Chung sức xây dựng nông thôn mới:

Những "bứt phá" ngoạn mục ở Bố Trạch

Cập nhật lúc 07:42, Thứ Năm, 02/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Báo cáo về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (MTQGXDNTM) huyện Bố Trạch ngày 16-4 cho biết, so với xuất phát điểm trước khi bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình, hiện toàn huyện đã có 3/28 xã đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 15 xã); 13/28 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí (tăng 10 xã); 5/28 xã đạt từ 10 đến 12 tiêu chí (giảm 2 xã); 7/28 xã đạt từ 13 đến 16 tiêu chí (tăng 7 xã). Đây chính là những minh chứng thuyết phục nhất để thể hiện sự “bứt phá” ngoạn mục ở huyện Bố Trạch...

Sau “chê” đến... “khen”

Cách đây chừng 1 năm về trước, khi các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh đến kiểm tra, làm việc với huyện Bố Trạch về tình hình xây dựng nông thôn mới, đã “chê” địa phương vào cuộc chưa tích cực dẫn đến hiệu quả của việc triển khai thực hiện chương trình chưa cao, còn thua kém nhiều địa phương khác trong tỉnh...

Ngay sau đợt kiểm tra của UBND tỉnh về kết quả 1 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Bố Trạch đã “sớm cầu thị” khẩn trương tổ chức nhiều buổi họp chuyên đề về nông thôn mới một cách nghiêm túc để thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, từ đó tìm cách khắc phục, sửa chữa. Trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Bố Trạch nhanh chóng đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp nhằm triển khai thực hiện chương trình với quyết tâm đạt hiệu quả cao, phù hợp với thực tiễn ở mỗi một địa phương...

Bí thư Huyện ủy Trần Thanh Văn cho biết, thời gian qua, huyện đã tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích của chương trình. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, người dân về nông thôn mới ngày càng được nâng lên, huyện đã phát động rất nhiều phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới, gắn việc thi đua với công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc thường xuyên... Chính nhờ đó, những kết quả bước đầu sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM ở Bố Trạch đạt được như ngày hôm nay là rất đáng phấn khởi.

Kiên cố hóa đường GTNT ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch.
Kiên cố hóa đường GTNT ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch.

Trong buổi làm việc của UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM ngày 18-4-2013 tại huyện Bố Trạch, đồng chí Trần Văn Tuân, UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình MTQGXDNTM tỉnh đã khen ngợi về sự tích cực vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bố Trạch trong việc triển khai thực hiện Chương trình MTQGXDNTM. Xây dựng nông thôn mới là một chủ trương, chiến lược dài hơi của Chính phủ, chỉ sau 1 năm “bị chê”, huyện Bố Trạch đã tiếp thu một cách nghiêm túc, khẩn trương khắc phục những hạn chế, thiếu sót..., đây quả là một sự “bứt phá” ngoạn mục...  

Xã không đối ứng nổi nguồn lực của dân

Nhiều vị lãnh đạo cốt cán ở huyện Bố Trạch đã thẳng thắn thừa nhận, nguồn lực mà nhân dân tự huy động được để xây dựng nông thôn mới hiện đã vượt quá sự đối ứng của chính quyền các xã. Nguyên do thì có nhiều, tựu trung lại là do kinh phí ở một số xã hiện quá hạn hẹp, không thể đối ứng nổi trước sự đóng góp mạnh mẽ của dân. Chẳng hạn như trong việc kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi...

Đồng chí Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQGXDNTM, địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ và sâu hơn về nội dung, mục đích của chương trình. Cụ thể, trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã làm cho dân hiểu được phần việc nào là trách nhiệm của nhân dân, phần việc nào là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền địa phương, người dân chính là chủ thể...

Nhờ hiểu rõ hơn về chương trình, tại nhiều thôn, xã ở huyện Bố Trạch đã và đang dấy lên các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới rất sôi nổi, mạnh mẽ. Tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, xem nông thôn mới là một dự án do Nhà nước đầu tư hoàn toàn... hiện đã bị đẩy lùi. Mục tiêu chính của nông thôn mới là phát huy tốt nguồn nội lực của dân. Khi đã “khơi thông” được tư tưởng của nhân dân về chương trình, mọi công việc sẽ diễn tiến rất thuận lợi... Nhân dân Bố Trạch hiện rất hào hứng, tích cực tham gia thực hiện chương trình. Huy động tốt nguồn nội lực của dân, tuy nhiên Bố Trạch vẫn tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, vượt quá sức dân.

Mô hình nuôi lợn rừng tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch.
Mô hình nuôi lợn rừng tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch.

“Thực hiện Chương trình MTQGXDNTM, thời gian qua, nhân dân địa phương chúng tôi tích cực tham gia hiến đất, tài sản, đóng góp công sức, tiền của để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nơi thôn, xóm của mình... Dân sẵn sàng góp công góp của để xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã không chấp nhận nguyện vọng chính đáng đó thì không được. Nhưng nếu cầm tiền của dân rồi mà không có nguồn vốn đối ứng để làm thì cũng dở, sẽ làm “nhụt chí” của dân. Cầm tiền của dân mà “ngâm” lâu thì sợ người dân thắc mắc, thậm chí phạm luật như chơi...” - Một đồng chí cán bộ xã ở huyện Bố Trạch bày tỏ với chúng tôi.

Sức dân đã “vượt tầm” sức xã, sự “bứt phá” ngoạn mục này chính là minh chứng tiếp theo về hiệu quả của công tác huy động nguồn nội lực từ nhân dân vào chương trình xây dựng nôn mới ở Bố Trạch...

Nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới sáng tạo và hiệu quả

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã đưa ra rất nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn ở mỗi một địa phương. Cụ thể, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã đưa ra mẫu thiết kế công trình giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện cho các xã áp dụng triển khai thi công thuận tiện, tiết kiệm kinh phí, giảm được mọi khâu chi phí trung gian nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công trình. Nhận thấy mô hình mẫu thiết kế công trình giao thông, thủy lợi phát huy tác dụng tốt, đầu tháng 4-2013, UBND huyện Bố Trạch lại tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt thiết kế mẫu một số hạng mục phụ trợ xây dựng trường học như: nhà vệ sinh, cổng, hàng rào, khuôn viên...

Anh Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch phấn khởi, nhờ áp dụng mẫu thiết kế chung của huyện trong kiên cố hóa đường giao thông nông thôn ở xã, địa phương chúng tôi đã tiết kiệm được khoảng 40% kinh phí nhờ khỏi phải thuê đội ngũ thiết kế, giám sát... Tương tự, ông Trần Ngọc Phước, Chủ tịch UBND xã Đồng Trạch nói, mới đây, từ nguồn vốn nhân dân đóng góp cộng với nguồn vốn đối ứng của các cấp, địa phương chúng tôi tính toán sẽ kiên cố hóa được 1 km đường giao thông liên thôn. Thế mà, khi áp dụng mẫu thiết kế chung của huyện, Đồng Trạch đã kiên cố hóa được 1,5 km, chất lượng công trình bảo đảm tốt, nhân dân đồng thuận cao...

                                                                                Văn Minh



 

,
.
.
.