Tăng cường công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm

Cập nhật lúc 08:34, Thứ Năm, 02/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta chưa phát hiện dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và heo tai xanh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo dự báo của Chi cục Thú y tỉnh, thời tiết thay đổi chuyển mùa cộng với tình trạng miễn dịch trên đàn gia súc, gia cầm đã giảm do thời điểm tiêm phòng vào cuối  năm 2012 nên vật nuôi thường dễ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong tình hình dịch cúm gia cầm đang bùng phát tại các tỉnh thành phía Nam thì đây chính là những nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm...

Để chủ động phòng chống dịch, Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường lực lượng chức năng nhằm tổ chức công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắcxin cho gia súc, gia cầm tại các cơ sở chăn nuôi và kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Theo đó, xác định tiêm phòng vắc xin là khâu quan trọng nhất và cũng là biện pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh, Chi cục Thú y đã triển khai kế hoạch tiêm phòng đợt I năm 2013.

Theo kế hoạch, từ cuối tháng 3 các địa phương trong tỉnh thực hiện thống kê đàn, xây dựng kế hoạch và đăng ký vắc xin tiêm phòng với số lượng gần 1.200.000 liều cho cả gia súc, gia cầm. Đến đầu tháng 4, các huyện, thành phố đã triển khai đồng loạt tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm.

Tính đến nay, các huyện, thành phố đã tiêm phòng các bệnh cho đàn gia súc, gia cầm thuộc diện tiêm trên địa bàn tỉnh với kết quả cụ thể như sau: LMLM  (55.337 liều) đạt 61%; tụ huyết trùng trâu bò (41.727 liều) đạt 52%; dịch tả lợn và heo tai xanh (34.990 liều) đạt 41%; cúm gia cầm (299.500 liều) đạt 33%; dại chó (22.840 liều) đạt 57%. Đáng nói, đang là thời điểm ra quân tiêm phòng nhưng một số loại vắc xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt thấp so với kế hoạch như: cúm gia cầm thực hiện được 299.500 liều/KH 900.000 liều; dịch tả lợn thực hiện 34.990 liều/KH 85.000 liều; tụ huyết trùng trâu bò thực hiện 41,727 liều/KH 80.000 liều...

Lý giải cho điều này, ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y cho biết, trước hết là do nhận thức về công tác phòng dịch bệnh của người chăn nuôi trong tỉnh hạn chế. Tập quán chăn nuôi theo hình thức phân tán, chăn thả (chủ yếu là các huyện miền núi) còn nhiều nên việc phòng chống dịch bệnh khó khăn. Đáng nói, hiện nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại tỉnh ta chưa có biến động nên nhiều người nuôi chủ quan và lơ là trước việc phòng dịch.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng, một số chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm đối với công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giao khoán công tác này cho hệ thống thú y. Mặt khác, lực lượng thú y cơ sở hiện nay chưa thực sự năng nỗ, nhiệt tình và có trách nhiệm trong hoạt động phòng dịch.

Song cũng cần ghi nhận các địa phương đã thực hiện tốt công tác tiêm phòng đợt I như huyện Tuyên Hóa và Quảng Ninh. Là một huyện miền núi, lại không nằm trong vùng không có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nhưng huyện Tuyên Hóa đã trích ngân sách địa phương để phục vụ cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và tỷ lệ tiêm phòng dịch tả lợn đạt 100% kế hoạch đợt I. Riêng huyện Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều động thái tích cực trong công tác tiêm phòng đợt I, do vậy một số tỷ lệ liều vắcxin tiêm cho gia súc, gia cầm  đạt cao như LMLM, tụ huyết trùng trâu bò, dại chó và dịch tả lợn.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, để không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, giải pháp thiết thực nhất là hệ thống thú y tiếp tục tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân bằng nhiều hình thức để người chăn nuôi hiểu, tự giác tham gia tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, kết hợp với vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Mặt khác, phải đốc thúc việc tiêm phòng và hoàn thành tiêm phòng các loại vắc xin đợt I. Cùng với đó, cần gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức xã hội với công tác phòng chống dịch bệnh nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác phòng dịch là đạt yêu cầu và chất lượng. Ngoài ra, lực lượng thú ý  duy trì công tác kiểm dịch động vật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, trước tình hình dịch cúm đang diễn biến phức tạp, các địa phương cần tăng cường quản lý đối tượng gia cầm, chim bồ câu và các loại chim cảnh. Ngoài đợt tiêm phòng chính, hệ thống thú y còn tổ chức triển khai cho hệ thống cộng tác viên thú y tiêm phòng bổ sung thường xuyên hàng tháng để tạo miễn dịch khép kín trên đàn gia súc, gia cầm.

                                                                                        N. L



 

,
.
.
.