Ngày mới ở Bảo Ninh

Cập nhật lúc 07:25, Thứ Hai, 29/04/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Bảo Ninh là xã vùng biển nằm phía đông thành phố Đồng Hới, có địa bàn rộng lớn, ba bề tiếp giáp với biển và sông Nhật Lệ với diện tích tự nhiên 1.633 ha, rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển và du lịch. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của người dân đã tạo đà tạo thế cho Bảo Ninh vươn mình ra biển lớn, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,5%.

Từ trung tâm thành phố Đồng Hới nhìn sang, xã Bảo Ninh như một hòn non bộ lớn xinh đẹp nằm bên bờ biển xanh. Chiếc cầu Nhật Lệ I như một dải lụa mềm nối Bảo Ninh với trung tâm thành phố, càng tạo cho Bảo Ninh sức thu hút mạnh mẽ du khách và các nhà đầu tư.

Trong những ngày tháng tư này, chúng tôi có dịp trở lại Bảo Ninh, qua chuyện trò với đồng chí Trương Hồng Song, Bí thư Đảng ủy xã được biết Bảo Ninh đang tạo đà, tạo thế để phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ và chế biến hải sản.

Sau khi cầu Nhật Lệ I được xây dựng, như có một phép mầu bộ mặt của vùng đất Bảo Ninh đã thay đổi từng ngày. Khởi đầu là dự án khu du lịch Sun Spa resort Mỹ Cảnh được đầu tư xây dựng, đã biến vùng cát hoang sơ của xã trở thành một khu vực du lịch hiện đại, tráng lệ, không thua kém gì so với các khu du lịch nổi tiếng trên thế giới. Tiếp đến có một loạt dự án du lịch, dịch vụ, trung tâm thương mại được cấp phép đầu tư xây dựng dọc theo bờ biển của xã.

Trên lĩnh vực kinh tế, xác định nền kinh tế của Bảo Ninh chủ yếu là khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản, nên Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế biển theo hướng vươn khơi, đầu tư máy móc tàu thuyền hiện đại.

Kinh tế biển của xã thực sự chuyển đổi mạnh mẽ cả quy mô sản xuất, nghề nghiệp và tổ chức mô hình. Một số nghề thu nhập ổn định và có sản lượng xuất khẩu cao đã phát huy như nghề vây khơi, nghề câu truyền thống và một số nghề khác, bình quân thu nhập từ 2,5- 3 triệu đồng/tháng/ lao động.

Đội tàu cá của xã.
Đội tàu cá của xã.

Tổng số tàu thuyền hiện có của xã là 415 chiếc với tổng công suất là 32.500 CV, tổng sản lượng năm 2012 đạt gần 5.000 tấn. Trong các tháng đầu năm 2013, nhờ thời tiết thuận lợi nên bà con ngư dân tổ chức bám biểm dài ngày, sản lượng đạt khá cao so với cùng kỳ nhiều năm. Dự ước  sản lượng 4 tháng đầu năm 2013 là  1.600 tấn, đạt 35% kế hoạch cả năm.

Nét mới trong sản xuất nghề biển ở Bảo Ninh là ngư dân mạnh dạn chuyển đổi nghề truyền thống từ nghề vó ánh sáng, giã kéo sang nghề khai thác hiện đại như: nghề rút chì, nghề rê cá dưa, nghề câu khơi (được trang bị máy dò cá, máy định vị...). Đặc biệt có nhiều tàu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào khai thác như hệ thống máy dò ngang với bán kính hiệu quả 1km. Trong đó, HTX Nhật lệ II, tổ hợp đánh cá của anh Nguyễn Văn Phong ở thôn Sa Động có nhiều mẻ lưới đạt từ 30-40 tấn. Các tàu của anh Hoàng Vang, Đào Minh Hải, Hoàng Viết Ngọc ở thôn Hà Thôn, anh Nguyễn Văn Quý ở thôn Mỹ Cảnh... có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/lao động/mỗi chuyến.

Bảo Ninh được xem là địa phương đi đầu trong tổ chức lại nghề cá theo hướng thành lập tổ đội đoàn kết, tổ hợp tác làm ăn trên biển. Qua 3 năm triển khai chủ trương này đến nay toàn xã đã thành lập được 52 tổ đoàn kết trên biển, 2 tổ hợp tác, thành lập nghiệp đoàn nghề cá có gần 200 đoàn viên. Nhận thấy mô hình hợp tác trên biển mang lại hiệu quả thiết thực nên Đảng uỷ, UBND xã đang tập trung chỉ đạo vận động ngư dân tiếp tục tham gia vào nghiệp đoàn nghề cá.

Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thương mại, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp được chú trọng phát triển, toàn xã đã có 19 doanh nghiệp, 460 hộ cá thể đang hoạt động. Kinh doanh có mức tăng trưởng khá, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, tổng thu nhập ước tính năm 2012 là 115 tỷ đồng; 4 tháng đầu năm 2013 mặc dầu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng vẫn đạt 40% kế hoạch đề ra.

Sản xuất nông nghiệp chăn nuôi và lâm nghiệp không phải là thế mạnh của xã, nhưng nhờ sự năng động sáng tạo của người dân nên đã tìm cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, có nhiều mô hình trồng rau sạch có hiệu quả kinh tế cao. Các loại rau phù hợp với đất Bảo Ninh tại khu vực thôn Hà Trung- Cừa Phú đã và đang chiếm lĩnh thị trường rau quả ở thành phố. Tổng diện tích hoa màu hiện có 40 ha, nhiều hộ có thu nhập khá cao đạt bình quân thu nhập từ 50-70 triệu đồng/năm.

Hiện nay UBND xã đang triển khai dự án trồng rau an toàn tập trung tại thôn Cừa Phú do thành phố chỉ đạo. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được cải thiện. Đã có nhiều mô hình chăn nuôi theo phương thức công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt mô hình nuôi đà điểu thương phẩm trên vùng cát phát huy hiệu quả.  Diện tích đất lâm nghiệp do xã quản lý và bảo vệ được duy trì tốt. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ rừng được đẩy mạnh.

Về thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự hưởng ứng đồng tình cao của nhân dân. Sau khi Đảng uỷ có nghị quyết về thực hiện xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã tập trung lãnh đạo tuyên truyền cán bộ và nhân dân trong toàn xã thực hiện tốt đề án xây dựng nông thôn mới theo lộ trình, phấn đấu hoàn thành đúng thời gian đề ra.

Bãi tắm của xã thu hút đông du khách.
Bãi tắm của xã thu hút đông du khách.

Một ghi nhận nữa ở Đảng bộ xã Bảo Ninh là lãnh đạo thực hiện nghiêm túc đồ án quy hoạch, quản lý tốt tài nguyên và môi trường. Từ đầu nhiệm kỳ xã đã hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết trên địa bàn, phục vụ kịp thời các công trình, dự án đầu tư xây dựng phục vụ đề án xây dựng nông thôn mới. UBND xã cũng phối hợp với các thôn tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền vận động các hộ dân trước khi xây dựng nhà phải có giấy phép xây dựng, thực hiện đúng các chủ trương của nhà nước về công tác quản lý đô thị. Tích cực kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, đất đai, vệ sinh môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Đảng uỷ, UBND xã đặc biệt quan tâm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho xây dựng công trình, dự án. Trong những năm qua nhiều công trình lớn đã được tiến hành thi công trên địa bàn xã như công trình đường trục chính 60m bắc nam xã Bảo Ninh, công trình quảng trường biển, kè Nhật Lệ nối tiếp kéo dài đến thôn Hà Thôn, khu dân cư tại thôn Trung Bính - Hà Dương, khu tái định cư tại thôn Mỹ Cảnh...

Nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân nhất là các hộ bị thu hồi đất, đền bù tài sản trên đất cho các công trình, các dự án nên đã bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công đúng tiến độ. Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của tập thể Đảng uỷ, UBND, UBMTTQVN xã và các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân.

Từ chỗ một địa phương có cơ sở hạ tầng thuộc hàng yếu kém, đi lại khó khăn, mức sống của người dân thấp, đến nay, với việc đầu tư xây dựng cầu Nhật Lệ, Bảo Ninh đã thực sự khởi sắc. Hệ thống trường học khang trang, nhà ở hộ gia đình cũng đã từng bước được xây dựng cao tầng.

Về văn hóa- xã hội, nhiều lễ hội truyền thống của cư dân vùng sông nước ở Bảo Ninh được bảo tồn và phát huy giá trị. Trên địa bàn có 8 câu lạc bộ chèo cạn, 6 câu lạc bộ múa bông thường xuyên luyện tập, biểu diễn. Phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được chú trọng thực hiện. Bảo Ninh có một làng văn hóa cấp tỉnh, một làng văn hóa cấp thành phố, số còn lại đạt làng văn hóa cấp xã.

Thông qua thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị , chính quyền phối hợp với UBMTTQVN xã chỉ đạo các thôn xây dựng hương ước, đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Đến nay toàn xã có 1.838 hộ/2.096 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 87,7%; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5%.

                                                                                Hồng Quân












 

,
.
.
.