những mô hình trồng cây ăn quả, nuôi bò, đường điện trung hạ thế... sẽ được triển khai trong năm 2014. Và nữa, những "làng công nhân" đang hiện hữu giữa núi rừng thâm u...

Vâng, ngoài những điều mà Đoàn KT-QP 79 làm được cho vùng đất này và cho chính họ, còn có những điều lớn lao hơn. Anh Phan Hữu Thảo cho rằng: phía tây của Lệ Thuỷ đang rất cần những đơn vị như Đoàn KT-QP 79, vừa làm kinh tế vừa hoạt động xã hội để làm cho vùng đất này đổi thay. Nói một cách khái quát, đây là vùng đất đặc thù, nên có những doanh nghiệp đặc thù mới có thể mang lại cho vùng đất này những điều tươi mới. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để có nhiều đơn vị như thế trên vùng đất này? Câu trả lời từ chính những doanh nghiệp tâm huyết với vùng đất này và cả những cơ chế, chính sách hấp dẫn họ của cơ quan công quyền. Hẳn nhiên cơ chế, chính sách ở đây bao gồm tài nguyên đất đai cần phải dành dụm để mời gọi, không để rơi vào tay một số ít doanh nghiệp chuyên kinh doanh thuần tuý. Ngoài ra, cũng cần quy hoạch một số trung tâm thị trấn, thị tứ ngay trên tuyến đường này. 

Vùng đất này là vùng sâu, vùng xa. Ngoài đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy dọc, còn có đường 10 và đường 16, hai tuyến đường ngang tạo thế bàn cờ. Đường 10 đã được nâng cấp trong mấy năm qua, nhưng đường 16 thì vẫn là "con đường đau khổ", nó bị quên lãng sau chiến tranh, gần như chỉ có xe của "lâm tặc" mới bò qua được.

Đầu năm 2011, đường 16 đã được nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp. Các đơn vị thi công đã thực hiện được 40% khối lượng công việc, những cây cầu trọng yếu trên tuyến đã được hoàn thành về cơ bản. Đường 16 nối từ quốc lộ 1 qua thị trấn huyện lỵ Lệ Thuỷ xuyên qua miền tây và vươn sang bên kia biên giới, tạo nên mạch thông thương với nước bạn Lào. Tôi cho rằng, đây lại là một "điểm sáng" mang tính chiến lược cho vùng đất này. Chỉ tiếc rằng, nguồn vốn cho đường 16 đang bị ách tắc do các chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ. Hy vọng rằng "nút thắt" này sẽ sớm được khơi thông để đường 16 làm tròn trọng trách với miền tây xa xôi.   

Văn Hoàng